Kinh tế tư nhân: Những mong muốn

Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững,...

Bằng những cải cách mạnh mẽ về chính sách của Đảng và Nhà nước, trong hơn chục năm qua, nhất là từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký quyết định ban hành Nghị quyết 10 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (ngày 3/6/2017) với mục tiêu tổng quát: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng doanh nghiệp và chất lượng.

Thực tế cho thấy, qua gần 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết, kết quả đạt được là đáng khích lệ: Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá (GDP quý I/2019 tăng 6,79%) trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng chậm (toàn cầu chỉ tăng 3,3 - 3,4%).

Điều đáng ghi nhận là sự phát triển doanh nghiệp. Trong quý I/2019, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hơn 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên trên 43.500 doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân của khối kinh tế tư nhân đã trở thành tỷ phú USD. Khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp gần 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.

Cùng với sự bùng nổ về số lượng, doanh nghiệp tư nhân đã tạo chuyển biến quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu ngành nghề thông qua tạo việc làm, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp, tham gia đầu tư vào các thị trường ngách, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm khu vực doanh nghiệp tư nhân tạo hơn 500.000 việc làm (chiếm khoảng 62% tổng số việc làm trong toàn bộ khối doanh nghiệp) với thu nhập ngày càng tăng.

Đặc biệt, đây là khu vực có tốc độ tăng năng suất lao động ổn định và cao nhất. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã tạo nên hình ảnh mới cho đất nước…

Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân đủ sức kéo nền kinh tế cất cánh thì còn rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ.

Nói vậy vì, tuy kinh tế tư nhân chiếm 50% GDP nhưng doanh nghiệp tư nhân mới chỉ chiếm 8% GDP. Như vậy có nghĩa là, số đông trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn là các hộ kinh doanh và doanh nghiệp chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Thứ hai, sự liên kết của các doanh nghiệp tư nhân còn yếu, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ với nhau và với các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, nhất là với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là khâu yếu nhất trong nền kinh tế hiện nay.

Thứ ba, các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân hiện tập trung chủ yếu vào ngành dịch vụ và bất động sản, chưa chú ý nhiều đến sản xuất kinh doanh, chưa tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Thứ tư, tuy đã có nhiều cải cách mạnh mẽ, nhất là thủ tục hành chính, “giấy phép con”, “giấy phép cháu, chắt” cũng như nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp đã được bãi bỏ nhưng theo nhận xét chung thì “chưa đạt yêu cầu Thủ tướng giao”. Đây là rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân Việt rất chậm lớn.

Thứ năm, nhận thức về kinh tế tư nhân tuy đã có sự thay đổi nhưng cần thay đổi mạnh mẽ hơn ở tất cả các cấp, ngành nhằm tạo sự bình đẳng của kinh tế tư nhân - doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để tạo sự thay đổi đối với 5 hạn chế nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp mong muốn Chính phủ nhanh chóng khai thông cơ chế, đổi mới thể chế, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật để phương châm “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả, Bứt phá” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khởi xướng, chỉ đạo lan tỏa mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn và thấm sâu hơn.

Hiền Anh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/kinh-te-tu-nhan-nhung-mong-muon-post27060.html