Kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức

Trước chỉ số các lĩnh vực đạt được trong quý I/2019 khá khả quan, nhưng theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là trong kinh tế vĩ mô từ quý II đến quý IV.

Đây là nhận định của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Hội thảo "Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2019 được công bố tại hội thảo, thống kê 3 tháng đầu năm cho thấy khá ấn tượng: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I năm 2018, song vẫn cao hơn cùng kỳ nhiều năm từ 2009-2017. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ những năm gần đây, tổng giá trị xuất khẩu đạt 58,86%, tăng 5,3% so với cùng kỳ 2018.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm khoảng 3,71%.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trước những con số trên, CIEM nhận định tình hình khả quan chính là do điều hành của Chính phủ đã tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và sức chống chịu của nền kinh tế. Diễn biến tăng trưởng kinh tế và lạm phát tiếp tục được theo dõi sát, với không ít động thái, thông điệp điều hành xuyên suốt quý I.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô của CIEM phân tích, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, đà phục hồi tăng trưởng trong những năm qua nhờ một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.

Một điểm nhấn của điều hành được ghi nhận nữa là hiệu quả phối hợp của chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác được cải thiện đáng kể. Công tác điều hành tài khóa và cơ cấu lại ngân sách nhà nước ít nhiều đã mang lại hiệu quả tích cực. Điều hành chính sách tài khóa đã ít nhiều linh hoạt hơn.

Những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng tạo nên kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019 hướng tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế giới bất định như hiện nay, dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lại không còn nhiều do đó sẽ không ít khó khăn, thách thức để hiện thực hóa kỳ vọng mà Chính phủ đã đặt ra. Cụ thể diễn biến kinh tế vĩ mô của nước ta từ nay đến cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài bao gồm rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ gia tăng; căng thẳng thương mại trong khu vực; hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP, xu thế tăng trưởng GDP tiếp tục suy giảm..

Ảnh minh họa

Để giải quyết những khó khăn trên, ông Dương lưu ý Việt Nam cần lưu tâm xử lý những thách thức về nền tảng kinh tế vĩ mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện.

Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Theo Ngân hàng thế giới, khi chỉ số về chất lượng văn bản pháp luật hướng tới sự phát triển của khu vực tư nhân cứ tăng được 1% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cải thiện được 1,3 điểm %.

Có một vấn đề cần lưu ý là khu vực doanh nghiệp (DN) tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh về cơ cấu. Các DN chế biến chế tạo bớt lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I. Cộng đồng DN vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng “hậu đăng ký DN” và tiếp cận thông tin minh bạch, lo ngại về lãi suất cao…

Kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế bao gồm cả thể chế kinh tế và giải pháp chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2019, các ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh lại thông điệp: Việc ưu tiên chính sách tập trung cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Quang Thái nêu lên thực trạng nỗi lo tụt hậu lần hai, khi mà Việt Nam đang tiến lên với những bước tiến không nhanh không dài bằng các nước khác. Vì vậy không nên bằng lòng với những gì đang làm để mà không tăng tốc, không quyết liệt.

Cũng cùng quan điểm, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung bày tỏ tuy tự hào nhưng không nên quá thỏa mãn với những lời khen và những ghi nhận các tổ chức quốc tế dành cho những thành tích của Việt Nam. Bởi nếu thỏa mãn sẽ tụt hậu trong cải cách.

Đề cập đến các vấn đề kinh tế vĩ mô nổi bật, báo cáo của CIEM và các chuyên gia đã nói đến yêu cầu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo (TTĐMST) như Chính phủ đã quyết định và giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng đề án.

Các nước đang chạy đua ứng dụng các công nghệ tiên tiến để chuyển đổi nền sản xuất, phát triển các giải pháp công nghệ mới… Trong cuộc chạy đua này, nhiều nước đã và đang xây dựng các TTĐMST để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong nước.

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh đến yếu tố mới và sáng tạo, “dịch vụ mới, sản phẩm mới, công nghệ mới, ý tưởng mới… đó là động lực của tăng trưởng”. Việt Nam cần có một TTĐMST đúng nghĩa theo thực tiễn quốc tế tốt nhất để có thể tăng trưởng nhanh hơn để có thể sớm đuổi kịp các nước trong khu vực. Trung tâm này sẽ tạo ra một hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo và theo các chuyên gia, để thành công cần có cơ chế đặc thù cho trung tâm.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/kinh-te-vi-mo-viet-nam-se-phai-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-533703.html