Kỳ 1: Đã đến lúc siết chặt, không thể buông lỏng, lơ là

Chuyên đề Công an TPHCM đã có loạt bài phản ánh về tình trạng loài chó hung dữ, cắn người, gây thương tích nặng, thậm chí dẫn đến thiệt mạng. Nhiều vụ chó dữ tấn công người, mà nạn nhân là các em nhỏ. Cũng có nhiều trường hợp ngay cả chủ chó cũng là nạn nhân. Quy định đã có, tuy nhiên để các chủ chó chấp hành như rọ mõm khi dắt chó ra nơi công cộng, hay các biện pháp phòng ngừa đều bị xem nhẹ. Mới đây nhất, vì bảo vệ 'chó cưng' mà một người đàn ông ở Q7, TPHCM đã lao vào tấn công người khác gây thương tích... nên rất cần siết chặt về các điều kiện nuôi chó.

Lại xảy ra tình trạng chó tấn công gây thương tích

Mới đây, Bệnh viện sản nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi trong trạng thái quấy khóc, tâm lý hoảng sợ, có nhiều vết chó cắn ở trên mặt. Theo gia đình nạn nhân, bé H. sang nhà hàng xóm chơi và bị chó tấn công. Nghe tiếng la hét của bé, hàng xóm và gia đình chạy đến thì thấy bé H. đang bị con chó nhà hàng xóm cắn xé. Cứu cháu bé ra ngoài và đưa đi cấp cứu với thương tích ở vùng mặt 2 bên má, vết rách chảy nhiều máu bám bụi bẩn. Tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện sản nhi tỉnh Phú Thọ, sau khi sơ cứu ban đầu, bé H. được chuyển lên Khoa mắt, tai mũi họng - răng hàm mặt. Các bác sĩ cho biết, tình trạng khi bé H. vào viện bị thương ở vùng mặt 2 bên má, rách sát vách mũi và có nhiều vết thương hở chảy nhiều máu. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vết thương góc trong mắt bên trái vị trí gần mắt nhất. Chuẩn đoán bệnh nhi H. cần phải phẫu thuật, nên các bác sĩ nhanh chóng tiến hành mổ nhằm khâu phục hồi đa vết thương, đồng thời tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm huyết thanh phòng dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng.

Theo Bệnh viện nhi tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận không ít bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Hầu hết các trường hợp bị chó cắn do chủ quan cả từ phía gia đình nuôi chó và phía trẻ. Để tránh những tai nạn tương tự, các bậc phụ huynh hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Nhà có trẻ nhỏ không nên nuôi giống chó to và dữ. Khi nuôi chó, người dân cần tiêm phòng đầy đủ, thuần dưỡng chó, nếu cho chó ra ngoài phải rọ mõm... Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó, động vật tấn công cần chủ động đi tiêm phòng. Nhiều người cho rằng là tiêm phòng dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh nhân suy giảm trí nhớ, thậm chí giảm tuổi thọ nên không tiêm vắc-xin phòng dại cho trẻ khi phát hiện bị chó cắn. Quan niệm sai lầm này dẫn đến những trường hợp tử vong. Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin hay huyết thanh kháng dại. Nếu tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.

Không rọ mõm dắt chó ra nơi công cộng là vi phạm các quy định...

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 1, Quyết định 193/QĐ-TTg về chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, chủ nuôi chó phải thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình. Bên cạnh đó, chủ nuôi chó còn phải thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng dại cho vật nuôi của mình theo hướng dẫn của UBND các cấp. Đồng thời, căn cứ Khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, chủ nuôi có thể bị phạt hành chính từ 1 - 2 triệu đồng khi không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng...

Bức xúc chó và chủ chó tấn công người

Nhiều bạn đọc đã phản ánh những bức xúc xung quanh việc nuôi các loài chó mang tính khí hung hăng, dễ tấn công người khác, thậm chí tấn công ngay cả chủ nuôi. Có ý kiến còn bày tỏ "nên cấm nuôi những loài chó dữ như Pitbull và một số giống chó dữ khác". Bên cạnh đó, nếu không cấm nuôi thì cơ quan chức năng cần có ngay biện pháp, quy định, ràng buộc cụ thể những điều kiện mới được phép nuôi loài chó này. Đến nay, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu sớm đưa ra các biện pháp nhằm siết chặt ngay tình trạng nuôi chó thả rông, nuôi chó không có dây dắt, rọ mõm khi ra nơi công cộng... gây nguy hiểm cho người khác là điều hết sức cần thiết và làm ngay.

Trước đây, đã xảy ra rất nhiều vụ chó dữ, chó thả rông, hay có chủ dắt đi chơi nhưng vẫn tấn công người khác. Hiện hành về quy định là phải có dây dắt chắc chắn, phải rọ mõm, nhưng đa số chủ chó không tuân thủ quy định này. Hơn nữa, bấy lâu nay cũng ít thấy cơ quan, lực lượng chức năng nào xử phạt theo quy định về những trường hợp dắt chó đi dạo nơi công cộng mà không rọ mõm, gây nguy hiểm. Chỉ đến khi có những vụ việc thương tâm, đáng tiếc xảy ra vì bị chó dữ tấn công, dư luận lại nổi lên về vấn đề quản lý, xử phạt. Thế nhưng, các quy định chặt chẽ hơn, thậm chí là cấm nuôi những con "mãnh thú” nơi khu dân cư, dắt đi dạo nơi công cộng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Bệnh nhi bị chó cắn gây thương tích nghiêm trọng

Trước đây, loài chó Pitbull hung tợn "gây án" xảy ra tại tỉnh Bình Phước, rồi vụ chó cắn người tại tỉnh Long An, cho đến vụ tấn công bà cụ ở Quảng Nam... thì các loài chó vốn có tính khí "mãnh thú” khác cũng từng xảy ra nhiều vụ việc thương tâm. Ông Phạm Diễm Bình - Giám đốc Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ Phạm Diễm Bình cho biết: "Thần kinh của những giống chó như Pitbull luôn căng thẳng, dễ bị kích động. Chúng được lai tạo giống vốn để chiến đấu, chứ không phải là để làm thú cưng. Nếu người dân nuôi loại chó này mà hay nhốt trong chuồng sẽ càng làm chúng cuồng chân, gây sự hung hăng, dữ tợn, càng bị kích động nhiều hơn nên rất dễ gây nguy hiểm cho người khác".

Ngày 12-02-2023, Luật sư Võ Quang Vũ (Giám đốc Công ty Luật TNHH Thịnh Vượng, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: "Trong thời gian vừa qua rất nhiều trường hợp chó và chủ chó liên tục xâm phạm đến tính mạng, danh dự và nhân phẩm của người khác. Do đó, pháp luật cần trừng trị thẳng tay để người nuôi chó quan tâm, chú trọng đến quy định pháp luật và thực hiện đúng quy định pháp luật. Không để chó xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, cũng như bản thân người nuôi chó cũng không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người khác".

Theo Luật sư Võ Quang Vũ phân tích, cụ thể gần nhất là bé gái 3 tuổi ở tại Phú Thọ đến nhà hàng xóm chơi bị chó cắn tả tơi. Trường hợp thứ 2 là vụ việc xảy ra tại chung cư Saigon Riverside (P.Phú Thuận, Q7, TPHCM) vào tối 02-02-2023. Chủ chó dắt chó xuống sảnh chung cư và không rọ mõm, không xích. Lúc này cư dân (anh Dũng) dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy ở chung cư. Con chó cũng có mặt ở đây và liên tục tiến gần tới vị trí con trai anh Dũng. Trước sự tiến tới liên tục của con chó, lo sợ chó cắn con nên anh Dũng dùng chân đẩy con chó ra. Lúc này, chủ chó đứng ở gần đó đã lao tới tấn công, dùng tay đấm mạnh vào vùng mặt, làm mắt kính của anh Dũng vỡ và đâm vào mắt gây chảy máu (phải khâu 5 mũi), vỡ mảnh răng cửa hàm dưới trái, ngực trái có vết sưng.

Chủ chó tấn công anh Dũng gây thương tích tại chung cư ở Q7, TPHCM

Luật sư Võ Quang Vũ nhận định: "Với 2 sự việc nêu trên, đều xuất phát từ việc nuôi chó. Tuy nhiên, với trường hợp thứ 2, không phải chó xâm phạm người khác mà chủ chó lại xâm phạm đến tính mạng người khác. Xem qua đoạn video thì chủ chó đã có hành vi côn đồ, xem thường tính mạng của người khác, xem con chó hơn cả tính mạng con người, bất chấp pháp luật để bảo vệ con chó mình. Hành vi này không những vi phạm về hành chính mà còn vi phạm Bộ Luật Hình sự đối với tội "cố ý gây thương tích".

Luật sư Võ Quang Vũ (Giám đốc Công ty Luật TNHH Thịnh Vượng, Đoàn Luật sư TPHCM):

"Tôi cho rằng hành vi của chủ chó trong trường hợp đánh người tại chung cư Q7, TPHCM đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm i, khoản 1, điều 134 Bộ Luật Hình Sự. Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Có tính chất côn đồ. Trường hợp này, Công an Q7, TPHCM tiến hành giám định tỷ lệ thương tật của anh Dũng để làm căn cứ xử lý hình sự chủ chó đúng quy định để làm gương cho những ai thích nuôi chó mà không tuân thủ pháp luật".

(Còn tiếp...)

QUỐC PHONG - HÀ CHÂU

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/ky-1-da-den-luc-siet-chat-khong-the-buong-long-lo-la_143577.html