Kinh tế Việt Nam 2021: Nhiều tín hiệu lạc quan

Nhiệm vụ của năm 2021 không chỉ đạt tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6% hay kiểm soát lạm phát ở mức bằng hoặc dưới 4% mà là khởi đầu cho một giai đoạn mới, nhiệm kỳ mới. Chính vì vậy, những kết quả ấn tượng của năm 2020 được kỳ vọng tạo sức bật cho năm 2021, từ đó tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của cả giai đoạn 2021-2025.

Kiên cường trong đại dịch

TS Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đưa ra nhận định khái quát về tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2020: “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”. Năm 2020, GDP ước tăng 2,91% so với năm trước. Tuy là mức tăng thấp nhất giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội toàn cầu, việc GDP tăng trưởng dương là ấn tượng và Việt Nam đã ghi một mốc son, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật cao tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật cao tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Không chỉ tăng trưởng về lượng mà chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng đáng lạc quan. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019). Như vậy, theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,4% do trình độ người lao động ngày càng được nâng cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%. Với quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN), cả nước vẫn có 134.900 DN đăng ký thành lập mới, tuy giảm 2,3% so với năm trước nhưng số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%.

Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp cả năm 2020 vẫn đạt giá trị tăng thêm 3,36% so với năm 2019. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82% và giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.

Một ví dụ thuyết phục khác về tính đúng đắn trong đường lối, chính sách điều hành mở cửa là việc ký kết, thực thi các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới. Số liệu thống kê cho thấy, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã tạo động lực cho GDP quý 4 vừa qua tăng trưởng khởi sắc so với quý 3, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,6%; khu vực dịch vụ tăng 4,29%...

Bình luận về thành tích được cho là “đáng khâm phục thực sự”, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: “Gốc rễ nằm ở nền tảng tăng trưởng và vĩ mô ổn định trong 3 năm 2017-2019 chứ không phải chỉ ở các giải pháp quyết liệt thực hiện trong năm 2020”.

Lạc quan với mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Nhận định về năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tăng trưởng GDP khoảng 6%; CPI khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%) đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Đây là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại: Đại hội XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt… Tuy nhiên, các sự kiện lớn nêu trên cũng chính là luồng gió mới tạo ra hứng khởi mới cho một chính phủ với nhiều nhân tố mới, phát huy tinh thần quyết đoán, sáng tạo trong quản lý điều hành.

Không phải ngẫu nhiên mà tất cả tổ chức quốc tế đều khá lạc quan khi đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam. Trên cơ sở giả định rằng, khủng hoảng do dịch Covid-19 được kiểm soát, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,8% trong năm 2021 và ổn định quanh mức 6,5% trong các năm sau. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng GDP đạt 6,5% và thận trọng hơn cả, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo ở mức 6,1% - vẫn cao hơn chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.

Về phía các DN - chủ thể quan trọng kiến tạo nên tăng trưởng - kết quả điều tra xu hướng kinh doanh (do Tổng cục Thống kê tiến hành với các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) cho thấy, DN lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 1-2021 với 81% đánh giá “ổn định và tốt hơn” so với quý 4-2020.

Trước khi khép lại năm 2020, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch đến từng bộ ngành, địa phương, quán triệt hơn 10 nhóm giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2021. Kèm theo đó, những chỉ tiêu tổng quát và gần 90 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực với đích danh từng cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá và mốc thời gian hoàn thành cũng được xác định rõ. Bên cạnh các yếu tố nền tảng là khát vọng, kỷ cương, đoàn kết và quyết liệt hành động, phương châm hành động của Chính phủ trong năm tới còn có thêm “đổi mới sáng tạo”. Như vậy, có thể nhận định, nền kinh tế Việt Nam ở năm 2021 sẽ đầy triển vọng lạc quan.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinh-te-viet-nam-2021-nhieu-tin-hieu-lac-quan-706744.html