Kỳ 1: Chiêu 'cuỗm' sách của tiến sĩ thần học

Đầu tháng 5/2023, một người đàn ông Mỹ đã hoàn trả lại thư viện (TV) cuốn sách do ông tổ của mình mượn vào năm 1927 và sẵn sàng trả khoản phạt hơn 1.700 USD do quá hạn gần 1 thế kỷ. Điều đáng nói là, bên cạnh những người đọc sách trung thực, hệ thống TV từ bao đời vẫn phải đối mặt với những vụ trộm sách được cả thế giới biết đến.

Tính trung bình mỗi ngày trong số 450 ngày làm việc cho TV công cộng Hoàng gia Nga, Tiến sĩ Thần học Elois Pichler đã trộm 10 cuốn sách cổ quý nhất, mà theo ông giải thích là "vì đam mê sách một cách điên cuồng". Vụ trộm này còn giữ thêm kỷ lục khác: Được viết thành sách ngay trong năm để cảnh cáo những kẻ gian dưới cái mác "mê sách"!

Những cuốn sách quý bị đánh cắp

Từ tháng 02/1869, TV công cộng Hoàng gia Nga ở Saint Peterburg đón 1 thủ thư người nước ngoài - sự kiện chưa từng có tiền lệ: Tiến sĩ Thần học 36 tuổi người Đức Elois Pichler. Tiếng là quản thủ cao cấp hưởng lương 3.000 rúp/năm (gấp 10 lần mức trung bình của 1 nhân viên công vụ Nga vào năm 1870), nhưng công việc của Elois không phải là phát và thu hồi sách. Thực ra Sa hoàng Alexander II bỏ tiền mời ông tới Nga để nghiên cứu tiếp về nguyên nhân rạn nứt giữa Nhà thờ Công giáo Rome và Chính thống giáo Đông phương bắt đầu từ thế kỷ XI - điều mà Sa hoàng xét thấy có lợi về mặt chính trị đối với nước Nga.

Lúc đó, TV là một trong những nơi thuận tiện nhất để tìm tài liệu, do đó chính quyền địa phương chẳng những cấp lương và phòng làm việc riêng cho ngài Elois, mà cả quyền tự do tiếp cận các kho tài liệu quý. Tiến sĩ Elois sống cùng cô em họ từ Đức sang làm quản gia cho ngài trong căn hộ gần TV.

Elois Pichler

Elois Pichler

Mấy tháng đầu, dù có vài thắc mắc nhỏ - như việc Tiến sĩ Elois hay đi dạo một mình trong các kho sách hoặc về nhà nhiều lần trong ngày, nhưng các đồng nghiệp đều tỏ ra thân thiện và kính trọng ông. Cho đến hôm xảy ra sự kiện chấn động: Tủ sách gia đình của triết gia Pháp Voltaire (1694 -1778) gồm 6.814 cuốn mà Nữ hoàng Nga Ekatherina II mua ngay sau khi ông qua đời và đã chuyển giao cho TV này bị mất cắp 73 cuốn giá trị nhất. Lập tức an ninh được siết chặt, tất cả mọi người đều bị nghi ngờ. Thêm vào cái không khí ngột ngạt đó, nhân viên phải chịu những lời phán xét từ Elois rằng chuyện động trời như thế chỉ có thể xảy ra ở Nga mà thôi (!).

Thủ phạm lộ diện

Trong số quản thủ của TV có người tên Vasili Sobolshikov, phụ trách kho sách nghệ thuật nhưng nghề chính của ông là kiến trúc sư. Vasili cũng là người thiết kế lại phòng đọc chính của TV vào năm 1862 nên ông cảm thấy rất ấm ức. Dù TV đặt ra nhiều quy định khác để tăng cường an ninh thì sách vẫn liên tục mất trong gần 1 năm tiếp theo, toàn sách cổ. Vasili đã dùng phương pháp loại trừ để tìm hiểu và mối nghi ngờ của ông hướng về Elois, khi vị tiến sĩ này có thói quen lạ đời: Dù mùa đông hay hè thì bất cứ khi nào ra ngoài, Elois cũng mặc áo khoác ngoài rộng và dày bằng dạ. Thư viện có phòng gửi áo khoác, mũ, giày nhưng Elois không bao giờ gửi, mà cứ mặc như thế cùng đôi ủng cao su ngồi vào bàn làm việc. Bị truy gắt, Elois chuyển sang mặc 2 áo khoác ngoài, cái dày ở ngoài, áo mỏng hơn bên trong.

Việc đó càng khiến Vasili thêm nghi ngờ. Ngày 03/3/1870, khi Elois ra cửa, lúc trả áo khoác ngoài cho tiến sĩ, nhân viên bảo vệ lấy cớ áo khoác trong của ông bị dính bẩn đã dùng tay vuốt mạnh vào và bất ngờ, 1 mặt phẳng cứng lồi lên. Thì ra, ở mặt trong lưng áo của Elois được may thêm túi, trong đó có bản in năm 1686 cuốn sách của nhà thần học Ý kiêm nhà thơ Aurelius Ambrosius (340-397). Lập tức, vị tiến sĩ phân bua rằng cầm sách về nhà đọc và đã để lại mảnh giấy mượn tại vị trí đặt cuốn sách trên kệ để thông báo, tuy nhiên thủ thư không tìm thấy nó. Được mời tới chứng kiến, Giám đốc TV Ivan Delyanov đã cho 2 người theo chân Elois về căn hộ ông ta đang ở.

Thư viện công cộng Hoàng gia Nga, nơi xảy ra vụ trộm sách

Thật bất ngờ, cả 3 căn phòng chất đầy sách, thủ thư nhận ra ngay sách của TV dù tất cả đều bị xóa số hiệu, dấu sở hữu, cả hình dập đại bàng 2 đầu (biểu tượng của Hoàng gia Nga) đóng trên gáy sách và bị dán đè nhãn "Sách từ thư viện Pichler".

Cảnh sát được mời tới làm biên bản và cùng nhân viên TV kiểm sách: Tổng cộng có 4.478 cuốn (có cuốn nặng 16kg) và 427 bản in tranh khắc tại căn hộ của Elois trước khi chất lên 17 chiếc xe ngựa để trả lại TV Hoàng gia.

Mặc dù Elois và luật sư biện hộ rằng việc lấy sách chỉ để làm việc, là do "niềm đam mê sách một cách điên cuồng", nhưng các quan tòa Nga vẫn giữ nguyên quan điểm kết ông tội trộm sách bất kể lý do. Năm 1871, Elois Pichler lãnh án 3 năm, trong đó 1 năm ngồi tù, 2 năm bị đày tới TP.Tbolsk ở Siberia, nộp tiền phạt 1.730 rúp. Tại đó, Elois sống bằng nghề gia sư dạy tiếng Đức - ngoại ngữ thịnh hành nhất ở Nga vào thế kỷ XVIII - XIX.

Nhờ vào lời khẩn cầu của Hoàng tử Leopold Wittelsbach (người vào năm 1918 đã thay mặt Đức ký Hiệp ước hòa bình Brest - Litovsk với chính quyền Xô viết để nước Nga rút khỏi Thế chiến I), Elois được ân xá vào năm 1874 và đã mất 2 ngày sau khi trở về nhà ở Đức.

(Còn tiếp...)

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-1-chieu-cuom-sach-cua-tien-si-than-hoc_147686.html