Kỳ 1: Giúp trẻ có cuộc sống tốt đẹp hơn

Chẳng phải máu mủ, ruột rà, nhưng bằng tình yêu thương, trái tim nhân hậu, những người 'cha', người 'mẹ' tại các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) đã giúp trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi có cuộc sống tốt đẹp hơn. Những câu chuyện về tình yêu thương, giúp đỡ trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi lay động lòng người là minh chứng thực tế.

Anh Hoàng Minh Trí giám sát khâu xử lý chất thải qua máy tại Công ty Hocil (Kiên Giang).

28 tuổi, anh Hoàng Minh Trí đã trải qua nhiều kỷ niệm vui buồn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là ngày 15/7/2005, khi vừa học xong lớp 5, anh đã bước vào cuộc sống mới tại Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ trẻ em tỉnh (TP. Bà Rịa). Từ đây, cuộc sống của anh đã thay đổi, tươi đẹp hơn.

“Tiếp sức” trẻ trưởng thành

Hoàng Minh Trí khi sinh ra vẫn có đầy đủ ba và mẹ tại xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc. Nhưng tai họa bất ngờ đổ ập xuống gia đình khi ba Trí đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Sau đó, mẹ cũng bỏ đi khi Trí chưa tròn 1 tuổi. Trí được người bác ruột ẵm về cưu mang. Cuộc sống đang ấm êm thì năm 2005, vườn cây của bác bị dịch bệnh chết hết. Gia đình bác đông con (6 người) nên cuộc sống lâm cảnh khó khăn. Sau khi được cán bộ xã tư vấn, bác quyết định gửi Trí vào Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ trẻ em tỉnh.

“Trước khi đi, tôi nghe mọi người kể lên đó có bạn, được học tập và vui chơi nên rất háo hức. Nhưng không ngờ, khi xa gia đình, sống ở môi trường mới, xa lạ, tôi mới thấm thía nỗi buồn và khóc cả tháng trời”, Trí nhớ lại khi bắt đầu cuộc sống mới vào ngày 15/7/2005.

Bằng tình yêu thương, trách nhiệm, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã giúp Trí dần nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Những người "mẹ" hiền ở đây thường quan tâm, trò chuyện, hướng dẫn Trí học bài, tập nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Lúc rảnh, các "mẹ" còn đưa Trí đi ăn và cho tiền mua quà vặt.

“Quần áo, sách vở được các mẹ sắm sửa đầy đủ để đi học. Nghỉ Hè tôi còn được đi học vẽ, chơi cờ vua, bơi, đá bóng cùng các bạn. Lớn hơn một chút, tôi xin các “mẹ” ra ngoài làm thêm ở quán cà phê để kiếm tiền trong dịp hè. Lâu dần, tôi gắn bó, thân thiết với ngôi nhà này lúc nào không hay”, Minh Trí hồi tưởng.

Với sự “tiếp sức” của Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ trẻ em tỉnh, anh dần trưởng thành. Năm 2013, Minh Trí trở thành sinh viên khoa Môi trường và Bảo hộ lao động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Dõi theo bước chân Trí, các “mẹ” ở Trung tâm vẫn động viên, hỏi thăm anh. Đồng thời, Trung tâm còn hỗ trợ Trí từ 600 ngàn đồng - 1,5 triệu đồng mỗi tháng để trang trải chi phí học tập trong suốt những năm đại học.

Năm 2020, Minh Trí nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Bảo hộ lao động tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Hiện nay, chàng thanh niên 28 tuổi này đã có công việc ổn định với mức lương khá cao khi làm Giám sát khâu xử lý chất thải tại Công ty Hocil (Kiên Giang) và đang sống hạnh phúc bên người vợ mới cưới.

“Tôi thật may mắn và tự hào khi lớn lên trong tình yêu thương, sự tận tâm chăm sóc của các “mẹ”. Tôi được tạo điều kiện học hành đến nơi đến chốn, học cách sống tử tế, yêu thương người nghèo khó. Giờ đây, mỗi dịp lễ, Tết, tôi thường quyên góp sữa, sách vở tặng các em ở Trung tâm; hướng dẫn, định hướng các em đăng ký học nghề, thi vào các trường ĐH, CĐ”, Minh Trí bày tỏ.

Trân trọng tình yêu dành cho trẻ bị bỏ rơi

Trong chuyến thăm, tặng quà trẻ em ở Mái ấm Hồng Quang và một số cơ sở BTXH nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 vừa qua, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh khi phát huy truyền thống văn hóa của người Việt Nam là yêu thương, đùm bọc nhau. Các cơ sở đã nuôi dưỡng một cách chu đáo, lo nơi ăn, chốn ở, dạy dỗ các cháu mồ côi nên người trong nhiều năm qua.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, sự yêu thương, bao dung của các nhà sư, linh mục, cán bộ, nhân viên ở các cơ sở BTXH dành cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi thật đáng trân trọng. Tình yêu thương ấm áp đó đã giúp các cháu vượt qua giai đoạn tuổi thơ khó khăn, thiếu thốn tình thương của người thân.

Lòng mẹ bao la

Câu chuyện của Hoàng Minh Trí là điển hình cho nhiều câu chuyện trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi được yêu thương, chăm sóc tại các cơ sở BTXH trên địa bàn tỉnh.

Đến Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ trẻ em tỉnh (đường Ngô Quyền, TP. Vũng Tàu), phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu thêm hiểu hơn về tình yêu thương các "mẹ" dành cho trẻ.

Giờ ăn, chị Phạm Thị Chình, nhân viên chăm sóc trẻ của Trung tâm dỗ dành và đút từng muỗng cơm, canh cho các em nhỏ. “Há miệng to má đút nào. Con ngoan quá! Ăn giỏi để mau lớn nha con”, chị Chình dỗ dành. Và cứ thế, bé Thúy Vy, 2 tuổi ngoan ngoãn ăn hết chén cơm một cách ngon lành. Thúy Vy bị mẹ bỏ rơi tại Bệnh viện Vũng Tàu khi vừa lọt lòng vài ngày. Em được đưa vào Trung tâm.

Chị Phạm Thị Chình (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh) chăm sóc bé Thúy Vy.

Chị Chình kể, trước đây, chị mở cơ sở mầm non Thùy Trang ở đường Nơ Trang Long, phường Rạch Dừa. Những lần cùng nhân viên của trường đi thiện nguyện, chị thấy nhiều trẻ bất hạnh, thiếu vắng tình thân. Chị luôn trăn trở muốn làm việc gì đó để giúp các bé. Và 5 năm trước, khi đã có điều kiện kinh tế, chị nhượng lại cơ sở mầm non rồi vào công tác tại trung tâm này.

Ngoài công việc chính, tranh thủ những lúc rảnh, chị còn làm biên đạo múa, dàn dựng chương trình văn nghệ cho các trường học, doanh nghiệp. Như nhiều nhân viên khác, mỗi tháng, chị Chình ở lại Trung tâm xuyên đêm 10 buổi để lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các bé. Hằng đêm, chị thức giấc nhiều lần để thay tã, cho bé uống sữa, dỗ dành các bé ngủ như một người mẹ tảo tần chăm nuôi con ruột của mình.

“Cũng làm mẹ nên nhìn các trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi thiếu thốn tình cảm, tôi rất thương cảm. Vì vậy, tôi luôn cố gắng chăm các cháu bằng tình thương yêu chân thành để mong bù đắp phần nào thiệt thòi cho trẻ”, chị Chình chia sẻ.

Bài, ảnh: THI PHONG

(Còn nữa)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202206/co-tich-yeu-thuong-cua-tre-mo-coi-co-nho-ky-1-giup-tre-co-cuoc-song-tot-dep-hon-954089/