Kinh thành Ca Tỳ La Vệ quê hương Đức Phật hiện ở đâu?

Thành Ca Tỳ La Vệ thiêng liêng nằm tại vùng Tilaurakot, thuộc biên giới Ấn Độ và Nepal, là quê hương của Đức Phật.

Kapilavastu (phiên âm tiếng Việt: Ca Tỳ La Vệ; tiếng Nepal, Pali: Kapilavatthu) trước đây là Taulihawa, là một đô thị và là trung tâm hành chính của tỉnh Kapilvastu, trong khu vực Lumbini, miền nam Nepal. Thành Ca Tỳ La Vệ thiêng liêng là quê hương của Đức Phật.

Di tích thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilvastu) nằm tại vùng Tilaurakot, gần biên giới Ấn Độ và Nepal. Nơi đây là một trong những thánh địa liên quan đến một con người vĩ đại ra đời cách đây hơn 2.600 năm. Ca Tỳ La Vệ cách vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sinh khoảng 25km.

Ca Tỳ La Vệ cũng là nơi Đức Phật đã sống 29 năm đầu tiên trong cuộc đời của mình.

Thành Ca Tỳ La Vệ nằm gần biên giới Ấn Độ và Nepal. (Ảnh: Thuvienhoasen)

Thành Ca Tỳ La Vệ nằm gần biên giới Ấn Độ và Nepal. (Ảnh: Thuvienhoasen)

Về cổ thành Ca Tỳ La Vệ, đại sư Trần Huyền Trang (Trung Quốc), người đã đến đây trong thế kỷ thứ 7, từng miêu tả một cách chi tiết trong tác phẩm Đại Đường Tây Vực ký: "Thành Ca Tỳ La Vệ kiến trúc theo lối cổ kính, xây dựng toàn bằng gạch đá quý; bức tường thành vẫn còn, và kiến tạo rất kiên cố. Hiện tại, chỉ còn 634 phố, nhà lơ thơ và một ít dân chúng đang sống ở đó. Xung quanh có độ 100 tịnh xá bị hư hỏng. Gần chỗ này có một ngôi tịnh xá vĩ đại, 30 tu sỹ tiểu thừa và hai ngôi đền của Ba La Môn giáo".

Kinh thành Ca Tỳ La Vệ tuy không lớn nhưng rất trù phú. Tương truyền, khi xưa Ca Tỳ La Vệ là một khu rừng hoang, sau đó vị thánh giả Kapil Gautama (Ca Tỳ Cồ Đàm) khuyên thái tử Ikshwaku đến đó để lập nghiệp. Thái tử được mọi người biết qua tên Shakya (Thích Ca) đã nghiễm nhiên trở thành Shakya Gautama và đặt tên cho vương quốc của mình là Kapilvastu (Ca Tỳ La Vệ).

Thái tử Tất Đạt Đa xuất thân từ dòng dõi này. Ngài sinh ra và lớn lên trong nhung gấm lụa là, trong tình yêu thương tuyệt đối của hoàng thân quốc thích, cuộc sống tràn ngập niềm hạnh phúc với vợ đẹp con xinh, với sự kính trọng nể vì của toàn bộ tộc Thích Ca, sự hy vọng và ngưỡng mộ của toàn dân kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Tuy nhiên, ngài nhìn thấy những thái cực trái ngược của cuộc đời, nghèo - giàu, khổ đau - hạnh phúc, sự sống mong manh - cái chết vô thường... và điều đó đã dẫn đến cuộc ra đi vĩ đại để tìm con đường giải thoát khỏi đau khổ.

Ngày nay, di tích thành cổ Ca Tỳ La Vệ không còn nhiều. Vị trí được cho là nơi con ngựa của Đức Phật kiệt sức trút hơi thở cuối cùng khi quay lại thành nay chỉ còn là một ụ đất. Trải qua nhiều thế kỷ, kinh thành chỉ còn lại những bức tường dài ngang dọc đổ nát rêu phong, những bụi cây hoang dại mọc um tùm, những hầm hố gò nổi trên một lối đi...

Ca Tỳ La Vệ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1997. (Ảnh: Thuvienhoasen)

Ca Tỳ La Vệ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1997. (Ảnh: Thuvienhoasen)

Phía Tây chỉ còn sót lại nền gạch cũ cùng tấm bản đồ xác định vị trí của các nhà khảo cổ. Bên ngoài cổng thành Đông là cánh đồng phì nhiêu, mọi người cùng với trâu bò làm việc trong nắng ấm thanh bình.

Ca Tỳ La Vệ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1997.

Bằng Lăng (tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/kinh-thanh-ca-ty-la-ve-que-huong-duc-phat-hien-o-dau-ar872204.html