Kon Tum: Dân khốn khổ bởi đường trăm tỷ chưa bàn giao đã tan hoang

Tỉnh lộ 674 có mức đầu tư lên đến 482 tỷ đồng, mặc dù mới thi công xong nhưng để đi lại được qua đoạn đường này là cả một vấn đề.

Đường tan hoang

Một người dân ở huyện Sa Thầy bức xúc gọi điện cho phóng viên: “Lên tỉnh lộ 674 nối từ thôn Tam An (xã Sa Sơn) sang làng Rẽ, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum mà coi nè. Đường mới làm mà banh chành hết rồi. Dân không đi được. Chẳng thấy ai sửa gì. Nhìn đường mới làm mà hư, xót quá”.

Trước bức xúc của người dân, ngày 26-7, phóng viên Tạp chí giao thông đã chạy xe gần 200km theo hướng từ thôn Tam An (xã Sa Sơn) qua làng Rẽ (xã Mo Rai) để ghi nhận. Từ cây cầu bê tông bắc qua sông ở thôn Tam An, phóng viên di chuyển chừng 4km đã thấy ngay điểm sạt lở đầu tiên. Tại vị trí sạt lở này, một quả đồi đã đổ ập bên ta luy dương xuống lấp hết cả mặt đường dài hơn 30m. Cạnh đó, nước từ bên ta luy dương chảy ào ào như thác rồi trút xuống mặt đường cuốn phăng cây cỏ trước khi tuôn chảy xuống vực. Cũng tại vị trí này, do mặt đường bị hàng nghìn khối đất đá vùi lấp nên người dân không thể đi qua mà phải đi vòng con đường nhầy nhụa xa hơn.

Cả đoạn tuyến hoàn toàn bị tê liệt

Phóng viên chứng kiến một số người đi làm rẫy qua khu vực này khi đến đây thì bị dính lầy, máy bị chết nên phải cùng khiêng xe qua. Nhiều người đi bộ qua cũng bị trượt té.

Bỏ xe tiếp tục đi qua điểm sạt lở này thêm 700m, một vị trí sạt lở khác đã lồ lộ hiện ra. Nguyên quả núi bên đường đổ ập xuống mặt đường kéo theo đá to, và đất đỏ phủ hết đường. Kèm theo đó, nhiều diện tích mì của dân, củ to như bắp tay cũng bị vùi lấp dưới bùn, đá. Phía trên đồi vẫn đang có biểu hiện tiếp tục sạt lở và nếu sạt lở tiếp, sẽ có thêm nhiều diện tích mì của dân chăm bẵm nhiều tháng nay sẽ tiếp tục bị cuốn bay. Ở vị trí bị sạt lở này, mặt đường phủ lấp bởi đá đất nên dân phải đi bên lề phía ta luy âm.

Tiếp tục di chuyển thêm 1km, 2 điểm sạt lở khác với cả trăm nghìn khối đất đá đổ xuống đường. Có vị trí sạt lở nguyên quả đồi dài từ ta luy dương đổ xuống làm lấp hơn 150m đường gây chia cắt, không thể đi qua được. Trong chiều ngày 26-7, khi đứng ở vị trí sạt lở thứ 3, phóng viên gặp anh Lâm Quang Tín (huyện Sa Thầy) đang đi trên tỉnh lộ 674 theo hướng ngược từ xã Mo Ray về xã Sa Sơn. Trông anh Tín khá mệt mỏi, mồ hôi chảy nhễ nhại, quần áo dính đầy bùn đỏ do vừa vượt qua quãng đường khoảng 30km.

Hỏi về việc đi từ Mo Ray qua Sa Sơn có thấy đường bị hư không, anh Tín nói: “Con tôi đau ốm nên mới đánh liều về thăm. Đường kinh lắm. Hơn chục điểm sạt. Sạt nhiều chỗ, đi rất nguy hiểm. Trong đó có những điểm sạt lở nặng, dính bùn thì nhấc đầu xe lên rồi kéo qua. Có đoạn đi xuống mương nước. Đoạn sạt lở nặng thì phải đi vòng lên núi. Phải mất 4 tiếng cho đoạn đường hơn 30km”. Anh Tính cũng khuyên chúng tôi không nên đi tiếp vì càng vào sâu, mặt đường bị lún do đất đá đổ trên núi xuống không đi được và nguy hiểm.

Không chỉ những điểm bị sạt làm lấp mặt đường, phóng viên còn ghi nhận nhiều vị trí, đường bê tông bị nước chảy làm hở hàm ếch phía ta luy dương. Nhiều vị trí đường không bị sạt lở nhưng mặt đường có biểu hiện bị rạn, nứt.

Nhiều đoạn đường bê tông hầu như bị hở hàm ếch hai bên taluy, mương thoát nước chỗ có, chỗ không, xuất hiện nhiều thanh gỗ nhỏ được đóng bên những phên bê tông.

Đường tan hoang do… ông trời

Được biết, tỉnh lộ 674 mà phóng viên ghi nhận nói trên do UBND huyện Sa Thầy làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Sa Thầy làm đại diện chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũ, Phó Ban quản lý dự án đầu tư huyện Sa Thầy, tuyến đường trên có chiều dài 36km, tổng vốn đầu tư 482 tỷ đồng. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Trường Long và Công ty Tuấn Dũng. Hiện đường đã thi công xong nhưng chưa bàn giao. Tỉnh lộ nói trên xuất hiện sạt lở vào ngày 14-7. Sau khi phát hiện, đơn vị đã cho các bên liên quan đưa máy móc vào khắc phục nhưng nền đất yếu, càng hốt càng sạt nên đành phải chờ khi nào nắng lên để vào khắc phục lại. Ông Dũ cho biết thêm: “Nguyên nhân sạt lở là do mái nền đất yếu, nước chảy ra nhiều làm sạt mái”

Tương tự, trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Trường Long, một trong hai đơn vị thi công tuyến đường cho biết: “Chúng tôi đã cho máy vào để khắc phục, cố gắng thông đường nhưng mưa chưa làm ngay được, sạt nhiều quá. Bây giờ đang mưa mà lại có khả năng sạt tiếp, mà làm thì nguy hiểm quá, sợ sạt xuống máy móc không an toàn nên chưa dám làm, chờ nắng lên rồi mới làm”. Ông Hùng khẳng định: “Trong thiết kế có gì thì mình đã làm rồi”, và cho rằng chính “mưa gió gây ra sạt”.

Trong khi đó, theo một kỹ sư đang công tác tại tỉnh Gia Lai (xin giấu tên), nếu mưa làm sạt lở thì chỉ sạt lở cục bộ ở một điểm, đằng này theo mô tả của phóng viên thì việc sạt lở diễn ra nhiều điểm và sạt kéo dài nên cần kiểm tra lại yếu tố sạt do mưa. Vị kỹ sư này cho biết thêm, nếu muốn tìm ra nguyên nhân chính xác để khắc phục triệt để thì cần có một đơn vị thẩm định độc lập với chủ đầu tư và đơn vị thi công để rà soát lại từ khâu thiết kế đến thi công. Nếu khâu thiết kế và thi công đúng thì mới nói đến yếu tố thời tiết (mưa gió).

Lâu khắc phục, dân càng khổ

Theo một lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Sa Thầy, trong thời gian chờ khắc phục đường sạt lở, ngành chức năng đã hướng dẫn dân đi đường tránh từ xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) về xã Mo Ray để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, nhiều người dân khi trao đổi cho biết, họ không thể đi vòng qua tuyến đường từ xã Rờ Kơi đi Mo Ray mà vẫn chấp nhận liều mình đi qua đoạn đường sạt lở này.

Người dân khốn đốn khi phải đi qua đoạn tuyến

“Đi đường từ Rờ Kơi qua Mo Ray thì rất xa và đường toàn đá. Đi rất mệt. Thôi thì đi đại qua tỉnh lộ 674 này cho nhanh. Đoạn nào sạt lở không đi được thì đi vòng qua đồi núi để né vị trí sạt thôi”, anh Lâm Quang Tín nói về lý do vì sao mình không đi đường Rời Kơi - Mo Ray mà đi tỉnh lộ 674 để về xã Mo Ray.

Cũng trên tỉnh lộ 674, chúng tôi cũng bắt gặp ông A Giao (huyện Sa Thầy) khi ông vừa từ rẫy xuống. Hỏi về đường tỉnh lộ 674 bị sạt lở có ảnh hưởng gì đến rẫy sản xuất của nhà, ông buồn rầu nói: “Tôi trồng 2ha mì trên đồi. Những điểm sạt lở không cuốn rẫy mì của tôi nhưng rẫy mì cũng bị ảnh hưởng ghê gớm. Lý do vì đường sạt, dân không đi được trên đường mà đành cắn răng chạy xe vòng qua quả núi, nơi tôi trồng mì làm hư hơn 500 cây mì trồng 4 tháng. Nhìn mì chăm bón đã lâu, tốn biết bao nhiêu công sức nay bị phá hư, xót lắm. Rồi đường sạt đi lên rẫy rất khó, có lúc bị té. Tôi chỉ mong đường sửa sớm để chúng tôi đi cho khỏe. Chậm sửa ngày nào càng khổ thôi”.

Ông Bùi Quốc Tưởng, Chủ tịch UBND xã Sa Sơn cho biết, việc đường tỉnh lộ 674 sạt lở gây ảnh hưởng đến việc đi lại. Xe khách chạy tuyến trên đã không thể chở khách qua lại được.

Nhiều khúc mắc tại tại tuyến đường 500 tỷ

Ngoài các điểm sạt lở làm đất đá lấp nền đường, cuốn phăng nhiều diện tích mì, gây chia cắt thì những đoạn đường không bị sạt, phóng viên ghi nhận thêm nhiều điều bất thường và kì lạ khác.

Đó là dù nói rằng “đường thi công xong nhưng chưa bàn giao”, nhưng phóng viên thấy nhiều vị trí vẫn thi công dang dở. Có vị trí đổ bê tông thì đường to, đoạn đường đổ nhựa thì nhỏ. Đoạn thì công đụng ngay khối đá thì “bóp lại” làm mặt đường nhỏ. Rồi có đoạn đường thi công khi phía ta luy âm là vực sâu nhưng lại không có hộ chắn lan can để đảm bảo an toàn.

Theo ghi nhận của Tạp chí GTVT, tuyến đường chắp vá theo đoạn, chỗ trải nhựa, chỗ đổ bê tông.

Chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Bùi Văn Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Trường Long, một trong 2 đơn vị thi công để trao đổi với mong muốn làm rõ những điều bất thường trên và được ông Hùng nói: “Lên trao đổi với chủ đầu tư để cụ thể hơn. Chứ đơn vị thi công thì nhiều lúc không bao quát hết được”.

Phạm Trọng Nghị

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/kon-tum-dan-khon-kho-boi-duong-tram-ty-chua-ban-giao-da-tan-hoang-av63305.html