KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện

Sáng 4/12, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, là biểu tượng đặc biệt của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Tham dự Đại hội có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương.

Diễn ra sau 10 năm kể từ lần thứ nhất, Đại hội lần này có chủ đề "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước" với 1.593 đại biểu chính thức tiêu biểu đại diện cho 54 dân tộc anh em.

Nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Các DTTS sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc đa số ở 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở miền núi, biên giới vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, KT-XH, quốc phòng – an ninh, đối ngoại và môi trường sinh thái.

Đại hội đại biêu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II.

Đại hội đại biêu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II.

Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú, đặc sắc, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Cộng đồng các DTTS là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đều là "Con Rồng cháu Tiên" chung sống hòa thuận; một lòng theo Đảng, kề vai, sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ nhất (năm 2010) đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào; chăm lo củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc. Tổng hợp kết quả từ Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III của 363 huyện và 50 tỉnh/thành phố, sau 10 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ nhất, KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ II.

Các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS&MN, nhất là địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn, đạt được kết quả rất quan trọng; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững hơn.

Mặc dù nguồn lực nhà nước còn khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương; các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư cho vùng DTTS&MN.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và nguồn ngân sách đầu tư công tập trung xây dựng hàng vạn công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… ở vùng DTTS&MN; làm cho bộ mặt nông thôn miền núi đã có bước phát triển mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng đồng bộ hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân: 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện lỵ được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm huyện, trong đó trên 95% số km được cứng hóa.

100% xã, 97,2% thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 65,8% xã, 76,7% thôn có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng.

Với sự tham dự của 1.593 đại biểu chính thức tiêu biểu đại diện cho 54 dân tộc anh em.

Công tác xóa đói, giảm nghèo được Đảng và Nhà nước chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, được cả xã hội quan tâm, đồng lòng ủng hộ, đạt được kết quả nổi bật. Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%. Bước đầu đã thu hẹp một bước địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn; giai đoạn 2015 – 2019 đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS&MN được Nhân dân hồ hởi hưởng ứng, chung tay thực hiện; đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, bộ mặt nông thôn miền núi đã có những đổi thay rõ rệt. Sau 10 năm thực hiện chương trình, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Vùng DTTS&MN đã có 1.052 xã (chiếm 22,29%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 106 xã từ đặc biệt khó khăn đã phấn đấu trở thành xã nông thôn mới; có 27 huyện (chiếm 6%) vùng DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới.

Để phù hợp với đặc điểm của vùng DTTS&MN, Ban Chỉ đạo Trung ương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1385/QĐ-TTg về tiêu chí xây dựng thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được cấp ủy, chính quyền các tỉnh vùng DTTS&MN đánh giá cao.

Đại hội cũng nêu lên mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030: Khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân.

Gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế để quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xóa bỏ tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/kt-xh-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-da-dat-duoc-nhieu-ket-qua-quan-trong-toan-dien-20201204103317065.htm