Kon Tum: Hiệu quả từ mô hình giống mì mới

Trước yêu cầu đặt ra cho việc phát triển cây mì, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho nhiều hộ phát triển các giống mì mới (mì KM 94 đột biến, KM 419, HL-S11…). Kết quả sản xuất, các giống mì này đều đạt năng suất khá cao.

Mì là cây dễ trồng, phù hợp với đất đai và khí hậu ở địa phương. Chính vì vậy, hàng năm bà con nông dân ở tỉnh trồng gần 40.000ha mì. Có nhiều ý kiến đánh giá về cây mì, nhưng có điều không thể phủ nhận là nếu giỏi thâm canh, có giống mì tốt, việc trồng mì góp phần giúp cho người dân có cuộc sống ổn định và khá giả hơn.

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp và trước yêu cầu đặt ra trong việc phát triển cây mì, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho nhiều hộ dân thực hiện một số mô hình giống mì mới như KM 94 đột biến, KM 419, HL-S10 và HL-S11. Kết quả sản xuất, các giống mì này đều cho năng suất khá cao.

Trao đổi về sản xuất, bà Nguyễn Thị Thành (phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) tham gia thực hiện mô hình cho biết, năm 2016, gia đình bà được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trồng 1,2ha mì KM 419, KM 94 đột biến và HL-S11. Các giống mì này sinh trưởng tốt và cho năng suất khá cao. Kết quả cụ thể năng suất như sau: mì KM419 đạt 45 tấn/ha, mì KM 94 đột biến đạt 42 tấn/ha và mì HL-S11 đạt 40 tấn/ha.

Vườn mì KM 94 đột biến khi còn trong giai đoạn đang phát triển. Ảnh:Đ.N

Để thực hiện các giống mì này, gia đình bà được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư bón phân cho mì theo định mức như sau: bón lót 12 tấn phân chuồng, 350kg lân, 400kg vôi; bón thúc lần thứ nhất (sau trồng 25-30 ngày) 100kg urê, 80kg ka ly; bón thúc lần thứ hai (sau trồng 60-70 ngày) 100kg urê, 120kg kali. Trong việc đầu tư trồng theo định mức trên, Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư (phân bón); gia đình bà đóng góp 50% vật tư. Việc sản xuất thuận lợi, cây mì sinh trưởng tốt và không có sâu bệnh hại nguy hiểm.

Tính ra qua việc thực hiện mô hình, gia đình bà Thành thu 43,5 tấn/ha mì. Với giá mì bán 1.400 đồng/kg tại nhà máy, bà thu được 60,90 triệu đồng/ha mì. Trừ hết chi phí, bà Thành lãi 30,90 triệu đồng. Với năng suất này, nếu như mì được giá như các niên vụ trước thì vụ thu hoạch vừa qua, bà Thành còn lãi cao hơn nhiều nữa. Mặc dù vậy, nhưng so với trồng lúa, việc trồng mì năm nay của gia đình bà Thành vẫn lãi cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngoài bà Thành, các hộ khác tham gia thực hiện mô hình trồng mì cũng được Trung tâm hỗ trợ đạt năng suất cao không kém. Từ kết quả thực hiện mô hình, cùng với kết quả khảo nghiệm trước đó, Trung tâm cho rằng, các giống mì KM419, mì KM94 đột biến, mì HL-S11 đều đạt năng suất cao hơn so với các giống mì cũ và phù hợp với khí hậu ở địa phương.

Trong định hướng sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng khẳng định, mì là loại cây sử dụng nhiều dinh dưỡng, vì vậy, để trồng nhiều vụ liên tiếp trên một mảnh đất, bà con phải đầu tư nhiều phân bón, nhất là phân hữu cơ. Bên cạnh đó, bà con cũng có thể áp dụng các biện pháp trồng xen canh, luân canh như đậu – mì, lúa – mì, bắp – mì… cải tạo lại đất nhằm đảm bảo độ phì của đất để cây mì tiếp tục cho năng suất cao.

Theo Báo Kon Tum

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/dia-phuong/kon-tum-hieu-qua-tu-mo-hinh-giong-mi-moi/20170311074154558p1c937.htm