Kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trong suy thoái thương mại toàn cầu

Năm 2019, dù Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP thấp hơn năm trước, nhưng chính sách tiền tệ của Việt Nam đang duy trì ở mức chặt chẽ và nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 là vững chắc.

Chuyên gia Kinh tế lạc quan về mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019. ( Nguồn: VNEconomy)

Báo TG&VN xin lược dịch bài đánh giá của chuyên gia kinh tế Khoon Goh - Trưởng phòng Nghiên cứu châu Á của Ngân hàng ANZ xung quanh vấn đề nêu trên.

Tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 là vững chắc, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái thương mại toàn cầu và tác động của dịch tả lợn châu Phi đối với ngành nông nghiệp. Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ) tiếp tục giữ mức dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2019 của Việt Nam là 6,7%. Mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng 7,1% đạt được năm 2018 nhưng tốc độ tăng trưởng này tiếp tục củng cố vị trí của Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam dự báo đạt mức trung bình 2,8% trong năm 2019, thấp hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước và theo ANZ, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang được duy trì ở mức chặt chẽ. Đây là những con số đầy tích cực của kinh tế Việt Nam.

Quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục gặt hái thành quả từ những cải cách trong quá khứ và nỗ lực tiếp tục đổi mới trong hiện tại. Việt Nam đang trên đà tăng gấp đôi tổng thu nhập quốc dân trên đầu người, từ mức 2.400 USD năm 2018 dự kiến lên 4.800 USD vào năm 2028 - lúc mà Việt Nam sẽ “tốt nghiệp” mức thu nhập trung bình cao.

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tránh được sự suy giảm kinh tế diễn ra tại một số nền kinh tế châu Á khác nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam cần quản lý tốt dòng vốn FDI đang đổ vào nền kinh tế nhằm đảm bảo phân bổ nguồn lực đầy đủ đồng thời ngăn chặn sự tăng trưởng quá nóng. Sự thay đổi của Chính phủ nhằm hướng tới dòng vốn FDI thế hệ mới là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục củng cố lượng dự trữ ngoại hối so với mức hiện nay.

Về tăng trưởng ở các lĩnh vực, ngành dịch vụ của Việt Nam trong quý II vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 6,83% so với cùng kỳ năm 2018, động lực chủ yếu đến từ sự gia tăng thu nhập và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, giúp thương mại bán buôn và bán lẻ phát triển. Hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế tiếp tục được mở rộng và thúc đẩy, kéo theo sự tăng trưởng trong lĩnh vực vận tải và kho bãi. Lĩnh vực dịch vụ - tài chính tiếp tục được hưởng lợi từ sự tăng trưởng trong toàn bộ nền kinh tế. Trái với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, ngành nông nghiệp chỉ đạt mức tăng trưởng 1,95% - mức yếu nhất trong ba năm qua. Nguyên nhân chính là do dịch tả lợn châu Phi hoành hành, bắt đầu được phát hiện vào tháng Hai và lan rộng ra khắp cả nước.

Là nước tương đối đi sau về phát triển kinh tế trong khu vực, cải cách chỉ thực sự được tiến hành từ năm 1986 khi Việt Nam thực hiện chính sách “Đổi Mới”. Tăng trưởng kinh tế bắt đầu khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và việc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng trong năm 1995. Vào những năm 90 của thế kỷ trươc, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 7,4%, với sự đóng góp tích cực từ sự tăng trưởng của năng suất lao động, trung bình 4,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục trong thập niên đầu của thế kỷ 21 và Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2009. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam tiếp nhận một lượng lớn dòng vốn FDI, cùng với đó là sự chuyển biến nhanh chóng trong lĩnh vực sản xuất theo hướng làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đã giúp nâng cao năng suất lao động và dự kiến sẽ sớm đạt mức trung bình 6,4% mỗi năm.

ANZ cho rằng, sự quyết tâm trong việc thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới của Chính phủ Việt Nam, nhìn chung, sẽ giúp duy trì tốc độ tăng trưởng năng suất cao, mặc dù một số ngành có thể tăng chậm đôi chút so với các số liệu trước đó. Cam kết của Chính phủ đối với các cải cách trên diện rộng là điều hết sức tích cực đối với triển vọng phát triển dài hạn của đất nước.

Tuy nhiên, dân số tăng trưởng chậm lại đồng nghĩa với việc yếu tố nhân khẩu học sẽ đóng góp ít hơn cho tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới. Mặc dù dân số trong độ tuổi lao động vẫn đang tăng về số lượng tuyệt đối, nhưng nó đã đạt đỉnh vào năm 2015 và đã bắt đầu xu hướng già hóa dân số. Dân số Việt Nam đang già đi, số người trên 60 tuổi sẽ tăng nhanh dẫn đến tỷ lệ phụ thuộc tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới. Đây là lý do chính để ANZ đưa ra nhận định rằng tốc độ tăng trưởng tiềm năng trung hạn của Việt Nam chậm lại ở mức 6% trong thập kỷ tới.

Sự thay đổi cấu trúc nhân khẩu này đòi hỏi các biện pháp kịp thời liên quan đến các quy định về tuổi nghỉ hưu và cải cách lương hưu. Chính phủ Việt Nam cũng cần tiếp tục duy trì tăng trưởng năng suất nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững. Nếu thành công, những cải cách như vậy có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao.

Đức Dương (lược dịch)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-van-dung-vung-trong-suy-thoai-thuong-mai-toan-cau-99261.html