Kosovo luật hóa bảo vệ tội phạm chiến tranh:Vết nhơ tự sạch?

Dự luật về Bảo vệ các giá trị chiến tranh của Kosovo được thông qua, 'các tác giả phá nát Nam Tư' có thể sạch vết nhơ mà không cần phải rửa...

Kosovo thúc đẩy việc luật hóa bảo vệ tội phạm chiến tranh

Balkan Insight, ngày 30/7, đưa tin, các nghị sĩ Quốc hội Kosovo đang nỗ lực hoàn thiện để thông qua Dự luật về Bảo vệ các giá trị trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho vùng lãnh thổ này, trong đó có bảo vệ Quân đội giải phóng Kosovo (KLA).

Theo dự luật, những giá trị của chiến tranh bao gồm, Quân đội giải phóng Kosovo, những cựu chiến binh, quân kỳ, lời thề của người lính, huy hiệu, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, nhân viên ở các khu vực hành quân và lưu trữ.

Khu phức hợp tưởng niệm chính tranh Adem Jashari ở Prekaz và các khu phức hợp khác liên quan đến lưu giữ kỷ vật hay hồi ức trong cuộc chiến tranh của chính quyền và người dân Kosovo cũng được xem là giá trị chiến tranh cần được bảo vệ.

Bên cạnh đó Dự luật về Bảo vệ các giá trị chiến tranh của Kosovo cũng quy định về việc thành lập một Bảo tàng Chiến tranh, quy định vể Ngày Tưởng nhớ chiến tranh kết thúc vào năm 1999, sau khi NATO ném bom Nam Tư.

KLA có thể trở được biến từ tội phạm thành anh hùng

KLA có thể trở được biến từ tội phạm thành anh hùng

Dự luật quy định công dân nước Cộng hòa Kosovo - bất kể là quan chức hay là dân thường - phải tôn trọng và bảo vệ các giá trị chiến tranh được xác định bởi luật này trong bất kỳ thời điểm và hoàn cảnh nào, ở cả trong nước và ngoài nước.

Đặc biệt Dự luật quy định chính quyền và công dân phải có nghĩa vụ bảo vệ hình ảnh của Quân đội Giải phóng Kosovo khi họ chiến đấu chống lại lực lượng Serbia vào những năm 1990, và đi tiên phong trong việc thành lập nhà nước Kosovo độc lập.

Dự luật về Bảo vệ các giá trị chiến tranh của Kosovo được đề xuất bởi Đảng Dân chủ Kosovo (PDK), vào tháng 4/2018, nhưng bị trì hoãn bởi sự thay đổi của chính phủ sau khi cựu Thủ tướng Ramush Haradinaj từ chức vào tháng 7/2019.

Ông Ramush Haradinaj phải rời bỏ chức vụ vì Phòng chuyên gia Kosovo (KSC), có trụ sở tại Hague, triệu tập để tham dự phiên tòa xét xử các cựu thành viên của KLA vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

Tuy nhiên, ngày 14/7, Dự luật đã được trình trở lại và được chuyển tới Hội đồng lập pháp Kosovo ngay trước khi Tổng thống Hashim Thaci, người lãnh đạo chính trị của KLA trong cuộc chiến 1998-1999, bị KSC thẩm vấn về tội ác chiến tranh.

Việc Pristine thúc đẩy Dự luật về Bảo vệ các giá trị chiến tranh của Kosovo đã được xem là lá bùa hộ mệnh cho Tổng thống Thaci và các cựu binh KLA. Chính vì vậy mà ông Thaci rất tự tin khẳng định "họ không thể kết án tôi phạm tội ác chiến tranh".

Xin nhắc lại, ngày 24/6, Phòng Chuyên gia Kosovo cho biết kế hoạch công bố bản cáo trạng buộc tội Tổng thống Thaci, chính trị gia cấp cao của Kosovo Kadri Veseli và nhiều cựu binh khác của KLA về phạm tội ác chiến tranh.

Bản cáo trạng chống lại Thaci và đồng phạm là sự phát triển mới nhất trong một cuộc điều tra được khởi xướng vào năm 2011 với việc bổ nhiệm Công tố viên người Mỹ Clint Williamson làm Công tố viên trưởng Lực lượng đặc nhiệm điều tra của EU.

Việc Phòng Chuyên gia Kosovo phải công khai cáo trạng, vì Thaci và Veseli và các đồng phạm bị cho là đang thúc đẩy một chiến dịch bí mật để vô hiệu đạo luật, mà từ đó kết thúc sứ mệnh của định chế pháp lý này, giúp họ tránh được vòng lao lý.

Tuy nhiên, việc vô hiệu đạo luật dẫn đến thành lập Phòng chuyên gia Kosovo để xét xử tội ác chiến tranh ở Kosovo gặp nhiều trở ngại, nên Pristine thúc đẩy Dư luật bảo vệ các giá trị chiến tranh của Kosovo, mà thực ra là bảo vệ tội phạm chiến tranh.

Những cựu binh KLA và các quan thầy của họ đang tìm cách gột rửa vết nhơ

Kosovo luật hóa bảo vệ tội phạm chiến tranh là theo ý của Mỹ-phương Tây?

Ngày 29/7, Đại sứ Mỹ tại Kosovo, Philip Kosnett, nhắc nhở các nhà lãnh đạo của Kosovo nên tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, thay vì tập trung vào Dư luật bảo vệ các giá trị chiến tranh của Kosovo.

Bên cạnh đó, đại diện ngoại giao nhà nước Mỹ tại Kosovo cũng đã lưu ý là nội dung Dự luật bảo vệ các giá trị chiến tranh của Kosovo đã hạn chế quyền tự do ngôn luận, hình sự hóa những biểu hiện trái chiều để đe dọa công dân.

Điều đó cho thấy dường như Washington không ủng hộ, thậm chí không đồng tình với Pristine trong luật hóa bảo vệ tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên, giới phân cho rằng đó chỉ là động tác giả, còn sự thật là Pristine đang thực hiện ý đổ của Washington.

Có thể thấy, khi Phòng Chuyên gia Kosovo đưa các cựu binh KLA ra tòa vì phạm tội ác chiến tranh, thì không những làm khó Mỹ trong việc rửa vết nhơ ở Kosovo, mà còn có thể buộc Washington phải kết thúc trò "chính trị hóa tội phạm" tại Kosovo.

Theo báo cáo của EU năm 2011 báo cáo của LHQ năm 2017 cũng cáo buộc KLA gây nhiều tội ác như thanh lọc sắc tộc, ám sát chính trị, kỳ thị người khuyết tật. Thực hiện hành vi tội ác chủ yếu là Cơ quan Tình báo Quốc gia Kosovo (K-SHIK).

Dù là tổ chức non trẻ và hoạt động trong một phạm vi nhỏ hẹp là lãnh thổ Cộng hòa Kosovo, nhưng mức độ tàn ác của KLA và K-SHIK thì khó có tổ chức tội ác nào bì kịp. Thậm chí các tổ chức này còn được gọi là quái thai của tội phạm.

Theo một báo cáo của Tình báo Đức cho biết cụ thể là K-SHIK ra đời khoảng nửa cuối năm 1999 ở Pristina, do các thủ lĩnh KLA là Hashim Thaci - đương kim Tổng thống Kosovo - và Ramush Haradinaj cựu Thủ tướng Kosovo - đồng sáng lập.

Lực lượng của K-SHIK hầu hết là thành phần phiến quân KLA và một số phần tử tội phạm có tổ chức ở vùng Balkans và Đông Âu. Bọn ô hợp này được huấn luyện bài bản để trở thành những điệp viên tình báo và những sát thủ chuyên nghiệp.

Khi mới thành lập, K-SHIK được quản lý trực tiếp bởi KLA, nhưng khi KLA bị buộc phải giải tán theo thỏa thuận đình chiến năm 1999, K-SHIK nằm dưới sự điều hành của đảng Dân chủ Kosovo do ông Hashim Thaci lãnh đạo.

K-SHIK từng tiến hành các chiến dịch "ám sát chính trị" nhằm vào các chính khách người Serbia hoặc thành phần Albania thân Serbia ở Kosovo, những người bị nghi ngờ hợp tác với cựu Tổng thống Slobodan Milosevic hoặc chống lại KLA.

Dư luận đặt câu hỏi là thế lực nào đã đứng sau lưng hỗ trợ cho K-SHIK và tổ chức "tình báo tội phạm" này lấy nguồn kinh phí từ đâu để hoạt động, bởi tài chính cho hoạt động của nhà nước Kosovo luôn trong tình trạng khó khăn, cạn kiệt.

"CIA được nêu đích danh là cơ quan chủ lực hỗ trợ về mọi mặt cho K-SHIK, từ huấn luyện kỹ thuật tình báo ban đầu cho đến tài trợ kinh phí và trang bị kỹ thuật chuyên nghiệp, vũ khí chiến đấu và chia sẻ thông tin tình báo", theo Global Post.

Và tôn vinh những hành động gây tội ác

Như vậy, nếu để ông Thaci và các cựu binh KLA phải bị xét xử tội ác chiến tranh thì không chỉ mưu đồ của Washington ở Kosovo bị phá sản, mà Mỹ còn bị lật mặt vì tài trợ cho tội phạm có tổ chức.

Song có lẽ Hashim Thaci và các đồng phạm sẽ khó tránh khỏi vòng lao lý, khi Phòng Chuyên gia Kosovo noi gương ICC, quyết tâm phá rào cản của "yếu tố Mỹ" đối với quá trình đi tìm công lý của các định chế pháp lý quốc tế này.

Trước thực tế nguy hại như vậy, nếu không chấm dứt chiêu trò chính trị hóa tội phạm - trao quyền lực cho những kẻ phạm tội ác - thì Washington sẽ khó có thể tránh khỏi những hệ lụy, mà việc mất dần tầm ảnh hưởng ở Tây Balkan là hậu quả nhãn tiền.

Trong trường hợp này, rõ ràng thúc đẩy việc "nhân đạo hóa tội ác", biến những thực thể và giá trị phi vật thể gắn liền với đau thương trong cuộc chiến tranh Kosovo thành giá trị lịch sử cần được bảo vệ là nhất cử lưỡng tiện.

Bởi lẽ, nó không những cứu được đồng minh KLA và che đậy "hành vi không trong sáng của Mỹ" tại Kosovo, mà nó còn giúp Washington và "các đồng tác giả phá nát Nam Tư" được tôn vinh vì đã có công phát động cuộc chiến.

Không những vậy, nếu Dự luật về Bảo vệ các giá trị chiến tranh của Kosovo được thông qua, "các tác giả phá nát Nam Tư" có thể sạch vết nhơ mà không cần rửa, còn KLA thì mặc sức biến thể, khi vòng lao lý có thể vĩnh viễn miễn nhiễm với họ.

Quả là quá lợi hại khi pristine thúc đẩy Dự luật về Bảo vệ các giá trị chiến tranh của Kosovo, chỉ có điều nó chỉ là cách bảo vệ những kẻ đã vấy máu của người dân vô tội, chứ không phải bảo vệ những giá trị nhân văn cần lưu giữ cho Kosovo.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/kosovo-luat-hoa-bao-ve-toi-pham-chien-tranhvet-nho-tu-sach-3415573/