Kỳ 1: Cổ vật bị rao bán

Những ngày qua, dư luận xã hội rất quan tâm trước thông tin: Nhiều sắc phong Việt Nam trong đó có các sắc phong của Đền Quốc Tế, xã Dị Nậu (huyện Tam Nông) bị đánh cắp đang được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc - do ông Trần Ngọc Đông, một người sưu tầm, nghiên cứu tâm huyết với văn hóa truyền thống đăng tải trên trang cá nhân và Facebook nhóm Làng Việt xưa và nay.

Số phận sắc phong

Nhiều sắc phong Việt Nam trong đó có một số sắc phong nghi ngờ có nguồn gốc từ Phú Thọ đang được bán đấu giá công khai tại Trung Quốc (ảnh chụp từ website http://www.yangmingauction.com)

“Nóng” dư luận

Ông Trần Ngọc Đông cho biết: “Vào đầu tháng 4/2023, một website đấu giá cổ vật có địa chỉ: http://www.yangmingauction.com của Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh (Shanghai Yangming Auction Co., Ltd.) tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã đăng bán một số cổ vật, hiện vật trong đó có các sắc phong nghi là của Đền Quốc tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông với mức giá khởi điểm từ 2.800 – 3.500 nhân dân tệ (khoảng 9,5 - 12 triệu đồng) một bản. Các sắc phong này đều đã bị bán cho những người sưu tầm ở Trung Quốc. Trong đó, một số sắc phong thời Lê đã hoàn thành đấu giá vào năm ngoái, một số sắc phong còn lại sẽ được tiếp tục đấu giá trong các phiên tiếp theo”.

Về việc các sắc phong của Việt Nam bị rao bán trên mạng mua bán/đấu giá cổ vật của Trung Quốc, ngày 12/4/2023, trên địa chỉ website của Công ty Thượng Hải Dương Minh, có đăng tải thông tin Phiên đấu giá cổ vật có tên “Giấy cũ phồn hoa – Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm” vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 22/4/2023 tại khách sạn Thượng Hải Majesty Plaza, ký hiệu Phiên đấu giá là: S23041. Tại phiên đấu giá này dự kiến sẽ đấu giá 672 món cổ, hiện vật. Trong đó có 12 đạo sắc phong nguồn gốc Việt Nam niên đại thời Lê và Nguyễn, có số thứ tự từ 2243 đến số thứ tự 2254 được đem ra đấu giá tại phiên này. Ngoài ra, website của công ty trên còn đăng tải thông tin kết quả đấu giá thành công các cổ vật là sắc phong được cho là nguồn gốc Việt Nam tại các phiên đấu giá trước.

Cũng theo ông Trần Ngọc Đông, trong vài năm trở lại đây, đã có rất nhiều sắc phong Việt Nam, chủ yếu thuộc thời Hậu Lê và Nguyễn cùng nhiều cổ, hiện Việt Nam bị mua bán, đấu giá tại Trung Quốc. Chỉ riêng sàn đấu giá của Công ty Thượng Hải Dương Minh, từ đầu năm đến nay đã có hàng chục sắc phong nghi ngờ có nguồn gốc từ các tỉnh, thành: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương… được đăng bán công khai. Trong đó, sắc phong nguồn gốc nghi ngờ từ Phú Thọ có số lượng lớn nhất (gần 40 bản).

Sắc phong niên hiệu Phúc Thái thứ 3 (1645) – bản cổ nhất của Đền Quốc tế được chụp trực tiếp tại đền (Ảnh trên) và một sắc phong bị rao bán trên trang web của Trung Quốc có nhiều đặc điểm tương đồng (Ảnh dưới) - Ảnh do ông Trần Ngọc Đông cung cấp.

Được biết, cá nhân ông Trần Ngọc Đông là người giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu văn hóa, lịch sử và thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Đền Quốc Tế tìm kiếm tung tích những đạo sắc phong “thất lạc”. Đồng chí Nguyễn Hồng Minh - Chủ tịch UBND xã Dị Nậu thông tin: “Sáng ngày 12/4, sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, UBND xã đã triệu tập BQL di tích Đền Quốc Tế, lập tức báo cáo đề nghị Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND huyện, Công an huyện Tam Nông và các cấp có thẩm quyền vào cuộc xác minh, điều tra”.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Liên quan đến vụ việc này, ngay sau khi nhận tin sự việc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đã có báo cáo sơ bộ và đề xuất một số nội dung cấp bách bằng văn bản gửi UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo. Cùng ngày, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT&DL) có Công văn số 309/DSVH-DT về việc thông tin bán đấu giá sắc phong có nguồn gốc Việt Nam gửi Sở VH, TT&DL, Sở VH, TT các tỉnh, thành phố Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương đề nghị khẩn trương, xác minh tính xác thực của các sắc phong đang rao bán trên website Công ty Thượng Hải Dương Minh; thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… và các văn bản pháp lý có liên quan) để thực hiện chỉ đạo các cam kết, quyền lợi, trách nhiệm theo nội dung Công ước UNESCO 1970 (về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa). Đồng thời, đề nghị các sở triển khai thực hiện và báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17/4/2023 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Văn bản của UBND huyện Tam Nông về việc đề nghị hỗ trợ tìm lại sắc phong bị mất tại Đền Quốc tế bước đầu xác minh có hai bản sắc phong có một số nội dung trùng khớp với các sắc phong được đấu giá tại Trung Quốc.

Thực hiện công văn trên, Sở VH, TT&DL đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Nông nhanh chóng thu thập thông tin xác minh. Đồng chí Đặng Đức Hải – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Nông cho biết: Ngày 13/4, UBND huyện Tam Nông đã thành lập tổ công tác về làm việc với UBND xã, BQL di tích Đền Quốc Tế xã Dị Nậu để thu thập thông tin, hình ảnh xác định các sắc phong được bán đấu giá tại Trung Quốc. Qua so sánh, đối chiếu hình ảnh, nội dung từ tài liệu còn lưu giữ tại địa phương, bước đầu đã xác định nội dung trên hình ảnh của 9 đạo sắc có liên quan đến các sắc phong của đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã bị mất trộm vào tháng 5/2021, trong đó có hai sắc phong (một bản sắc phong Tự Đức năm thứ ba (1850) và một bản sắc phong Thành Thái năm thứ nhất (1889) có một số đặc điểm, nội dung trùng khớp với hai trong số các sắc phong đang được rao bán, nghi ngờ là sắc phong đã bị mất tại Đền Quốc Tế xã Dị Nậu, huyện Tam Nông vào tháng 5/2021. UBND huyện đã báo cáo với UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL về việc này”.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Ngày 14/4, Sở VH,TT&DL đã có văn bản số 284/SVHTTDL-QLDSVH về việc cung cấp thông tin các sắc phong bị trộm cắp tại đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ gửi Cục Di sản văn hóa - Bộ VH, TT&DL báo cáo về việc này. Qua đối chiếu, xác minh ban đầu tại địa phương, một số sắc phong có khả năng là hiện vật gốc. Hiện, Sở đang tiếp tục thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc trình Bộ VH,TT&DL và các cơ quan chuyên môn tiến hành các bước thẩm định. Trong trường hợp đúng là hiện vật gốc, Sở sẽ có phương án tham mưu với UBND tỉnh có văn bản gửi tới Bộ VH,TT&DL phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Lãnh sự quán Việt Nam ở Thượng Hải đưa những sắc phong này “hồi hương” bằng con đường ngoại giao…”.

Thùy Phương - Cẩm Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/ky-1-co-vat-bi-rao-ban/192260.htm