Kongo Gumi: Công ty lâu đời nhất có tuổi thọ nghìn năm

Công ty 1.428 năm tuổi Kongo Gumi cho đến nay vẫn là một huyền thoại của Nhật Bản và ghi dấu trong hầu hết các trang sử quan trọng của đất nước mặt trời mọc.

Kongo Gumi là một doanh nghiệp gia đình thành công ở Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng các ngôi chùa Phật giáo.

Kongo Gumi là một doanh nghiệp gia đình thành công ở Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng các ngôi chùa Phật giáo.

Khởi đầu từ việc xây chùa

Thế giới có hơn 5.500 công ty tồn tại trên 200 năm, trong đó Nhật Bản dẫn đầu danh sách với hơn 3.000 công ty; tiếp theo là Đức (837); Hà Lan (222); Pháp (196)…

Bên cạnh đó, chỉ riêng ở đất nước mặt trời mọc có hơn 21.000 công ty trên 100 năm tuổi. 8 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 1.000 năm. Đặc biệt, công ty có thời gian hoạt động lâu dài nhất trong lịch sử được ghi nhận là Kongo Gumi, một doanh nghiệp chuyên về xây dựng và sửa chữa các ngôi chùa Phật giáo.

Sáng lập công ty là Shigemitsu Kongo, gia đình thợ mộc tài ba từ vương quốc Baekje Silla (nay thuộc bán đảo Triều Tiên) đến xây dựng ngôi chùa Shitennoji, nay thuộc Osaka. Đến Nhật Bản vào năm 578, ông Shigemitsu Kongo nhận thấy cơ hội làm ăn đầy triển vọng.

Nhật Bản lúc này bắt đầu sùng bái đạo Phật và Thái tử Nhật Bản Shotoku là người cổ vũ mạnh mẽ cho việc chấp nhận tôn giáo này trên cả nước. Ông muốn kiến tạo hệ thống chùa chiền rộng khắp nước Nhật nhưng người Nhật khi đó chưa có kinh nghiệm trong xây dựng chùa chiền.

Dưới sự tin tưởng của Thái tử, gia đình Shigemitsu Kongo đã hoàn thành công trình chùa Shitennoji nổi tiếng vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Sau thành công này, Shigemitsu Kongo lấy họ của mình lập nên công ty Kongo Gumi, nay được biết đến như công ty lâu đời nhất hành tinh.

Xây dựng, bảo quản và sửa chữa những ngôi chùa bị tàn phá do hỏa hoạn và chiến tranh đã trở thành nguồn thu chính của Kongo Gumi. Cùng với sự phát triển rực rỡ của Phật giáo nhiều thế kỷ sau đó, Kongo Gumi dần nhận được những công trình xây dựng các quần thể kiến trúc Phật giáo đồ sộ, quy mô khác như đền Horyuji năm 607, chùa Koyasan năm 816, Lâu đài Osaka năm 1583. Đặc biệt, Seigantoji ngày nay đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Suốt chiều dài lịch sử của công ty, Kongo Gumi đã đứng vững trước những thay đổi chính trị - xã hội ở Nhật. Trong Thế chiến thứ II, các nguồn nguyên vật liệu xây dựng chùa và duy trì các kiến trúc cổ cạn kiệt, Kongo Gumi chuyển hướng sang làm quan tài để bán và họ đã đứng vững trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn của nền kinh tế Nhật Bản.

Thế chiến kết thúc, Kongo Gumi lại trở về với lĩnh vực xây dựng, tôn tạo và tu bổ chùa chiền vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề dưới bom đạn chiến tranh.

Công ty phục dựng nhiều ngôi chùa trở về nguyên trạng, rồi dần chuyển hướng sang xây dựng các công trình chùa chiền bê tông, có độ bền cao để thích nghi với những trận động đất. Sự linh hoạt, chuyển hướng liên tục đã đưa con thuyền Kongo Gumi đi thêm một thế kỷ nữa.

Phải đến năm 2006, giữa cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ của Nhật Bản, huyền thoại Kongo Gumi đã chính thức tuyên bố phá sản, chấm dứt hành trình 1.428 năm huy hoàng. Kongo Gumi được mua bởi công ty xây dựng Takamatsu và trở thành công ty con của doanh nghiệp này. Để vinh danh quãng thời gian hoạt động lâu dài của Kongo Gumi, tên của công ty vẫn được giữ nguyên như thuở ban đầu.

Cho tới khi suy thoái vào năm 2006, đây là một trong những công ty lâu đời nhất trên thế giới, tồn tại qua 14 thế kỷ.

Bí quyết kinh doanh

Sự tồn tại kéo dài hơn 14 thế kỷ của Kongo Gumi rất được chú ý và nghiên cứu. Trong thời kỳ Minh Trị, lãnh đạo thứ 32 của công ty đã để lại nguyên lý hoạt động có tên là Shokuke kokoroe no koto (Kiến thức gia đình về thương mại), trong đó đề ra 16 lời dạy nhằm hướng dẫn cách duy trì các hoạt động của gia đình trong tương lai.

Bên cạnh chất lượng cao về tay nghề, Kongo Gumi nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ vững chắc với khách hàng. “Lắng nghe những gì khách hàng nói”, “Cư xử với khách hàng với sự tôn trọng” và “Đưa ra giá rẻ nhất với ước tính trung thực nhất”, thuộc những lời khuyên trong nguyên lý Shokuke kokoroe no koto kể trên.

Nguyên lý cũng nêu ra các mối quan hệ nói chung, như “Đừng tỏ ra kiêu ngạo”, “Đừng bao giờ hăng máu với người khác”, “Đừng làm người khác xấu hổ hay khoe khoang khoác lác” và “Giao tiếp với sự tôn trọng”.

Nhiều công ty trên thế giới thất bại do đặt lợi nhuận lên trên mọi thứ khác, do tham vọng mở rộng phạm vi. Trong khi các công ty Nhật Bản tồn tại trong thời gian dài nhờ qui mô nhỏ, hầu hết được điều hành bởi gia đình và tập trung chủ yếu vào niềm tin và không làm ra lợi nhuận bằng mọi giá. Thành công của Kongo Gumi cũng nằm trong đội ngũ lãnh đạo và công ty cho thấy một sự linh hoạt khác thường.

Không như nhiều doanh nghiệp gia đình khác, vai trò lãnh đạo đương nhiên thuộc về người con trai cả, những người nối nghiệp của Kongo Gumi được lựa chọn dựa trên năng lực, chứ không dựa trên quyền thừa kế.

Nếu người con trai cả bị nhận xét là không có tài lãnh đạo công ty, thì quyền điều hành sẽ chuyển sang người em kế. Nếu không có người thừa kế nam thích hợp, vai trò lãnh đạo sẽ chuyển cho một người con rể. Chủ tịch thứ 39 của công ty, Toshitaka Kongo là người như vậy.

Khi lãnh đạo thứ 37, Haruichi Kongo tự tử vì không đủ khả năng chu cấp cho gia đình trong thời kỳ suy thoái toàn cầu diễn ra từ năm 1929, người vợ góa của ông, Yoshie trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất lãnh đạo công ty Kongo Gumi.

Theo một nghiên cứu gần đây, nhiều doanh nghiệp trên thế giới thường kéo dài thời gian hoạt động không hơn 2 thập niên. Tuổi thọ bình quân của một công ty Mỹ đã giảm 50 năm trong thế kỷ qua, từ 67 năm vào những năm 1967 xuống còn 15 năm như hiện nay. Điều đáng chú ý,tuổi thọ giảm lại thuộc về một số công ty hàng đầu, nằm trong danh sách 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ, theo thống kê của Công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P). Tuổi thọ bình quân của doanh nghiệp ước tính sẽ giảm xuống chỉ còn 12 năm vào năm 2027. Với tốc độ này, theo ước tính, khoảng một nửa trong danh sách 500 công ty của S&P sẽ biến mất trong 10 năm tới. Thị trường của Mỹ luôn trong tình trạng thay đổi liên tục, với những phi vụ sáp nhập, mua lại, phá sản và đầu cơ. Ở châu Âu và vùng Viễn đông, thị trường ổn định hơn.

Theo Amusingplanet

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/kongo-gumi-cong-ty-lau-doi-nhat-co-tuoi-tho-nghin-nam-4051868-b.html