Kinh tế Việt Nam năm 2023: Chủ động trước'cơn gió nghịch'

Với tăng trưởng GDP 8,02%, kinh tế Việt Nam năm nay được đánh giá là phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, những khó khăn của kinh tế thế giới trong năm 2022 đã, đang và sẽ tiếp tục tác động kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Những thách thức này được ví cơn gió nghịch đối với kinh tế của Việt Nam. PV Kinh tế & Đô thị trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển xung quanh vấn đề này.

Tiếp tục tăng trưởng vượt trội

Với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới năm 2022, kinh tế Việt Nam vẫn gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Theo ông, đâu là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế năm 2022?

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam đã bứt phá từ mức gần 2,6% vào năm 2021 lên mức 8,02%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới đang cắt giảm hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ để nỗ lực kiềm chế lạm phát, thì kết quả đạt được kinh tế của Việt Nam được đánh giá là tươi sáng.

Không chỉ tăng trưởng tốt, Việt Nam còn là điểm sáng khi duy trì được nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã và bão giá.

Một điểm sáng khác thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, đó là vốn giải ngân tăng khá mạnh. Năm 2022 giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng 13,5%, ước đạt gần 22,4 tỷ USD. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển

chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển

Bên cạnh đó, sự phục hồi ổn định trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và tiêu dùng trong nước, đầu tư ngày càng tăng và việc duy trì cán cân thương mại với các nước khác.

Vậy đâu là chìa khóa trong chính sách điều hành giúp Việt Nam thành công lội ngược dòng như vậy, thưa ông?

- Để đạt được mức tăng trưởng ấn tượng vừa qua là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là chính sách nhanh nhạy sau đại dịch. Sự chuyển dịch lớn về kinh tế khi thực hiện nới lỏng quy định về dịch, chiến lược thích ứng an toàn và tỷ lệ tiêm vaccine vượt trội… đã mang lại sản lượng cao, bán lẻ và du lịch phục hồi. Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát kiểm soát tốt đã tăng niềm tin cho các nhà đầu tư có thể yên tâm làm ăn, kinh doanh.

Chính sách tiền tệ linh hoạt. Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh, cho phép các DN nhanh chóng quay trở lại hoạt động sản xuất khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Việc giảm thuế và hỗ trợ cho người lao động trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội giúp nền kinh tế lấy lại động lực. Việt Nam cũng trở thành điểm sáng với cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường đầu tư thân thiện…

Năm 2023: Mục tiêu GDP 6,5% là thách thức

Ông đánh giá sao về chỉ tiêu 6,5% cho năm 2023, có những thuận lợi và thách thức nào?

- Mức tăng trưởng GDP 6,5% đề ra cho năm 2023 là phù hợp trên nền tăng trưởng cao (khoảng 8%) của năm 2022. Không dễ để nền kinh tế Việt Nam 2023 có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Các dự báo của các tổ chức quốc tế đều cho thấy, kinh tế toàn cầu năm 2023 đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo ảm đạm, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Áp lực lạm phát dai dẳng, các điều kiện tài chính xấu đi, trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái làm giảm lực cầu xuất khẩu. Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp, trong khi đó, xuất khẩu vốn là động lực tăng trưởng rất lớn của Việt Nam.

GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng đã thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011 - 2019. Kể từ giữa quý III, đà tăng trưởng đã chững lại và thậm chí trên một số lĩnh vực suy giảm là khá rõ như xuất khẩu.

Nhiều DN xuất khẩu như da giày, dệt may... dù đạt được kết quả kinh doanh trong 3 quý đầu năm tốt nhưng đơn hàng cho các quý sau cũng dần chậm lại. Đơn đặt hàng giảm 30 - 40%, xa hơn đơn hàng cho cả năm sau rất vắng bóng, những đơn vị nào có đơn hàng đến quý I năm sau rất là quý.

Bên cạnh đó, đầu tư công vẫn là “điểm nghẽn”, thị trường chứng khoán, trái phiếu tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất động sản trầm lắng, chậm phục hồi; nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới… đó là những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Năm 2022, mặc dù tăng trưởng khả quan, số DN mới tăng nhưng số DN tạm dừng hoạt động cũng rất lớn. Ngoài ra số vốn đăng ký của các DN cũng giảm đi. Vì sao vậy thưa ông?

- Những yếu tố bất định gia tăng cũng tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân, DN trong thời gian qua.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Tân cảng Sài Gòn. Ảnh: Phạm Hùng

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động phức tạp như giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, xung đột Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí sản xuất cao, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp của đất nước và ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, du lịch… thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh... Do vậy, nhiều DN phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023 cần phải làm gì và dựa vào những trụ cột nào?

- Năm 2023, tôi cho rằng cần phải tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đảm bảo sức khỏe cho thị trường tài chính, đẩy mạnh đầu tư công, khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại của thị trường trái phiếu, hay bất động sản sẽ là mục tiêu quan trọng để giữ vững lòng tin của DN nhà đầu tư vào Việt Nam.

Duy trì động lực từ các trụ cột tăng trưởng như đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế số…

Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và dịch bệnh mới phát sinh. Cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động đánh giá, dự báo các mặt hàng có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có phương án điều tiết về nguồn cung hàng hóa, sản xuất trong nước. Chính sách điều hành giá cần rà soát, tính toán lộ trình tăng giá phù hợp đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, quản lý, trên cơ sở cân nhắc, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, đặc biệt là giá xăng dầu, điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục.

Cần tiếp tục đẩy nhanh lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện quy định về trái phiếu DN, thị trường chứng khoán...

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá, các chính sách sách điều hành của NHNN dù không phải là hoàn hảo nhưng về mặt đảm bảo ổn định một cách tương đối trong so sánh với các quốc gia thì Việt Nam đã đạt được. Quan điểm của ông thế nào?

- Xuyên suốt từ tháng 9 đến tháng 12/2022, chúng tôi thấy rằng Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính đang từng bước kiểm soát những khó khăn xuất hiện như lãi suất cao, kẹt tín dụng...

Lạm phát tăng nhưng không phải là quá mạnh, VND mất giá không nhiều, lãi suất huy động tăng mạnh trong tháng 10 và 11 nhưng ít nhiều lãi suất cho vay không tăng mạnh như lãi suất huy động. Gần đây các ngân hàng giảm ít nhiều lãi suất và chính sách nới room cũng tiếp tục được mở ra.

Những gì lo lắng từ hệ thống ngân hàng, kể cả trái phiếu DN đã từng bước được kiềm chế, nên điểm xấu của lãi suất, tín dụng cuối năm nay mà chúng ta lo lắng thì ở năm sau sẽ được tháo gỡ. Dự báo diễn biến kinh tế 2023, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023.

Các DN sản xuất, kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I-II/2023 và sẽ phục hồi tăng vào quý III. Nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III, với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ…

DN cần chú ý những gì trong năm tới thưa ông?

- Bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, rất cần sự nỗ lực tiếp tục của cộng đồng DN.

Sau những khó khăn đã phải trải qua, những yếu kếm trong nội bộ DN được bộc lộ ra, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng những yếu tố khách quan tạo nên sự đổi mới, buộc DN thay đổi, thích ứng. DN cần nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức và có kịch bản ứng phó linh hoạt.

Trong giai đoạn hiện nay vấn đề quan trọng nhất đối với DN là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cần được tiếp cận một cách đúng đắn hơn nữa; DN cần nâng cao năng lực pháp lý. Đồng thời, cần đưa nội dung quản trị rủi ro vào những chiến lược kinh doanh, đưa vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh hay hợp đồng những điều khoản khi nảy sinh tranh chấp - nguyên tắc tranh chấp…

Xin cảm ơn ông!

"Các dự báo về kinh tế toàn cầu năm 2023 ngày càng trở nên u ám hơn. Nguy cơ xung đột địa chính trị, những bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt… đang là những thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam năm 2023." - TS. Đinh Thế Hiển

Thảo Nguyên (thực hiện)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-viet-nam-nam-2023-chu-dong-truoccon-gio-nghich.html