Kỳ 1: Hành trình tri ân - xóa nhòa khoảng cách giữa hai thế hệ

Được thành lập mới 3 năm, nhưng CLB Ngọn lửa tuổi 20 - trực thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội đã có những hành trình tri ân hết sức ý nghĩa. Ở đó, những đoàn viên thanh niên trẻ tuổi của trường đã cùng với các cựu chiến binh của TP Hà Nội tổ chức các hoạt động tri ân người có công.

Họ để kể cho nhau nghe những bài học của lịch sử, họ đã thông qua những nhân chứng sống của thời đại Hồ Chí Minh để hun đúc lên tình yêu với đất nước. Mỗi hành trình, thế hệ trẻ như trưởng thành và vững vàng hơn, còn thế hệ cựu chiến binh như tìm được sự sẻ chia.

Tiến sĩ Trần Bách Hiếu, Phó Trưởng bộ môn Chính trị học, khoa Khoa học Chính trị, Bí thư Đoàn trường trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội chia sẻ: Môn học tôi giảng dạy cũng như nhiều môn học khác ở nhân văn, không phải sinh ra để tạo khó người học mà cái lí tồn tại của các môn học là để hoàn thiện tri thức, thái độ và kỹ năng toàn diện cho sinh viên. Và với vai trò là Bí thư Đoàn trường, tôi nghĩ đến việc kết nối. Tôi biết rằng có những bài giảng trên lớp dù hay đến mấy cũng không thể nào sống động bằng trải nghiệm thực tiễn.

Vì bây giờ sự vận động của xã hội đang rất nhanh chóng với quá nhiều thông tin. Bây giờ thanh niên sinh viên có rất nhiều sự thu hút bởi nhiều tổ chức khác, trò chơi khác, trào lưu khác. Hiện nay, giáo dục phải thông qua chính trải nghiệm, thông qua cảm nhận “từ ánh mắt đến trái tim”. 5 năm qua, Đoàn trường KHXH&NV luôn có hoạt động đưa sinh viên đi tham gia những hành trình tri ân, đến các địa chỉ đỏ, các cung đường huyền thoại cùng các cựu chiến binh của TP Hà Nội.

5 năm qua, Đoàn trường KHXH&NV luôn có hoạt động đưa sinh viên đi tham gia những hành trình tri ân, đến các địa chỉ đỏ, các cung đường huyền thoại cùng các cựu chiến binh của TP Hà Nội. (Ảnh: USSH)

Hàng trăm sinh viên đã tham gia những chuyến hành trình này và quan trọng hơn là thế hệ trẻ được đi với những người là nhân chứng sống của lịch sử. Những câu chuyện của các bác cựu chiến binh đem đến chính là thực tiễn. Và những câu chuyện đó đã truyền cảm xúc, sự rung động đến với thế hệ trẻ. Và đó là sự giáo dục hiệu quả hơn cả.

Khi chúng tôi kết nối hai thế hệ, lúc đầu nghĩ sẽ rất khó khăn. Nhưng qua những chuyến đi trải nghiệm, chúng tôi nhận thấy hai thế hệ ấy như cha với con, đã bù đắp cho nhau. Thế hệ trẻ có thêm bài học sâu sắc – đó chính là sự tác động vào nhận thức, thế hệ cha chú có niềm tin yêu vào những người trẻ. Những chuyến đi này đã giúp cho các sinh viên trưởng thành – hàng nghìn bài giảng trên giảng đường có thể không thực thà, sống động như vậy.

Có những bài giảng hay đến mức nào, cũng chỉ 45 hay 90 phút trên giảng đường, chứ không “đánh” vào được con tim, khối óc của sinh viên như những gì thực tế trải nghiệm. “Sự trưởng thành về nhận thức của các bạn ấy qua những giáo dục thực tiễn này rất đáng quý. Ai cũng sẽ trưởng thành nhưng hãy trưởng thành nhanh hơn có thể để giúp ích của xã hội. Và Đoàn trường ĐHKHXH&NV đã duy trì những hành trình tri ân như thế, bởi chúng tôi ý thức được rằng: Sự kết nối này góp sức trong sự trưởng thành của đoàn viên, sinh viên của trường” – Tiến sĩ Trần Bách Hiếu nói.

Hàng trăm bạn trẻ tham gia những chuyến hành trình này về đã thành lập CLB Ngọn lửa tuổi 20, hàng năm duy trì khoảng 80 thành viên. Những thành viên này đã lan tỏa giá trị nhân văn cho các bạn sinh viên khác, thế hệ sinh viên này đến thế hệ sinh viên khác trong trường.

Với các bác cựu chiến binh, bản thân họ đã là những người của lịch sử, có tâm tốt, có lý tưởng sống đẹp, tư tưởng chính trị vững vàng, đã hi sinh tuổi thanh xuân của mình trong những năm tháng đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Những người trẻ qua những tấm gương đó để noi theo, học tập, lao động, phấn đấu để trở thành những người tử tế.

“Ở CLB, các bạn không chỉ thể hiện tấm lòng nhân ái, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh bằng các chuyến đi thiện nguyện mà còn là nơi để giáo dục truyền thống, trao truyền sự tri ân, đồng cảm của thế hệ đi sau với thế hệ đi trước. Vào các ngày lễ, các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc chúng tôi thường mời các cựu chiến binh về trường nói chuyện truyền thống, chia sẻ các kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời binh nghiệp cho các thế hệ sinh viên của trường. Và chúng tôi coi đây là cách làm vô cùng hiệu quả để giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng sống, trách nhiệm của thế hệ trẻ trước tương lai của dân tộc” – TS Trần Bách Hiếu kể.

Từ năm 2015 đến nay, Đoàn cơ sở trường ĐH KHXH&NV cũng gắn bó với quỹ “Mãi mãi tuổi 20” TP Hà Nội trên các hành trình thiện nguyện. Từ sự kết nối của những người đứng đầu quỹ, 5 năm qua, Tiến sĩ Trần Bách Hiếu tham gia và đảm nhiệm vai trò PGĐ quỹ.

Anh cho biết: “Làm công tác tri ân, san sẻ yêu thương, quỹ "Mãi mãi tuổi 20" cũng là nơi gắn kết giữa truyền thống và hiện tại, nơi để các sinh viên đồng cảm, tự hào về các thế hệ đi trước và chia sẻ với các mảnh đời còn thiếu may mắn trong hiện tại”.

Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và CLB Ngọn lửa tuổi 20 đã khiến các bạn sinh viên trường ĐH KHXH&VN có thêm những “u”, những “thầy”, những “bác”, những “chú” thân thiết như gia đình.

Một sinh viên của trường khi nói về những hành trình kết nối của CLB đã nói: Khi nghe “U” Trần Hồng Dung đọc câu thơ: “Có tuổi 20 thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm” chẳng hiểu sao chúng tôi ai cũng rưng rưng nước mắt. Cảm xúc ấy thật khó diễn tả bằng lời. Chúng tôi hy vọng rằng các cụ, các mẹ, các bác, các cô các chú cùng tham gia những chuyến hành trình với mình luôn gìn giữ nhiệt huyết, tình yêu và sức khỏe để tiếp tục đồng hành cùng tuổi trẻ chúng tôi.

LTS: Hành trình nối nhịp văn hóa tri ân giữa các thế hệ

George Orwell, một nhà văn người Anh từng nói: “Người ở thế hệ này luôn hình dung mình khôn ngoan hơn thế hệ trước và sáng suốt hơn thế hệ sau.” Những người ở hai thế hệ khác nhau luôn có những sự khác biệt nhất định về cách nghĩ và quan niệm. Và sự khác biệt này mang tính thời đại, khó có thể xoay chuyển được. Nhưng có một điều mà thế hệ nào cũng mong muốn đó là sự tự hào, tự tôn dân tộc, các giá trị nhân văn, những giá trị yêu thương, sự tri ân… được nối dài mãi. Trong cuộc sống, có những con người dù ở thế hệ nào cũng đang cố gắng bắc những nhịp cầu yêu thương đó. Để giá trị nhân văn, để những điều đẹp đẽ trong lịch sử, văn hóa dân tộc được nhân mãi lên. Để thế hệ sau học hỏi tự hào về thế hệ đi trước và để thế hệ đi trước tin tưởng, kỳ vọng vào thế hệ sau.

(Còn nữa)

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-1-hanh-trinh-tri-an-xoa-nhoa-khoang-cach-giua-hai-the-he-204078.html