Kinh tế Việt Nam: Phát huy ưu thế và động lực tăng trưởng

Kết thúc năm 2023, Việt Nam được thế giới ghi nhận là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín tin tưởng vào triển vọng phục hồi nhanh của nền kinh tế nước ta, với mức tăng trưởng GDP năm 2024 ước từ 6,1-6,7%.

Việt Nam cần tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và hướng ưu tiên vào giảm lượng khí thải carbon. (Nguồn: Vietnam Insider)

Điểm sáng kinh tế năm 2023

Năm 2023, tăng trưởng GDP Việt Nam đạt trên 5,05%, cao hơn gấp đôi mức tăng GDP trung bình thế giới và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua và xuất khẩu trên 53,01 tỷ USD, xuất siêu 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

Lần đầu tiên lĩnh vực lâm nghiệp hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng thế giới, thu về 1.200 tỷ đồng, góp phần phát triển lâm nghiệp.

Động lực tăng trưởng được duy trì nhờ thị trường trong nước tiếp tục mở rộng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhiều bứt phá với nhiều dự án lớn vào lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong dòng vốn đầu tư dịch chuyển khu vực và quốc tế nhờ ưu thế ổn định chính trị, dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và lượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình đang tăng nhanh, hạ tầng ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại.

Năm 2023, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước; vốn FDI thực hiện ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2022, là con số thực hiện cao nhất trong năm năm qua.

Nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam đang và sẽ có sự tham gia mạnh mẽ và sâu hơn vào một số chuỗi cung ứng mới của thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao.

Các chỉ số khác đều có sự tăng ổn định như: tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 1.717,8 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán năm. CPI bình quân cả năm tăng 3,25%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,28%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm trước... Cả nước thu hút 12,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm.

Năm 2023, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, trong đó nổi bật là hoạt động ngoại giao kinh tế, tiếp tục thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đây cũng là năm Việt Nam và Israel ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (CEPA).

Việt Nam và 13 đối tác trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) công bố kết thúc đàm phán về Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế. Hơn nữa, với việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và Đối tác chiến lược với tất cả các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Kết thúc năm 2023, Việt Nam được thế giới ghi nhận là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung và tiếp tục nhận được sự đánh giá cao với việc ngày 8/12/2023, Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam từ mức BB lên BB+, với triển vọng ổn định.

Triển vọng năm 2024

Trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam vừa được công bố vào tháng Một, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024, với xu hướng đà phục hồi tiếp tục cải thiện dần theo thời gian (tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm 2024).

Cơ sở cho kỳ vọng trên của Standard Chartered là nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Những trở ngại đối với xuất khẩu sẽ giảm dần trong năm 2024, khi nền kinh tế Mỹ và EU bắt đầu phục hồi…

Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, chuyên gia kinh tế của ngân hàng trên nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và hướng ưu tiên vào giảm lượng khí thải carbon.

Cùng chung nhận định, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tiếp nối đà phục hồi nửa cuối năm 2023, sự gia tăng hiệu quả của các động lực tăng trưởng truyền thống kết hợp với khả năng phát huy động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 6-6,5%.

Đồng thời, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, một mặt cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp. Mặt khác, chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các FTA đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây. Cùng với đó là thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác và có các chính sách, giải pháp kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra, Việt Nam cần khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới liên quan đến: phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng…

Mới nhất, ngày 15/1, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức, báo cáo do Viện trưởng CIEM TS. Trần Thị Hồng Minh chủ trì soạn dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể ở 2 kịch bản, tăng trưởng 6,13% hoặc 6,48%.

Muốn có được các kịch bản tăng trưởng này, bà Hồng Minh cho rằng, năm 2024, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Như vậy, về tổng thể, có thể thấy giai đoạn khó khăn nhất trên hành trình phục hồi kinh tế sau đại dịch đã qua. Hầu hết các dự báo chỉ số tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tích cực hơn năm 2023. Tuy vậy, như Thủ tướng Chính phủ nhận định, năm 2024, Việt Nam tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong.

Để nền kinh tế Việt Nam tiếp nối đà phục hồi nửa cuối năm 2023, bứt tốc tăng trưởng trong năm 2024 như Quốc hội đã thông qua (khoảng 6-6,5%), Chính phủ cần cân nhắc các ý kiến trên và nhất quán thực hiện tốt Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02/2024 vừa ban hành.

Theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đặt ra các mục tiêu cụ thể:

- Năm 2024, phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) tăng ít nhất 10% so với năm 2023.

- Về năng lực đổi mới sáng tạo của WIPO: Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất ba bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT lên ít nhất 5 bậc; Tăng điểm chỉ số Thủ tục thông quan trong xếp hạng hiệu quả logistics của Ngân hàng thế giới lên ít nhất 0,2 điểm.

- Về năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới: nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành lên ít nhất năm bậc; nâng xếp hạng Nhóm chỉ số Hạ tầng dịch vụ du lịch lên ít nhất ba bậc.

TS. Nguyễn Minh Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-phat-huy-uu-the-va-dong-luc-tang-truong-259871.html