Kính thưa các 'anh chủ'!

Thiếu mất sự tử tế thì dù DN có phát triển đến đâu, các anh vẫn dừng lại ở những 'trọc phú' và 'con buôn' mà thôi.

Có một thực tế là hiện nay, nhiều người lao động (NLĐ) trình độ chưa cao dẫn đến các ứng xử trong công việc không chuyên nghiệp.

Thế nhưng, trong những doanh nghiệp (DN) mà họ làm việc, nhiều "anh chủ" cũng "trời ơi" không kém. NLĐ không may đầu quân cho các chủ DN dạng này chỉ biết kêu trời.

Gọi là "anh chủ" vì hầu như các chủ DN này chỉ chừng tuổi 40 trở lại, vẫn còn trẻ và đầy tham vọng. Bằng cách nào đó, có thể cả may mắn, họ nhanh chóng có nhiều tiền và trở thành chủ DN. Thế nhưng, kiến thức và cách ứng xử của họ có nhiều điều đáng nói.

Một kỹ sư trẻ cho biết chỉ vì kỳ kèo mười mấy ngàn đồng với người chạy xe ba gác thu gom rác mà chủ DN của anh bắt nhân viên đi dọn đống rác thải do người này tự ái bỏ lại. Mới ra trường, anh kỹ sư kiếm được một chân làm đúng chuyên môn cho một công ty xây dựng nhà phố ở quận 9, TP HCM. Vui chẳng được bao lâu, anh đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác vì cách cư xử không giống ai của "anh chủ".

Xuất thân từ một cơ sở buôn bán gạch ngói, gặp thời, anh này phất nhanh rồi lập riêng một công ty xây dựng. Theo phong trào, anh ta cũng đi học mấy lớp "CEO". Kết quả của mấy khóa học đó là nhân viên lãnh đủ với hàng tá giấy tờ, biểu mẫu phải kê khai chi chít, chồng chéo đến không thể hiểu nổi, khiến họ có cảm giác mình đang làm chuyện mờ ám. "Chuyện đó còn hiểu được. Đến khi "anh chủ" bắt lính phải đi đổ rác trộm thì quá sức tưởng tượng. Tiền thì không thiếu, nếu là rác thải sản xuất thì có thể lý giải được nhưng đây là rác thải sinh hoạt, rác văn phòng của công ty. Bực mình gì đó bên vệ sinh môi trường, "anh chủ" kiên quyết không đóng phí. Thế là hết tuần, anh ta kêu lính đi đổ rác trộm vào mấy bãi đất trống. Lỡ bị bắt gặp thì nhục mặt, biết chui vào đâu?" - anh kỹ sư kể lại.

Một "anh chủ" DN khác cũng từng thể hiện "bản lĩnh" của mình bằng việc ban hành một nội quy ứng xử ngỡ như đùa. Việc "điều 1 sếp luôn luôn đúng, điều 2 nếu nghĩ sếp sai thì xem lại điều 1" tưởng chỉ là chuyện hài công sở, không ngờ được anh này ứng dụng rốt ráo bằng một văn bản chính thức. Sau đó, anh ta sa thải nhân viên cũng bằng chính nguyên tắc ứng xử này, trong đó có thêm điều khoản đầy răn đe: "Sếp vẫn có khả năng "sinh sát" khi bạn chuyển công ty khác"!

Mới đây, một nhóm nhân viên bán hàng cho một nhà hàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM kêu trời vì chủ không chịu trả lương. Họ phần đông là sinh viên, làm việc ngắn hạn bằng thỏa thuận miệng. Khi họ lên công ty đòi lương, chủ nhà hàng mời công an đến và "lật kèo", bảo không quen biết. Trong số sinh viên đến công ty đòi lương, có người học ngành mỹ thuật, đồ nghề học tập cho vào một ống tròn, dài, màu đen, khoác chéo qua vai. Thế là qua đoạn camera ghi lại, chủ nhà hàng vu cho các sinh viên là mang hung khí đến đe dọa! May là công an phường đã biết tiếng nợ lương của chủ DN này nên có cách xử lý đúng đắn.

Người kinh doanh, buôn bán càng ngày càng được xã hội đề cao, gọi bằng những từ ngữ trọng thị "doanh nhân", "thương nhân", "thương gia". Người trẻ khởi nghiệp càng được cổ vũ, việc mở DN ngày một dễ dàng. Nhưng kính thưa các "anh chủ", để xứng đáng với sự trân trọng đó, các anh cần phải chịu khó học hỏi và thay đổi cách ứng xử; không thể mang bản năng tự nhiên vào công việc và đời sống xã hội, coi thường luật pháp và NLĐ. Thiếu mất sự tử tế thì dù DN có phát triển đến đâu, các anh vẫn dừng lại ở những "trọc phú" và "con buôn" mà thôi.

Đằng Giang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/kinh-thua-cac-anh-chu-20171017215555776.htm