Kpop và ám ảnh tình dục

Bê bối mới nhất và cũng được xem là lớn nhất của ngành giải trí Hàn Quốc kết thúc bằng án tù đối với hai nghệ sĩ và các thành viên tham gia nhóm chat sex chuyên rủ nhau bẫy phụ nữ và khoe các clip 'chiến tích'. 'Hẹn chúng trên mạng, mang đến bar thoát y, rồi 'thịt' chúng trong xe', câu chat của Jung Joon Young - ca sĩ, nhạc sĩ vừa bị kết án 6 năm tù - được Washington Post trích đăng.

BTS đang là mũi nhọn của làn sóng Hàn Quốc Ảnh: Korea.net

BTS đang là mũi nhọn của làn sóng Hàn Quốc Ảnh: Korea.net

“Bé cưng” không bao giờ được lớn

Các nhân vật nổi tiếng trong Kpop mặc nhiên được gọi là “thần tượng”. Các thần tượng bao giờ cũng có ngoại hình đẹp và giỏi vũ đạo. Vũ đạo bao giờ cũng phải gợi cảm. Trên sân khấu, mặt mũi phải thể hiện như thể đang hứng tình, mặc cho thực tế khán giả của họ chủ yếu tuổi vị thành niên. Rõ ràng họ đang đánh vào điểm nhạy cảm giới tính của trẻ mới lớn, hơn là khai mở những giá trị về nghệ thuật.

Công nghiệp giải trí chuyên nghiệp Hàn Quốc hô biến các thần tượng thành ngôi sao quốc tế không khó. Tuy nhiên, kèm theo đó rất có thể là một cuộc sống riêng tư với nhiều bất ổn. Họ khó bề hẹn hò như người bình thường. Các nam thần tượng vẻ ngoài hết sức lịch lãm tưởng như khiến nhiều phụ nữ tự nguyện “xin chết” nhưng lại chọn cách gây mê rồi cưỡng hiếp nạn nhân.

Tất nhiên đó có thể là một thú vui bệnh hoạn của một nhóm ít người. Nhưng rõ ràng đời sống tình cảm của những thần tượng được các công ty quản lý chặt chẽ về mọi mặt không dễ dàng gì nếu không nói là phản tự nhiên. Bài viết của David Tizzard trên Korean Times tháng 3 năm nay (báo ta dịch lại) có thể tóm lược như sau: Theo những hợp đồng kéo dài nhiều năm với công ty quản lý, các thần tượng bị cấm hẹn hò hoặc để lộ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ đang trong một mối quan hệ tình cảm (vì như thế sẽ bị coi là “phản bội” người hâm mộ).

Trên sân khấu, họ ăn mặc hở hang, thể hiện các vũ đạo gợi cảm, thậm chí gợi dục. Rời sân khấu, lại trở về vỏ kín đáo, ngoan hiền “như thể không hay biết về các mối quan hệ tình cảm của người trưởng thành”.

Việc các ngôi sao tuổi thành niên phơi phới nhưng lại ăn vận xanh đỏ và có các động tác nhí nhảnh hơn cả teen rõ ràng là một cách hiệu quả để thu hút khán giả tầm tuổi này. David Tizzard phân tích tiếp về lối hâm mộ kỳ dị kiểu Hàn. Các fan tin rằng họ có một mối quan hệ thực sự với thần tượng, coi thần tượng như “bé cưng”- nae sekki (kiểu như “my baby” trong tiếng Anh). Là “bé” cho nên được hết mực chiều chuộng, nhưng khi cần cũng sẽ bị lôi ra mắng nhiếc không
thương tiếc.

“Nữ hoàng sexy” Hyuna trên sân khâúẢnh: Zing

Sulli lúc sinh thời đã được coi là ngôi sao nổi loạn, dám làm mọi điều mà những thần tượng khác không dám. Thực ra những điều đó chỉ đơn giản như công khai ảnh người yêu hơn mình 14 tuổi hay không mặc áo ngực… Chỉ thế thôi, tất cả những ngoan hiền khác coi như đổ sông đổ bể. Nếu như các nam thần tượng biết cách tận dụng quyền lực để thỏa mãn dục vọng thì các sao nữ lại dễ bị đặt vào vị trí nạn nhân cũng của loại dục vọng đực tính đó.

Goo Hara - người từng tuyên bố sẽ sống thay, hát thay Sulli đã tự vẫn không lâu sau cái chết của cô bạn thân. Dư luận nhớ ngay đến Choi Jong Bum và Oh Duk Shik. Choi là bạn trai cũ của Hara, người có dấu hiệu xâm hại tình dục Hara và tống tiền cô bằng cách dọa công bố clip sex của cả hai. Còn người kia là thẩm phán đã bỏ qua tội quay trộm của Choi trong phiên tòa hồi tháng Tám vừa qua.

Đáng lưu ý, quay trộm phụ nữ (thường tại nhà vệ sinh) là vấn nạn tại Hàn Quốc gây nên cuộc biểu tình rầm rộ hồi năm ngoái. Trong khi Quốc hội liên tục trì hoãn thông qua các điều khoản bỏ tù loại tội phạm này (thay vào đó chỉ là phạt hành chính). Quay lén chính là một trong những trò giải trí của nhóm chat sex vừa bị xử lý.

Cơn nghiện không thuốc giải?

Nhiều người coi việc các ca sĩ được đào tạo và quản lý từ sớm bởi các công ty là biểu hiện của sự chuyên nghiệp. Nhưng điều này cũng tiềm ẩn đầy nguy cơ khi ở độ tuổi tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ, các thần tượng tương lai đã bị gò ép trong khuôn khổ khắc nghiệt, bỏ lỡ các bài học văn hóa và xã hội thông thường. Cái đích là kiếm lợi nhuận cho công ty hơn là
nghệ thuật.

Ngoài ra, họ còn được khoác một sứ mệnh cao cả hơn nhiều: là các đại diện của Hallyu - làn sóng Hàn Quốc đã làm thay đổi vị thế văn hóa kinh tế giúp nước này thoát khủng hoảng cuối thập niên 1990. Sau phim truyền hình, Kpop trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu giá trị cao, là vũ khí mềm giúp Hàn Quốc chiến thắng trên trận địa văn hóa khắp các châu lục.

Tổng thống Moon Jae In đưa hình ảnh của nhóm BTS nhiều lần lên Twitter sau khi thành công của nhóm được ghi nhận tại Mỹ. Nhóm nhạc này còn nhận được Huân chương Văn hóa Hàn Quốc năm ngoái nhờ những đóng góp nổi bật trong quảng bá văn hóa Hàn Quốc.

Bộ VHTT&DL Hàn Quốc luôn hỗ trợ cho các nghệ sĩ lúc bắt đầu sự nghiệp cũng như sự phát triển theo từng giai đoạn, cho đến khi họ có thể biểu diễn ở nước ngoài. Bà Park Hye Jin - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: “Hệ thống giáo dục và đào tạo của Kpop chủ yếu là các công ty tư nhân quản lý những nhóm nhạc thần tượng. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc cũng đang cố gắng để có thể đưa Kpop, hạt nhân của Hallyu quảng bá nhiều hơn nữa ra nước ngoài”.

Từ 4 năm nay, Bộ VHTT&DL Hàn Quốc triển khai dự án Kpop Academy tại 25 Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc trên thế giới. Dự án này mang đến “cơ hội” học hát và nhảy theo các bài hát Kpop mới nhất cho các fan nước sở tại, giảng viên từ Hàn Quốc sang.

Trước một làn sóng có sự hậu thuẫn và đầu tư đặc biệt tầm nhà nước như thế, hỏi làm sao những đứa trẻ vị thành niên ở một xứ sở giáo dục còn lỗ mỗ về văn thể mỹ như Việt Nam có thể chống đỡ? Chúng chỉ có thể tiếp tục gào khóc và chạy theo các thần tượng hấp lực không gì sánh nổi.

“Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju biểu diễn. Thật vui vì ông bà già cuối cùng cũng biết điều và để mình đi”- kể cả khi nhóm Super Junior tan vỡ thì phát ngôn này của một nữ sinh Việt Nam chắc vẫn còn đó sự thách thức xã hội. Một nữ sinh khác nghe đâu còn dùng dao tự rạch lên tay tên nhóm nhạc thần tượng Kpop…

Thời fan cuồng với mỗi người cũng sẽ kết thúc, nhưng sẽ lại có một thế hệ khác lao vào, tiếp tục rót tình yêu kèm tiền bạc vào Kpop. Riêng tiền vé cộng đồng hâm mộ Super Junior bỏ ra để xem thần tượng tại lễ trao giải AAA của Hàn Quốc tại Việt Nam vừa qua đã là 2 tỷ đồng, chưa kể tiền tài trợ cho sự kiện và gom góp 100 triệu để bình chọn cho thần tượng được giải.

Sulli lúc sinh thời đã được coi là ngôi sao nổi loạn, dám làm mọi điều mà những thần tượng khác không dám. Thực ra những điều đó chỉ đơn giản như công khai ảnh người yêu hơn mình 14 tuổi hay không mặc áo ngực…

Kpop dường như không ngừng sản sinh ra những nhóm hát có sức công phá ngày càng lớn. Thậm chí họ còn tuyển mộ thực tập sinh từ các nước lân cận để đa dạng và chuyên biệt hóa sản phẩm. Đã có các nhóm nhạc ở Việt Nam được xây dựng theo mô hình Hàn nhưng e khó cạnh tranh nổi với hàng xịn. Không thể nào bắt chước được thành công mà đằng sau gồm cả những éo le mà sao Hàn đã và đang nếm trải.

NGUYỄN MẠNH HÀ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/kpop-va-am-anh-tinh-duc-1493603.tpo