Kofi Annan: Khi chính trị gia hòa giải

Với hiểu biết về địa chính trị sâu rộng, cùng những cam kết và nỗ lực không mệt mỏi vì một thế giới tốt đẹp hơn, ông xứng đáng là một trong những Tổng Thư ký xuất sắc nhất của Liên hợp quốc (LHQ).

Con người ấy đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 18/8 vừa qua ở tuổi 80, sau thời gian dài chiến đấu kiên cường với bạo bệnh, giống như cách mà ông đã đấu tranh cho quyền lợi của các quốc gia tại LHQ.

Sự nghiệp của ông Kofi Annan gắn liền với chính trị và quyền lực. Trải qua thăng trầm trong sự nghiệp, đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, song bằng vào bản lĩnh của mình, ông đã góp phần giải quyết thành công nhiều cuộc khủng hoảng. Vì vậy, ông giữ một vị trí rất quan trọng trong nền chính trị quốc tế, đặc biệt dưới vai trò là người hòa giải có khả năng “chơi” với các cường quốc hùng mạnh nhất.

Bước chân không mỏi

Từng làm việc với Hội đồng Bảo an LHQ, có lúc ông Kofi Annan đã lựa chọn đối đầu với các cường quốc. Ông đặt cược uy tín chính trị của mình để dập tắt các cuộc khủng hoảng mà đôi khi chính các cường quốc cũng không thể tự giải quyết được như xung đột tại Syria hay vấn đề người Rohingya ở Myanmar.

Cố Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan. (Nguồn: AP)

Ông cũng đặc biệt quan tâm tới tình trạng khó khăn của Nga sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ông đã tìm cách giúp Moscow giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là Kosovo, đồng thời đóng góp tích cực cho tiến trình hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành nhiều lời tốt đẹp cho chính trị gia đến từ Ghana, đánh giá ông là một người “khôn khéo song cũng rất can đảm”.

Khác với người tiền nhiệm Boutros Boutros-Ghali, ông Annan cho rằng LHQ cần thừa nhận sức mạnh của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng có thể “làm dịu” đi sức mạnh của Mỹ bằng cách thuyết phục Washington phối hợp với các cường quốc khác. Khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, ông Annan đã kịch liệt phản đối, song ông cũng cho rằng LHQ cũng cần thể hiện vai trò tích cực của mình trong việc tái thiết sau chiến tranh Iraq. Nhà lãnh đạo này hy vọng gìn giữ quan hệ với Washington, đồng thời xoa dịu các cường quốc khác, bao gồm Pháp và Nga, vốn tin rằng Mỹ không được đơn phương tái thiết Iraq. Về phần mình, để hài hòa tất cả các bên, LHQ đã nhanh chóng điều động nhân sự tới Iraq sau vụ đánh bom tự sát khiến 20 người thiệt mạng tháng 8/2003, trong đó có Đặc phái viên của LHQ tại Iraq - Sérgio Vieira de Mello.

Thêm vào đó, khác với những người tiền nhiệm, ông Annan sẵn sàng chấp nhận rủi ro, ngay cả khi cơ hội thành công rất mong manh. "Canh bạc" lớn nhất của ông chính là cuộc đàm phán với Tổng thống Saddam Hussein tại Baghdad về kiểm tra vũ khí hủy diệt hàng loạt vào năm 2000. Ngoài ra, ông Annan cũng khuyến khích Hội đồng Bảo an triển khai một loạt hoạt động gìn giữ hòa bình, từ Đông Timor đến Cộng hòa Dân chủ Congo, bất chấp thất bại tại vùng Balkan và Rwanda năm 1990. Chiến thuật của ông Annan đã giúp LHQ khôi phục danh tiếng của một tổ chức quản lý xung đột đáng tin cậy.

Trong những năm cuối của nhiệm kì, ông Annan bị "mắc kẹt" trong xung đột giữa Mỹ và Iraq. Sau nỗ lực hòa giải và ngăn chặn bạo lực sau bầu cử Kenya năm 2008, danh tiếng của ông Annan đã được củng cố, tạo tiền đề cho việc trở thành trung gian hòa giải đầu tiên của LHQ trong cuộc nội chiến Syria năm 2012.

Tổng Thư ký LHQ đã cố gắng cân bằng lợi ích giữa Nga và phương Tây trong tiến trình hình thành thỏa thuận giữa Tổng thống Bashar al-Assad và những người đối đầu. Bất chấp chỉ trích vì đã “mềm mỏng” với Moscow, ông Annan đã mạo hiểm mở ra tiến trình hòa bình mới, thúc đẩy triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Syria và triệu tập các cường quốc lớn ở Geneva để đi đến một thỏa thuận mới.

Bài học để đời

Là người có khả năng quản lý tốt khủng hoảng, ông Annan đã phải xử lý nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn trong những năm cuối nhiệm kì như vấn đề người thiểu số Rohingya ở Myanmar hay xung đột tại Syria. Nỗ lực không biết mệt mỏi của ông trong những vấn đề này đã nâng cao uy tín cá nhân Tổng Thư ký nói riêng và LHQ nói chung, đồng thời để lại “di sản” quý giá cho LHQ.

Trước tiên, các nhà hòa giải và quan chức LHQ không nên tách mình ra khỏi nền chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc họ cúi đầu trước quyền lực. Thay vào đó, LHQ cần cân bằng quyền lợi giữa các cường quốc, giúp những “ông lớn” này tìm ra điểm chung trong lợi ích chính trị.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được nếu như tổ chức này có những cá nhân có thể mạo hiểm. Không ai tôn trọng một người hòa giải hay quan chức LHQ chỉ bởi họ giỏi hay khôn ngoan. Hành động mới là yếu tố quyết định. Những đề xuất táo bạo có thể vấp phải phản đối quyết liệt từ các bên, song nếu được triển khai một cách hiệu quả, chúng có thể mang đến thứ mà mọi người luôn tìm kiếm: hòa bình.

Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan - Chủ nhân của Nobel Hòa Bình 2001- là một con người như vậy, không ngại đối mặt với thất bại, mạo hiểm nói ra những điều ông cho là cần thiết nhằm mang hòa bình và ổn định cho chính trường quốc tế. Thành công của ông đã chứng minh rằng nếu chấp nhận những rủi ro chính trị, toàn tâm cho hòa bình, bạn đều có thể được đền đáp xứng đáng.

Hải Yến

(theo World Political Reviews)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/kofi-annan-khi-chinh-tri-gia-hoa-giai-76619.html