Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng trên 6,8% nhưng tiềm ẩn nhiều bất ổn

Ngày 10/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 và đưa ra một số nhận định về tăng trưởng và những rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Anh.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR tóm tắt báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 vừa công bố, VEPR nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, còn nhiều tiểm ẩn về lạm phát vào quý IV và thiếu cân bằng trong tỉ giá ngoại tệ.

Báo cáo cho biết, tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý III/2018 tăng trưởng tích cực ở mức 6,88% và tính chung 9 tháng đầu năm GDP tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng đây là mức tăng trưởng cao, xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng các quý trong năm.

Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98%, mức tăng 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011. Với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của quý III, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Viện trưởng VEPR cũng cho rằng, chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý IV năm nay. Về lạm phát trong năm 2019, nếu giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu. Mà giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát của toàn bộ nền kinh tế. Bởi vậy, theo tính toán sơ bộ của VEPR, chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm.

Mặt khác, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, việc điều chỉnh tỉ giá giữa tiền đồng Việt Nam, nhân dân tệ và đô la Mỹ cần được điều chỉnh linh hoạt hơn. Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu và các chuyên gia VEPR, tiền đồng Việt Nam phải ở mức trung bình giữa hai loại ngoại tệ mạnh nêu trên. Nếu không đồng tiền Việt Nam sẽ khiến hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh so với hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc, mặt khác giảm lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế có chung một nhận định là nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa phải là nền kinh tế được công nhận là nền kinh tế thị trường, chưa thực sự tăng trưởng ổn định. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành cần phải cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình dự trữ ngoại tệ quốc gia, thông tin về điều chỉnh tỉ giá, các chính sách về thuế, phí... Bởi chỉ khi có đầy đủ thông tin, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong nước, quốc tế mới có được cách ứng xử và đưa ra những quyết định chính xác nhất về đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xuất nhập khẩu...

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/kinh-te-viet-nam-co-the-tang-truong-tren-68-nhung-tiem-an-nhieu-bat-on-517329.html