Krasukha-4 của Nga là 'tác giả' khiến Iron Dome Israel tự bắn lên trời?

Truyền thông Israel vừa đưa ra một giả thuyết đầy bất ngờ xung quanh sự kiện tổ hợp phòng không Iron Dome của nước này bị 'cướp cò' hôm 11/10.

Hôm 11/10, phòng không Israel bố trí tại khu vực cao nguyên Golan đã nhận lệnh báo động tác chiến sau khi radar của hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome phát hiện có đạn pháo phản lực bắn sang.

Tổ hợp Vòm sắt làm nhiệm vụ trực chiến khi đó tuyên bố đã phóng lên 1 đạn đánh chặn, tiêu diệt 1 quả rocket tiếp cận từ hướng dải Gaza, trong khi 2 rocket còn lại rơi ra ngoài khu vực nguy hiểm nên không cần phản ứng.

Tuy nhiên thật bất ngờ khi sau đó tờ nhật báo Times of Israel dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết, hôm 11/10 không xảy ra bất cứ một vụ tấn công tên lửa nào vào trong lãnh thổ quốc gia Do Thái.

Việc hệ thống phòng không Iron Dome của Israel tự động kích hoạt và phóng đạn đánh chặn lên trời là do hoang báo, đây đơn thuần chỉ là một lỗi kỹ thuật mà thôi.

Được biết đây đã là lần thứ hai tổ hợp Iron Dome bị "cướp cò", lần đầu tiên diễn ra hôm 25/3 khi hệ thống phòng thủ tên lửa này bị nhầm lẫn đạn súng máy là rocket cần đánh chặn.

Mặc dù vậy, trong lần trước thì Israel còn tìm được đối tượng để đổ lỗi, trong khi lần này thì nguyên nhân vẫn chưa được xác định một cách thực sự rõ ràng.

Ngay lúc này một giả thiết đầy táo bạo đã được đưa ra, đó là Vòm sắt của Israel tự động phóng đạn lên trời do dính đòn chế áp điện tử của hệ thống Krasukha-4 mà Nga đang triển khai trên đất Syria.

Krasukha-4 được thiết kế để tấn công, áp chế điện tử các đài radar trinh sát cũng như điều khiển hỏa lực, các phương tiện bay trong đó có máy bay không người lái và tên lửa hành trình.

Vậy có thực sự tổ hợp Iron Dome của Israel là nạn nhân của một cuộc tấn công điện tử do hệ thống Krasukha-4 của Nga thực hiện từ phía bên kia biên giới?

Điều đó sẽ cần kiểm chứng thêm từ các nguồn tin độc lập, nhưng gần như ngay lập tức đã có một số ý kiến từ các chuyên gia quân sự bác bỏ nhận định này.

Hệ thống Krasukha-4 được thiết kế chủ yếu để bảo vệ mục tiêu mặt đất khỏi các cuộc tấn công đường không của đối phương, tức là nó ở vị thế của vũ khí phòng thủ chứ không phải tấn công.

Khi làm nhiệm vụ theo chức năng của mình, Krasukha-4 sẽ phát sóng lên không trung tạo ra "bức màn" nhiễu điện tử phủ kín khu vực mà nó có trách nhiệm bảo vệ.

Cần lưu ý rằng bức màn nhiễu này tồn tại phía trên đầu căn cứ quân sự do sóng điện từ truyền đi theo phương thẳng chứ không có khả năng phản xạ và dội xuống mặt đất.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Krasukha-4 chẳng thể nào hoạt động như một đài radar phản xạ sau đường chân trời kiểu Mineral-ME lắp đặt trên các tàu hải quân Nga.

Ngoài ra với trường hợp của radar phản xạ chân trời, sóng của nó sau nhiều lần bị dội xuống nhờ tầng điện ly thì công suất trở nên cực yếu và mờ nhạt, không thể xác định chính xác vị trí của vật thể to cỡ tàu sân bay trong ô vuông diện tích 4 km2.

Krasukha-4 có công suất phát không quá lớn và nó được tối ưu hóa cho việc chặn sóng từ trên không nhằm vào địa điểm mà nó bảo vệ, cho nên cáo buộc từ phía Israel bị cho là đang cố gắng đổ lỗi hòng che giấu nhược điểm chưa ổn định của Iron Dome.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-krasukha4-cua-nga-la-tac-gia-khien-iron-dome-israel-tu-ban-len-troi/786987.antd