Kính viễn vọng 10 tỷ USD phát hiện hơi nước bí ẩn ngoài Hệ Mặt Trời

Kính viễn vọng không gian James Webb đã phát hiện ra hơi nước xung quanh một hành tinh đá ngoài Hệ Mặt Trời, quay quanh một ngôi sao nằm cách Trái Đất 26 năm ánh sáng.

 Mô phỏng hành tinh GJ 486 b quay quanh một sao lùn đỏ ngoài Hệ Mặt Trời. Ảnh: NASA/ESA/CSA/Joseph Olmsted.

Mô phỏng hành tinh GJ 486 b quay quanh một sao lùn đỏ ngoài Hệ Mặt Trời. Ảnh: NASA/ESA/CSA/Joseph Olmsted.

Các nhà thiên văn học đã quan sát một ngoại hành tinh đá, nóng có tên là GJ 486 b bằng kính thiên văn James Webb. Hành tinh này lớn hơn Trái Đất khoảng 30% và có lực hấp dẫn bề mặt mạnh hơn nhiều so với hành tinh của chúng ta, CNN đưa tin hôm 2/5.

Nó quay quanh một ngôi sao và hoàn thành một vòng quỹ đạo sau 1,5 ngày tính theo thời gian Trái Đất. Khoảng cách gần giữa hành tinh này và sao chủ khiến nó có nhiệt độ bề mặt là 800 độ F (430 độ C).

Các nhà thiên văn học tin rằng hành tinh này chỉ có một bên luôn hướng về phía sao chủ, tương tự như cách Mặt Trăng quay quanh Trái Đất.

Dù nhiệt độ cao khiến hành tinh này không thể sinh sống được, các quan sát về GJ 486 b bằng máy quang phổ cận hồng ngoại của James Webb đã cho thấy dấu hiệu của hơi nước. Nghiên cứu chi tiết về phát hiện đã được chấp thuận xuất bản trên Astrophysical Journal Letters.

Sự hiện diện của hơi nước có thể là dấu hiệu cho thấy GJ 486 b bằng cách nào đó có bầu khí quyển riêng, bất chấp nhiệt độ cao và vị trí rất gần sao chủ.

Dù hơi nước trước đây đã được phát hiện trên các ngoại hành tinh khí, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy khí quyển xung quanh một ngoại hành tinh đá. Điều này nếu được chứng minh sẽ là phát hiện mang tính bước ngoặt, vì nó đồng nghĩa có các dạng hành tinh giống với Trái Đất hay Sao Hỏa - được coi là các hành tinh đá - bên ngoài Hệ Mặt Trời.

“Hơi nước trong khí quyển trên một hành tinh đá nóng sẽ là một bước đột phá lớn đối với khoa học ngoại hành tinh”, đồng tác giả nghiên cứu Kevin Stevenson, điều tra viên chính của chương trình quan sát James Webb tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Đại học Johns Hopkins ở Laurel, Maryland, cho biết.

Các quan sát trong tương lai về hành tinh này bằng những thiết bị khác nhau trên kính viễn vọng James Webb có thể tiết lộ thêm chi tiết về nguồn gốc của hơi nước.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-vien-vong-10-ty-usd-phat-hien-hoi-nuoc-bi-an-ngoai-he-mat-troi-post1427688.html