Kon Tum: Triển khai thành công 'Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm'

Sở Công Thương Kon Tum cho biết, địa phương này đã triển khai thành công 'Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm'

Thông tin trên được bà Huỳnh Thị Tuyết Nga – Phó Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum đưa ra trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022 của Bộ Công Thương vào ngày 9.9 vừa qua.

Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga cho biết, địa phương này đã triển khai thành công “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Cũng theo bà Tuyết Nga thì hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 01 “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm” tại chợ Trung tâm huyện Đăk Hà. Việc xây dựng Mô hình thí điểm thành công đã đem lại lợi ích thiết thực cho cả người bán lẫn người mua, nâng cao ý thức, trách nhiệm của Ban quản lý chợ và các thương nhân kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực. “Tuy nhiên, do nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên việc triển khai kế hoạch nhân rộng Dự án “Mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm” còn gặp nhiều khó khăn”, bà Tuyết Nga chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Kon Tum thì thời gian qua cùng với việc triển khai xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác thanh kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng được các cấp của tỉnh Kom Tum hết sức coi trọng.

Đoàn Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương (bên phải) làm việc với Sở Công Thương Kon Tum vào ngày 9.9 vừa qua

Đoàn Đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương (bên phải) làm việc với Sở Công Thương Kon Tum vào ngày 9.9 vừa qua

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã Phối hợp chặt chẽ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn; chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch 3674/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Sở Công Thương cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và bổ sung một số văn bản nhằm thống nhất công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính cũng đã được triển khai đồng bộ và quyết liệt, đến nay các thủ tục hành chính cấp mới Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã giảm từ 15 ngày xuống 12 ngày. 100% thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, niêm yết công khai, đầy đủ, rõ ràng trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương và tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% văn bản đến và đi của Sở được thực hiện trên môi trường điện tử.

Sở Công Thương cũng đã tổ chức triển khai tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho các đối tượng thuộc ban quản lý Chợ, hộ tiểu thương trong Chợ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và công chức quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm của các huyện, thành phố.

Kịp thời cung cấp các thông tin về các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo đề nghị của Bộ Công Thương đến Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh...

Đối với công tác hậu kiểm, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã kiểm tra tại 184 cơ sở, tiến hành test nhanh 109 mẫu đều cho kết quả âm tính. Qua kiểm tra hầu hết các cơ sở đều có ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Lấy mẫu sản phẩm rượu để kiểm định

Cũng theo bà Huỳnh Thị Tuyết Nga, khó khăn thách thức đặt ra cho công tác quản lý an toàn thực phẩm của Kom Tum đó là phần lớn trên địa bàn tỉnh là các cơ sở kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ, cá biệt có những cơ sở nằm rải rác ở vùng sâu, vùng xa nên khó khăn cho công tác quản lý, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Đặc biệt là việc tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở triển khai thực hiện tự xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 13/2020/TT-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Quyết định số 1390/QĐ-BCT ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi khi lựa chọn thực phẩm hoặc thiếu hiểu biết hay chưa quan tâm nhiều đến chất lượng thực phẩm, đây cũng chính là cơ hội để phát sinh những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm của người kinh doanh. Đó là chưa kể đến lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương tại cấp huyện đều làm công tác kiêm nhiệm năng lực và trình độ về an toàn thực phẩm có hạn nên khi thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại Sở còn hạn chế.

Kiểm tra sản phẩm rượu tại hệ thống siêu thị, bán lẻ

Cùng với đó là việc triển khai xây dựng Mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn do ngân sách địa phương còn hạn hẹp, phần lớn kinh phí cải tạo xây dựng quầy sạp cần phải vận động hộ tiểu thương đóng góp nên còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với các sản phẩm rượu thủ công, do đặc thù trên địa bàn tỉnh Kon Tum các hộ dân sản xuất rượu thủ công đều có quy mô nhỏ, người dân tận dụng thời gian vào những lúc nông nhàn để nấu rượu kết hợp với việc sử dụng phụ phẩm để chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập nên việc sản xuất diễn ra không thường xuyên đã dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát các sản phẩm rượu.

Thời gian tới Sở Công Thương Kon Tum xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kon-tum-trien-khai-thanh-cong-mo-hinh-cho-thi-diem-dam-bao-an-toan-thuc-pham-219779.html