Kỳ 1: 'Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng'

Cách đây 60 năm, ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn. Đây là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'.

Đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử, trở thành con đường huyền thoại. Trên con đường huyền thoại này đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội, về sự sáng tạo độc đáo và sự hy sinh đến tột cùng. Đặc biệt, có những câu chuyện mà nếu không có các nhân chứng, các hiện vật còn lại đến hôm nay thì nhiều người có thể sẽ không tin nổi.

“Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, “Đó là nguyên tắc tối thượng của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 khi mới thành lập”, Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559 đã khẳng định với chúng tôi lúc sinh thời tại nhà riêng của ông ở phố Phan Đình Phùng, Hà Nội.

Nhiệm vụ tuyệt đối bí mật

Thiếu tướng Võ Bẩm kể rằng: “Vào đầu tháng 5-1959, lúc đó tôi đang là Thượng tá, Cục phó Cục Nông trường Quân đội thì nhận được điện của cấp trên yêu cầu đến gặp Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương. Đến nơi, anh Vịnh thông báo ý kiến của Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho tôi thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”. Để giữ tuyệt đối bí mật, anh Vịnh yêu cầu tôi không được ghi chép mà buộc phải nhập tâm. Nhiệm vụ chủ yếu của “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” này là mở một con đường giao liên bí mật trong thời gian ngắn nhất, để nhanh chóng đưa cán bộ, bộ đội và các vật dụng cần thiết như vũ khí, đạn dược, thuốc men vào miền Nam theo kế hoạch của Bộ Chính trị. Việc lựa chọn người để thành lập đơn vị, anh Vịnh cho tôi quyết định nhưng nhất thiết chỉ chọn trong những anh em miền Nam tập kết ra Bắc. Vũ khí mang theo trước mắt cũng chỉ chọn các loại vũ khí chiến lợi phẩm ta thu được của địch. Phương châm hoạt động được anh Vịnh nhắc đi nhắc lại là: Tuyệt đối bí mật".

 Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.

Để bảo đảm nguyên tắc tuyệt đối bí mật, tuyến giao liên ban đầu của Đoàn 559 phải tránh xa các bản làng. Trong khi khảo sát mở đường, đoàn không đi theo những lối mòn thuận lợi sẵn có, mà phải tìm lối đi mới ở bình độ cao hơn và khẩu hiệu hành động mà cán bộ, chiến sĩ trong đoàn thời đó ai cũng phải thuộc là “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Để có thể “đi không dấu”, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã cử người đi cuối cùng trong tốp giao liên, chuyển hàng xóa dấu vết hoặc đi men suối. Cũng có những nơi phải trải nilon để người bước chân vào, sau đó thu nilon cho vào ba lô đi tiếp. Đi đường xa, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 thường mang lương khô hoặc cơm nắm. Nếu bất đắc dĩ phải nấu ăn thì cán bộ, chiến sĩ phải dùng bếp Hoàng Cầm, ngụy trang khói và sau khi nấu ăn xong cũng phải xóa dấu vết ngay. Còn để “nói không tiếng”, trong những trường hợp cần thiết phải dùng ám hiệu.

Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức băng rừng lội suối, vượt Trường Sơn theo phương thức tuyệt đối bí mật. Sau 8 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã bàn giao hàng hóa (chủ yếu là vũ khí) cho Khu 5. Đến cuối năm 1959, Đoàn 559 đã mang vác, chuyển cho Khu 5 và Mặt trận Trị-Thiên được gần 2.000 khẩu súng bộ binh, hàng vạn viên đạn, hàng nghìn quân cụ thiết yếu, đồng thời đưa hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, chủ yếu là cán bộ đại đội, trung đội theo tuyến giao liên Trường Sơn vào chiến trường.

Gùi hàng đi bộ... dài hơn đường xích đạo Trái Đất

Gặp Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Viết Sinh hiện ở TP Vinh (Nghệ An), có lẽ ít người tin được trong 6 năm gùi hàng hóa trên đường Trường Sơn trập trùng đèo dốc, ông đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng, cáng hàng trăm thương binh và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km. Chiều dài quãng đường ông đi làm nhiệm vụ gùi hàng, cáng thương binh còn lớn hơn một vòng Trái Đất theo đường xích đạo. Bảng thành tích của ông hiện được lưu trong Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh xác nhận: Năm 1962, ông gùi được 13.553kg hàng và 296 cáng thương trên đoạn đường 10.196km. Năm 1963 gùi được 9.365kg và khiêng 23 cáng thương trên nhiều đoạn đường dài. Năm 1964 mang vác 11.445kg, thồ với tổng số 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh, trong tổng thời gian 323 ngày trên đoạn đường 10.982km. Có nhiều lần, ông gùi đến 75kg hàng, gấp hơn 1,5 lần so với khối lượng cơ thể, nhiều đêm gùi hàng xuyên rừng, đi bộ đến 40km.

Đoàn cán bộ của Binh đoàn 12, đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại Đường 20-Quyết Thắng.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về điều gì đã làm nên sức mạnh phi thường ấy ở ông, Đại tá Nguyễn Viết Sinh từ tốn đáp: "Khi đó, chúng tôi đi bộ đội bằng tinh thần rất thanh thản. Mỗi lần phải gùi nặng sau lưng, chúng tôi lại nghĩ tới khẩu hiệu "một ki-lô-gam hàng là một đồng bào miền Nam đỡ đổ máu, một viên đạn là một kẻ thù" để nhắc nhủ nhau cùng cố gắng”.

Đại tá Nguyễn Viết Sinh thổ lộ, lúc bấy giờ, ông không hề nghĩ làm công việc bình thường và đơn giản như mình mà cũng được phong anh hùng. Tiểu đội của ông có 9 người nhưng tất cả đều đặt ra mục tiêu phải làm bằng 10, bằng 11 người. Thậm chí, nếu ai chẳng may bị ốm, bị sốt rét cũng động viên nhau cố gắng không nghỉ, người khỏe gánh đỡ hàng cho người yếu, người đi nhanh làm bớt phần cho người đi chậm, người gùi được nhiều hàng thì mang bớt cho người mang được ít...

Ngày 1-1-1967, Trung sĩ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Viết Sinh được Bác Hồ ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông cũng là anh hùng đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn lúc bấy giờ.

Khi nghe cấp trên thông báo về Thủ đô nhận danh hiệu anh hùng, ông không muốn đi vì phải xa đồng đội, nhưng khi nghe được thông tin có thể sẽ được gặp Bác Hồ là ông xin đi luôn. Thế nhưng bom đạn Mỹ đã ngăn cản ước ao được gặp Bác của ông. Vì phải tránh bom nên từ đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào, phải mất gần hai tuần, ông và một chiến sĩ cùng tiểu đội mới đi bộ ra được đến dốc Cổng trời ở Quảng Bình. Định đón xe về Hà Nội, nhưng qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, ông biết tin lễ tuyên dương anh hùng ở Hà Nội đã bế mạc. Thế là ông và người chiến sĩ cùng tiểu đội quyết định trở lại đơn vị. Hai năm sau, ông được đơn vị cử đi học, mới có dịp ra Hà Nội, nhưng đó cũng là lúc ông nghe tin Bác Hồ đã đi xa...

Bình quân mỗi người chịu đựng hơn 1.000 quả bom

Đó là con số thống kê tại trọng điểm A.T.P trên tuyến đường 20-Quyết Thắng thuộc địa phận huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Bá Tòng, Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Binh đoàn 12 giải thích: A.T.P là tên gọi tắt của cua Chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích nằm trên trục Đường 20-Quyết Thắng. Đây là một trong những trọng điểm ác liệt nhất trên tuyến chi viện Trường Sơn. Khu vực này được ví là “cánh cửa thép”, “tọa độ lửa”, “chảo lửa”, “túi bom” trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đường 20-Quyết Thắng xuất phát tại làng Phong Nha, phía nam phà Xuân Sơn, xã Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) vượt đỉnh Trường Sơn tại Km65 biên giới Việt-Lào, qua Lùm Bùm gặp Đường 128. Bộ Giao thông vận tải và Đoàn 559 đặt tên là Đường 20, bởi lẽ, lực lượng tham gia làm con đường là các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), công nhân và đội ngũ cán bộ kỹ thuật… hầu hết đều ở lứa tuổi 20. Sau đó, do phải thường xuyên hứng chịu bom Mỹ và quyết tâm thông đường của lực lượng bộ đội và TNXP tại đây nên Đường 20 còn có tên gọi khác là đường Quyết Thắng.

Theo số liệu của Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tại cua Chữ A, địch đánh phá 3.020 trận (có 270 trận B-52). Ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích địch đánh hơn 10.000 lần (2.450 lần B-52). Bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội và TNXP ở đây chịu đựng 1.000 quả bom các loại. Trong 11 năm khảo sát mở đường, chiến đấu bảo đảm giao thông tại Đường 20-Quyết Thắng, 1.088 người đã hy sinh và hàng trăm người bị thương trong tổng số hơn 8.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, TNXP tham gia mở đường và chiến đấu trên tuyến đường này... Như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Đường 20 là một kỳ công, một kỳ tích và một kỳ quan vì độc lập, tự do của chiến sĩ và TNXP đã làm nên”.

Đường 20-Quyết Thắng và trọng điểm A.T.P nằm trong Cụm Di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận ngày 9-12-2013. Cùng với các điểm du lịch sinh thái, những di tích này cũng đang được tôn tạo, bảo vệ đúng với giá trị lịch sử của nó.

Ngày nay, khách đến tham quan Đường 20-Quyết Thắng, trọng điểm A.T.P có thể dễ dàng đi theo Đường Hồ Chí Minh, xuyên qua Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới để tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những hang động kỳ vĩ, những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn. Bến phà Xuân Sơn và bến phà Nguyễn Văn Trỗi sát động Phong Nha, cách nhau 4km là hai trọng điểm vượt sông Son đi vào Đường 20-Quyết Thắng.

Năm ngoái, nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, tại xã Thượng Trạch (Bố Trạch) diễn ra lễ khởi công xây dựng Đền thờ liệt sĩ Trường Sơn hy sinh tại trọng điểm A.T.P trên Đường 20-Quyết Thắng. Kinh phí xây dựng đền dự kiến khoảng 20 tỷ đồng, nhà tài trợ là Ngân hàng Bưu điện-Liên Việt. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-2019).

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ

--------------------------------

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-1-di-khong-dau-nau-khong-khoi-noi-khong-tieng-573886