Kon Tum: Tuyên truyền ATGT vào buổi tối, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu

Do TNGT đường liên thôn, liên xã 6 tháng đầu năm 2020 ở Kon Tum tăng mạnh, nhiều huyện đã gắn trách nhiệm ATGT cho người đứng đầu chính quyền.

Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Kon Tum thăm hỏi nạn nhân TNGT

Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Kon Tum thăm hỏi nạn nhân TNGT

Trách nhiệm của chủ tịch xã trong công tác bảo đảm trật tự ATGT

Kể từ tháng 3/2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, thực hiện cách ly xã hội để phòng dịch lây lan nên hiệu quả của lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh cũng có phần giảm sút.

Việc thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện có những thời điểm bị hạn chế hơn trước, chỉ trong vòng 1 tháng cao điểm Covid từ ngày 15/4 đến 15/5 huyện Ngọc Hồi xảy ra 3 vụ TNGT, làm 4 người chết.

Trước tình hình này, Ban ATGT huyện Ngọc Hồi đã tiếp tục có các công văn chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đa dạng các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT. UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện tăng cường công tác TTKS thường xuyên, liên tục; tập trung tại các điểm nóng trên địa bàn thường xảy ra TNGT.

Đồng thời, huy động lực lượng cảnh sát khác và công an các xã, thị trấn phối hợp với CSGT tham gia TTKS giao thông, đặc biệt là địa bàn các xã nằm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, QL14C, QL40 ít nhất hai ngày trong tuần và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn để công an xã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức TTKS tại các tuyến đường liên thôn. Huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể như: đoàn thanh niên, hội nông dân, phụ nữ và các thôn trưởng, già làng… bám sát cơ sở, tổ chức họp kết hợp đưa nội dung về trật tự ATGT vào trong các cuộc họp thôn để người dân nâng cao ý thức chấp hành đúng với các quy định về bảo đảm trật tự ATGT.

Nếu UBND xã, thị trấn nào không chỉ đạo lực lượng công an xã, thị trấn tổ chức TTKS giao thông trên địa bàn thì chủ tịch UBND xã đó chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện. Đồng thời lấy nội dung này làm một trong những tiêu chí chính để bình xét phân loại chính quyền cơ sở hàng năm.

Trước đó, hồi cuối năm 2019, tại tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Đắc Xú, huyện Ngọc Hồi dù đã gần 17h, trời nhá nhem tối, tổ TTKS của CSGT huyện và công an xã Đắc Xú vẫn tích cực vừa tuần tra, vừa tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định về trật tự ATGT. Đứng gần nửa tiếng đồng hồ, không phát hiện trường hợp vi phạm.

Giải thích với chúng tôi, một cán bộ CSGT huyện Ngọc Hồi cho biết, khi mới triển khai tuần tra lưu động giữa CSGT và công an xã, thị trấn tại các tuyến đường huyện, giao thông nông thôn, tình trạng người dân vi phạm vẫn còn khá nhiều. Có ngày, lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt đến trên 30 trường hợp vi phạm, chủ yếu là không đội MBH, chở 3, không mang theo giấy tờ xe...

Thế nhưng, sau một thời gian tuyên truyền và xử phạt nghiêm, người dân đã tự giác chấp hành tốt hơn, số lượng xử phạt mỗi ngày giảm chỉ còn bằng 1/3 trước đây. Ngay cả các đối tượng thanh thiếu niên ngổ ngáo trước đây hiếm khi chạy xe đội mũ bảo hiểm nhưng nay cũng không còn dám đầu trần đi xe máy.

Thanh niên nông thôn rượu say điều khiển mô tô phóng bạt mạng gây TNGT khiến người tham gia giao thông... sợ hãi.

Tổ chức tuyên truyền vào buổi tối

Trao đổi với Báo Giao thông, một già làng thị trấn Đắk Plei, huyện Đắk Plei cho biết: “Tôi thấy các anh CSGT về tuyên truyền vào buổi tối là rất hiệu quả. Trước kia tôi thấy các anh công an về tuyên truyền hầu hết tại các nhà trường cho các cháu học sinh. Cái đó tốt, nhưng TNGT gây ra chủ yếu lại do người lớn.

Vì vậy khi cán bộ công an đặt vấn đề với tôi tuyên truyền cho người lớn tôi thấy hợp lý nên ủng hộ liền. Ngày trước mỗi lần tôi đi thông báo tập hợp bà con tham dự buổi họp dân thường phải bố trí vào buổi tối, ban ngày bà con đi rẫy hết. Nay tôi thông báo các anh công an về tuyên truyền vào buổi tối, kết hợp với những buổi họp dân của buôn, của làng luôn.

Các buổi tuyên truyền đều có màn hình lớn chiếu cho người dân xem những vụ TNGT thương tâm trên địa bàn mình, họ sợ nhưng thấu hiểu. Có người được nhìn lại hình ảnh hiện trường người thân mình bị TNGT đã khóc. Tôi thấy giải pháp đó thay đổi ý thức người dân tốt lắm”.

Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “Chọn buổi tối tuyên truyền để tập hợp người dân tạo hiệu quả cao. Tuy nhiên, Ban ATGT đã chỉ đạo, ngành chức năng cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT một cách quyết liệt hơn nữa.

Chú trọng tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từng vùng để nâng dần ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân.

Tăng cường, phủ kín thời gian TTKS, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn TNGT và địa bàn giao thông nông thôn. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT như vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, lạng lách đánh võng, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông...”.

TNGT trên địa bàn Kon Tum 6 tháng đầu năm đã tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2019. Toàn tỉnh xảy ra 40 vụ TNGT, làm 38 người chết và 21 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước tăng 13 vụ (tăng 48,14%), tăng 9 người chết (tăng 31,03%), tăng 7 người bị thương (tăng 50%). TNGT vùng nông thôn xảy ra 9 vụ, tăng 50% làm 8 người chết tăng 33,33% và 4 người bị thương.

Trong 6 tháng, qua TTKS, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện và xử lý 10.917 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; tạm giữ 3.489 phương tiện và 5.031 giấy tờ xe các loại; tước GPLX có thời hạn 318 trường hợp… Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước trong 6 tháng là gần 7 tỷ đồng.

Tây Nguyên

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/kon-tum-tuyen-truyen-atgt-vao-buoi-toi-gan-trach-nhiem-cho-nguoi-dung-dau-d473449.html