Kinh tế tư nhân: Đường lớn đã mở

Hội nghị Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc sau 6 ngày làm việc.

Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề đặc biệt quan trọng, trong đó có việc xem xét và thông qua 3 nghị quyết kinh tế liên quan đến mở lối cho phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới (Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; và Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sau 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.

Ngay sau Hội nghị, nhiều doanh nhân, chủ các doanh nghiệp tư nhân chia sẻ: Việc Trung ương khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân là niềm vui lớn của giới doanh nghiệp tư nhân. Họ hy vọng việc cởi trói, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch và lành mạnh sớm được chính quyền các cấp triển khai nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Thật ra, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đã được triển khai ngay sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, nhất là sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới nhậm chức. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ (7/4/2016), ngày 29/4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ giới doanh nhân, doanh nghiệp để nghe họ - đội quân chủ lực trong phát triển đất nước trải lòng. Trước đó, ngày 28/4, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Sau đó, ngày 16/5/2016, Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Kết quả là, trong 9 tháng của năm 2016 đã có trên 100.000 doanh nghiệp tư nhân thành lập mới.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sau Đại hội XII của Đảng, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nhưng nhìn chung còn rất nhỏ bé về mọi mặt. Nói kinh tế tư nhân bị chèn ép, bị đối xử bất bình đẳng là có thật.

Việc Trung ương ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đã mở ra con đường lớn để kinh tế tư nhân phát triển, đóng góp nhiều hơn cho sự giàu, mạnh của đất nước.

Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực cho phát triển đất nước thì việc triển khai Nghị quyết phải nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, quyết liệt hơn. Và nhất là những người làm chính sách cần có cách tiếp cận sâu sắc với doanh nghiệp để xem họ thực sự cần gì. Thứ hai, Nhà nước sớm có sự đảm bảo pháp lý về sự an toàn tài sản của họ. Thứ ba, Nhà nước cần thực hiện công bằng và minh bạch trong phân bổ nguồn lực. Thứ tư, như Tổng bí thư nhấn mạnh: “… Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai minh bạch; ngăn chặn, hạn chế tiêu cực, đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, “thao túng chính sách”, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính”.

Thanh Hiền

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/kinh-te-tu-nhan-%E2%80%8Bduong-lon-da-mo-post2040.html