Kon Tum hướng đến vùng dược liệu quốc gia

Thủ tướng thông qua quy hoạch chung của tỉnh Kon Tum trong đó đến năm 2030, tỉnh này là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.

Ngày 5/1, UBND tỉnh Kon Tum cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng "ba vùng kinh tế, bốn cực tăng trưởng, 6 hành lang phát triển".

Thủ tướng thông qua quy hoạch chung của tỉnh Kon Tum trong đó đến năm 2030, tỉnh này là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước (Ảnh: Tạ Vĩnh Yên).

Lấy quốc lộ làm xương sống phát triển

Theo quy hoạch chung nêu trên, đến năm 2030 Kon Tum là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, nước láng giềng và ASEAN.

Theo quy hoạch, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum theo hướng phát triển "3 vùng kinh tế, 4 cực tăng trưởng, 6 hành lang phát triển".

Trong đó, ba vùng kinh tế gồm: Vùng phía Nam, có TP Kon Tum là trung tâm và 4 huyện: Sa Thầy, Ia H'Drai, Đăk Hà, Đăk Tô. Đây là vùng động lực chủ đạo của tỉnh, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đô thị và nông thôn.

Vùng phía Đông gồm 2 huyện: Kon Plông và Kon Rẫy. Trong đó thị trấn Măng Đen là hạt nhân. Vùng này phát triển theo hướng đô thị sinh thái, cảnh quan, giàu bản sắc đặc thù, phục vụ cao cho du lịch, dịch vụ...

Vùng phía Bắc gồm ba huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Ngọc Hồi. Trong đó khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y là trọng tâm. Đây là nơi phát triển vùng dược liệu trọng điểm quốc gia, trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; dịch vụ hạ tầng vận tải, kho bải, dịch vụ logistics.

Bốn cực tăng trưởng gồm: Vùng đô thị trung tâm với TP Kon Tum là hạt nhân. Đây là cực có vị thế chủ đạo, đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh. Ba cực còn lại là các trung tâm đô thị Măng Đen - khu du lịch sinh thái Măng Đen; Ngọc Hồi - khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Đăk Glei.

Sáu hành lang phát triển gồm: Hành lang dọc theo đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và cao tốc Bắc - Nam, kết nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai... liên kết với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hành lang dọc theo quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum kết nối tỉnh Kon Tum với khu vực tỉnh Quảng Ngãi. Đây là trục giao thông và hành lang quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hành lang dọc theo hai quốc lộ 40, 40B liên kết phát triển với các địa phương trong và ngoài nước.

Hành lang dọc theo quốc lộ 14C, liên kết phát triển với huyện Ia Grai (Gia Lai); Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H'Drai.

Hành lang dọc theo quốc lộ 24D và tỉnh lộ 674, kết nối các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Tu Mơ Rông với tỉnh Quảng Ngãi; Có vị trí quan trọng, ảnh hưởng lớn về kinh tế, du lịch, dịch vụ.

Hành lang dọc theo hai đường tỉnh 672, 676 kết nối các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei với tỉnh Gia Lai; Phát triển du lịch và nông nghiệp đặc thù như sâm Ngọc Linh, bảo tồn các loại gen, giống quý và đa dạng sinh học...

Quốc lộ 24 đoạn huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum. Ảnh: Nguyên Hà

Dự án giao thông kỳ vọng đột phá kinh tế

Thủ tướng thông qua 3 dự án cao tốc, gồm: Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; Cao tốc Bắc Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku), (Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y).

Đường sắt theo quy hoạch Đà Nẵng - Quảng Nam- Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk.

Dự án xây dựng Cảng hàng không Măng Đen.

Nâng cấp quốc lộ 24, 24D, 40, 40B, 14C, các tuyến tránh đường Hồ Chí Minh - QL14.

16 tuyến đường tỉnh được nâng cấp, mở rộng.

Tập trung phát triển lợi thế về vùng nguyên liệu chế biến

Theo quy hoạch trên, về hệ thống đô thị đến năm 2030 toàn tỉnh Kon Tum có 1 đô thị loại II, 5 đô thị loại IV, 6 đô thị loại V.

Đáng chú ý, quy hoạch này phát triển ngành dịch vụ - du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững. Hình thành các khu du lịch trọng điểm gắn với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, khu du lịch sinh thái Măng Đen và TP Kon Tum. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, sức cạnh tranh cao trên cả nước.

Hoàn chỉnh 5 loại sản phẩm du lịch là sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa - lịch sử, cộng đồng và chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cơ cấu ngành theo hướng chuyên nghiệp và khẳng định thương hiệu đặc trưng có bản sắc riêng.

Hoàn chỉnh thiết chế và vận hành hiệu quả các khu, điểm du lịch trong một liên kết nội địa và quốc tế với Lào, Campuchia và các nước tiểu vùng Mê Kông theo phương châm "Ba quốc gia, Một điểm đến".

Ngoài ra, tập trung vào các ngành hàng có tiềm năng lợi thế về vùng nguyên liệu chế biến như cà phê, dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh… Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Tạ Vĩnh Yên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/kon-tum-huong-den-vung-duoc-lieu-quoc-gia-192240105153212923.htm