Kỳ 1: Đêm diễn cuối cùng

Trong giới nghệ sĩ nói chung và nghệ sĩ cải lương nói riêng, Thanh Nga là một hiện tượng đặc biệt, bà là một tài năng thiên bẩm thanh sắc vẹn toàn. Trên sân khấu Thanh Nga xuất hiện trong bất cứ vai phụ nữ nào, dù đó là “Thái hậu Dương Vân Nga” cao sang, lộng lẫy, Trưng Trắc đẹp uy nghi hay tiểu thư Quỳnh Nga hiền thục trong “Bên cầu dệt lụa” hoặc hóa thân làm sơn nữ Phà Ca bi thương sầu mộng trong “Người vợ không bao giờ cưới”… đều để lại dấu ấn rất riêng, khó có người thay thế mà đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của vai diễn trên sân khấu cải lương như vậy.

Còn đối với công chúng, đặc biệt là người yêu nghệ thuật cải lương thì Thanh Nga là một tên tuổi lớn được tôn vinh là “Nữ hoàng sân khấu”. Bà được cả nam phụ lão ấu nhiều thế hệ yêu thương, mến mộ.

Nghệ sĩ Thanh Nga thời xuân sắc và vai Thái hậu Dương Vân Nga.

Nghệ sĩ Thanh Nga thời xuân sắc và vai Thái hậu Dương Vân Nga.

Cách đây trên 45 năm, vào đêm 26/11/1978, cái đêm định mệnh với vai diễn Thái Hậu Dương Vân Nga ở rạp Cao Đồng Hưng gần chợ Bà Chiểu quận Bình Thạnh, khi tan xuất diễn ra về cùng chồng là ông Phạm Duy Lân, đạo diễn và con trai Phạm Duy Hà Linh lúc đó có tên thân mật gọi ở nhà là Cúc Cu (5 tuổi) trên chiếc ô tô của gia đình bất ngờ 2 kẻ lạ mặt tấn công bằng súng và bắn chết Thanh Nga cùng chồng.

Vụ án đã gây xôn xao dư luận và làm xúc động mọi người chứ không riêng gì giới nghệ sĩ. Càng xôn xao hơn khi Cơ quan điều tra (CQĐT) tới hiện trường vụ án và khẩn trương truy xét, lần theo dấu vết của hung thủ thì thoạt đầu nghi ngờ đây là vụ ám sát vì lý do chính trị nhưng sau đó thì xoay qua hướng hình sự. Vậy sự thật của câu chuyện này như thế nào?

“Cuộn chỉ rối” về vụ án Thanh Nga đã mở nút thắt ra sao?

Rạp Cao Đồng Hưng nằm gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh là một rạp hạng B chuyên cho sân khấu cải lương. Đêm 26/11/1978 rạp tiếp tục diễn vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga do nữ nghệ sĩ Thanh Nga đóng vai chính.

Đây là vở cải lương nổi tiếng và Thanh Nga trong vai Thái hậu Dương Vân Nga đóng cũng rất xuất sắc nên dù là xuất diễn kéo dài nhưng rạp vẫn kín khán giả.

Tan xuất diễn vào lúc 23 giờ, nữ nghệ sĩ Thanh Nga không kịp tẩy trang và thay đổi phục trang của vai diễn, vẫn mặc nguyên bộ triều phục màu đỏ rực rỡ của Thái hậu Dương Vân Nga rời rạp hát ra xe Volkswagen loại 4 chỗ đời cổ của Đức BS: 51A-48…do chồng là đạo diễn Phạm Duy Lân tới rước. Lên xe Thanh Nga ngồi băng ghế sau với bé Cúc Cu, con trai của bà và ông Phạm Duy Lân. Tài xế kiêm bảo vệ cho Thanh Nga tên Nguyễn Văn Các 34 tuổi ngồi băng ghế trước phía bên phải ông Phạm Duy Lân đang ngồi trước tay lái. (Đêm đó ông Lân trực tiếp lái xe).

Chiếc Wolkswagen ngược đường Phan Đăng Lưu, tới ngã ba Phan Đăng Lưu - Đinh Tiên Hoàng rẽ trái rồi theo hướng đường Đinh Tiên Hoàng về trung tâm thành phố tới ngã 6 Phù Đổng (vì có tượng Phù Đổng Thiên vương, ở đây là vòng xoay 6 ngã nên tên gọi chính thức là ngã 6 Sài Gòn).

Ông Phạm Duy Lân cho xe ôm vòng xoay theo chiều tay trái rồi rẽ phải vào đường Ngô Tùng Châu (giờ là Lê Thị Riêng) để về nhà. Tới trước nhà Thanh Nga ở số 114, xe dừng lại, tài xế Nguyễn Văn Các mở cửa xe bước xuống trước định mở cửa xe cho Thanh Nga và bé Cúc Cu. Ngay lúc đó có một chiếc Honda chở đôi từ phía sau phóng tới nhanh như chớp, thắng gấp trước đầu chiếc Wolkswagen nghe “kịt” một tiếng rồi một gã thanh niên nhảy xuống lao tới chĩa mũi súng ngắn vào tài xế Nguyễn Văn Các gằn giọng:

- Mày đứng im, la một tiếng là tao bắn nát óc!

Ngay sau câu nói, gã tống cho anh tài xế một đạp nhào ngược vào trong cửa xe, nằm sấp trên băng ghế mà lúc nãy chính anh đã ngồi. Ngay lúc đó tên thứ hai mở cửa sau chĩa súng vào Thanh Nga khống chế bà để với tay kéo bé Cúc Cu. Nhưng Thanh Nga giành lại nên xảy ra cuộc giằng co giữa gã thanh niên cầm súng và nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Ông Phạm Duy Lân vội xoay người chồm ra phía sau phụ với Thanh Nga giữ Cúc Cu và lên tiếng:

- Các anh đừng bắt con tôi, muốn gì vợ chồng tôi cũng chấp nhận.

Nhưng vừa nói dứt câu, tên chĩa súng khống chế ông Phạm Duy Lân nãy giờ đã siết cò, một tiếng nổ khô khốc phát ra, ông Phạm Duy Lân bật kêu lên:

- Các ơi, cậu Ba bị bắn rồi…

Ở băng ghế sau, Thanh Nga vẫn giằng co quyết liệt với tên cầm súng thứ hai. Tên này cố sức kéo tay Cúc Cu ra khỏi xe, trong khi Thanh Nga cố hết sức giữ con trai không rời khỏi tay mẹ. Lúc này Thanh Nga la lớn:

- Bắn thì bắn chết tôi luôn đi chứ đừng hòng bắt con tôi.

Một tiếng nổ khô khốc nữa lại vang lên, Thanh Nga trúng đạn gục xuống. Bé Cúc Cu sợ quá vừa khóc vừa kêu “Má ơi, ba ơi…” lẫn trong giọng nói ngắn gọn giống như ra lệnh của tên cầm súng thứ nhất: Thôi, đi!

Chiếc Honda chở 2 tên sát thủ vừa gây án ngược đường Ngô Tùng Châu về hướng ngã 6 Phù Đổng rồi mất hút trong bóng đêm. Tài xế Nguyễn Văn Các bây giờ mới hoàn hồn, anh luýnh quýnh chưa biết làm gì trước sự thật kinh hoàng đang xảy ra trước mắt, chỉ biết rằng đêm hôm đó là đêm diễn cuối cùng trong vai Thái hậu Dương Vân Nga của cô chủ nổi tiếng trong giới cải lương mà anh cũng là một khán giả ái mộ.

Lúc đó là 23 giờ 30 ngày 26/11/1978, một đêm định mệnh. Và Thanh Nga chưa bước qua tuổi 36 đầy xuân sắc.

Công an vào cuộc truy lùng hung thủ

Chỉ ít phút sau đó tin Thanh Nga bị bắn chết không chỉ gây chấn động cho lực lượng công an, lãnh đạo thành phố mà còn làm một cú sốc lớn cho mọi người nói chung và nhiều người ái mộ nữ nghệ sĩ tài danh này nói riêng.

Chỉ 15 phút sau vụ án, CQĐT đã có mặt tại hiện trường vụ án trước số nhà 114 Ngô Tùng Châu, quận 1. Hiện trường được giữ nguyên trạng, chỉ có Thanh Nga và chồng là ông Pham Duy Lân trước đó đã được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu để mong “còn nước còn tát”, nhưng thực ra cả hai đã chết ngay trên xe sau khi bị trúng đạn.

Tiến hành xét nghiệm hiện trường, trong xe thấy có sự xáo trộn của một sự giằng co, băng ghế dính nhiều vết máu. CQĐT đã thu giữ một đầu đạn và một vỏ đạn. Đoàn khám nghiệm tới bệnh viện thì xác của Thanh Nga và chồng đã được đưa vào nhà xác.

Nguyễn Văn Các, tài xế kiêm vệ sĩ của Thanh Nga tất nhiên là người phải khai báo với CQĐT đầu tiên. Anh đã qua cơn hoảng sợ và khai báo khá chính xác diễn biến của vụ án. Nhưng có một vật chứng khá quan trọng mà anh Các không thấy hay quên kể trong bản tường trình và khi khám nghiệm hiện trường, cán bộ điều tra sơ sót không quan tâm vì nghỉ chỉ là một vật không có liên quan gì tới vụ án, đó là vỏ chai nước ngọt xá xị nằm dưới gầm băng ghế sau chỗ nữ nghệ sĩ Thanh Nga cùng bé Cúc Cu ngồi. (Người viết bài sẽ nói đến chi tiết này sau). Lúc xảy ra án mạng, ở căn nhà đối diện với nhà Thanh Nga mang số lẻ - số 113 Ngô Tùng Châu còn sáng đèn.

Chính ngay thời điểm đó có hai cô gái là chị em ruột tên Lương Thị Thu và Lương Thị Bích đang còn thức học bài khuya, khi nghe có tiếng súng nổ cả hai nhìn xuống đường, phía nhà Thanh Nga đã chứng kiến một góc của sự việc nên cũng được CQĐT ghi nhận lời khai ban đầu. Nhưng Thu và Bích cũng không cung cấp được chi tiết nào rõ nét để có thể nhận dạng được chân dung hung thủ ngoài “hai người đàn ông chở nhau trên xe honda phóng vụt đi sau khi có hai tiếng nổ”.

Riêng Nguyễn Văn Các thì mô tả tương đối rõ ràng hơn: tên cầm lái xe honda mặc áo sơ mi màu lam, tên cầm súng nước da ngăm, để tóc dài, khoảng hơn 30 tuổi, cao chừng 1,6m-1,7m, mặc quần Tây đen, áo sơ mi màu gạch đậm.

Ngoài ra, Nguyễn Văn Các có khai một tình tiết nghi vấn là trong lúc ông Phạm Duy Lân lái chiếc Wolkswagen màu xám tro chở Thanh Nga trên đường về nhà, tới vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, Các ngồi kế bên quan sát phía trước và sau, chợt chú ý có một chiếc Wolkswagen khác đang chạy chậm phía trước cũng rẽ vào đường Ngô Tùng Châu.

Khi ông Phạm Duy Lân cho xe vượt qua thì chiếc Wolkswagen kia cũng bám đuôi rất khả nghi. Chỉ riêng tình tiết này thôi, CQĐT đã phải lục tung hồ sơ của khoảng 1.000 chiếc Wolkswagen đang lưu hành trong thành phố để tìm cho ra chiếc Wolkswagen “chận đầu, bám đuôi” chiếc Wolkswagen chở Thanh Nga trong đêm 26/11/1978 để cuối cùng tới ngay… Đài Tiếng nói Việt Nam II. Hóa ra đó là xe chở phát thanh viên của đài đi công tác về.

Hoặc như một chi tiết khác trong quá trình điều tra chỉ vì nghi vấn một thanh niên lai Pháp đã từng yêu Thanh Nga mà không được Thanh Nga đáp lại rất có thể là hung thủ CQĐT đã rải nhiều trinh sát lần tìm lai lịch của khoảng… 3 ngàn người đàn ông lai Pháp hiện đang sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh để rà soát, sàng lọc đối tượng. Rồi do yêu cầu nghiệp vụ, CQĐT cũng đề nghị điều cả những chú chó berger thuộc loại “chiến đấu” đi máy bay vào hỗ trợ công tác điều tra phá án.

Nói chung là vụ án Thanh Nga đã được lãnh đạo từ Trung ương tới TP.Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chỉ đạo cho các ngành chức năng khẩn trương phá án, bắt bằng được hung thủ. Thêm vào đó là độ nóng của dư luận trên cả nước vì cảm thương người nghệ sĩ tài sắc này nên đã đặt lên vai CQĐT một sức ép về tâm lý rất lớn.

Đại tá Cáp Xuân Diệm lúc đó là Phó Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo vụ án, Ban chuyên án Thanh Nga cũng được xác lập do Trung tá Trịnh Thanh Thiệp, Trưởng phòng CSHS làm Trưởng ban, rất nhiều trinh sát giỏi, cán bộ điều tra đầy kinh nghiệm được điều vào Ban chuyên án để tập trung truy tìm hung thủ. Tài xế kiêm vệ sĩ cho Thanh Nga được loại khỏi danh sách đối tượng nghi vấn.

(Còn tiếp)

TỪ KẾ TƯỜNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202303/nu-hoang-cai-luong-thanh-nga-amp-dem-dien-dinh-menh-ky-1-dem-dien-cuoi-cung-974917/