Kỳ 1: Hậu phương – tiền tuyến thắm đượm nghĩa tình

Ai đó đã từng nói, người lính đảo là linh hồn của biển cả, bởi tâm hồn các anh thấm đẫm vị mặn chát của biển, từ làn da rám nắng đến tình yêu đều mang hơi thở của đại dương… Có lẽ sự ví von ấy chẳng hề quá, đặc biệt là với những người lần đầu tiên được cùng đoàn công tác 'chở yêu thương' ra nơi đầu sóng ngọn gió của vùng biển, đảo Tây Nam như chúng tôi – Nơi ấy, những chiến sĩ vẫn ngày đêm canh gác, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc thân yêu.

Con tàu 637 chở đoàn công tác thăm, chúc Tết các cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên vùng đảo Tây Nam Tổ quốc (ảnh Đỗ Đạt)

Con tàu 637 chở đoàn công tác thăm, chúc Tết các cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên vùng đảo Tây Nam Tổ quốc (ảnh Đỗ Đạt)

Những tấm lòng làm nên mùa xuân

Sau bao lần “ngậm ngùi” nhìn các anh chị đồng nghiệp đi công tác tại các vùng biên giới, hải đảo mà cảm thấy “thèm” đến vô tận. Tôi chờ đợi, mong muốn và háo hức được một lần ra đảo để đắm mình trong cái nắng rát, cái gió biển chan chát vị mặn, để cảm nhận rõ hơn sự vất vả, khó khăn của các chiến sĩ hải quân nơi biển đảo xa xôi và để thấy yêu quê hương đất nước mình nhiều hơn.

Ấy thế, cũng phải đến lần thứ hai tôi mới được thỏa niềm mong ước được tham gia chuyến công tác tại Vùng 5 hải quân – Hải đảo Tây Nam Tổ quốc. Ngày lên đường, cảm giác lo lắng, hồi hộp cứ sóng sánh trong tôi. Lo nhất là việc gặp lại cái “rớp” của lần trước, vì lý do sức khỏe tôi đã một lần “lỡ nhịp”; tiếp đến là chuyện say sóng, bởi theo các anh chị đồng nghiệp đi trước chia sẻ, nếu bị say sóng sẽ dẫn đến không thể tác nghiệp được, đặc biệt vùng biển Tây Nam vừa phải hứng chịu cơn bão số 1 đi qua vì thế, biển động mạnh hơn những ngày thường. Do đó, nếu không chuẩn bị tâm lý trước, đặc biệt là “thủ” thuốc chống say sóng, thì khi bị sóng biển “quật ngã” sẽ là điều đáng tiếc với bất kỳ ai trong cuộc hành trình đầy ý nghĩa này.

Như hiểu được sự lo lắng của chúng tôi, ngày tập trung, các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 5 đã động viên tinh thần chúng tôi rất nhiều, đặc biệt là những khó khăn mà đoàn công tác sẽ phải đối diện trong chuyến đi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất cho chuyến công tác và tránh được sóng lớn, lịch trình chuyến đi của đoàn được thay đổi lại so với kế hoạch ban đầu và tàu sẽ đi xuôi theo chiều sóng… Theo lịch trình, sau khi thăm, chúc Tết các đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân tại đảo Phú Quốc, đoàn sẽ lên tàu rời cảng và bắt đầu chuyến hành trình qua các đảo: Hòn Đốc, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai và kết thúc tại đảo Thổ Chu.

Tình cảm của đất liền luôn là động lực lớn giúp cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng, vững tấm lòng bảo vệ biên giới hải đảo Tổ quốc (ảnh Đỗ Đạt)

Đoàn chúng tôi hơn 140 người, gồm các đồng chí là lãnh đạo, đại diện các ban ngành, đoàn thể của 9 tỉnh, thành Nam Bộ và 51 phóng viên báo đài Trung ương, địa phương. Đa phần phóng viên trong chuyến đi này đều là những người trẻ với tâm hồn tươi mới. Tuy nhiên, trong đoàn cũng có một vài anh chị phóng viên lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm công tác biển đảo như: Anh Mai Thanh Hải (báo Thanh Niên), anh Lê Sự (Truyền hình Quốc Phòng), anh Đặng Văn Dung (TBT Tạp chí Nâm Nung – Đăk Nông)… tất cả chúng tôi không kể già trẻ, bằng tất cả nhiệt huyết, đam mê và tình yêu Tổ quốc háo hức lên đường, hướng về nơi hải đảo Tây Nam đầy nắng, gió. Ở đó, khó khăn và khắc nghiệt có, nhưng tình yêu đất nước, nhân dân, cùng ý chí kiên cường của người lính biển lúc nào cũng căng tràn.

"Chở yêu thương" ra đảo

Với tình cảm của đất liền dành cho các cán bộ, chiến sĩ và quân dân đang đóng quân và sinh sống trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc, trước ngày lên đường, đồng chí Ngô Văn Thuân - Chuẩn Đô đốc, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết, những năm qua, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của các cấp ủy, các cơ quan ban ngành các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, là sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương. Bằng những tình cảm tốt đẹp và sâu nặng, các đồng chí đã mang hơi ấm của đất liền, của hậu phương đến với quân dân vùng biển đảo Tây Nam.

Bình minh trên đảo Tây Nam đẹp quyến rũ (Đỗ Đạt)

“Đây là sự cổ vũ, động viên rất lớn, tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để vượt qua những khó khăn, yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Ngô Văn Thuân nhấn mạnh.

Theo lịch trình, sau khi thăm, chúc Tết các đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân tại đảo Phú Quốc, đoàn công tác sẽ lên tàu rời cảng và bắt đầu chuyến hành trình thăm, chúc Tết tại các đảo Tây Nam. Đúng 19h tối ngày 6/1, con tàu hải quân mang số hiệu 637 “người bạn đồng hành” của chúng tôi kéo lê hồi còi dài như chào tạm biệt đất liền, rồi lầm lì rẽ sóng ra khơi mang theo hương xuân, không khí Tết, cùng tâm trạng háo hức lần đầu vượt sóng của tôi và nhiều phóng viên khác, “chở yêu thương” đến với quân dân trên đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Mặc dù điều kiện sinh hoạt trên tàu không được tiện nghi lắm, nhưng với sự chăm sóc chu đáo của thủy thủ đoàn, cùng sự xúc động, háo hức xen lẫn tự hào, khiến không ai trong đoàn công tác cảm thấy phiền lòng. Con tàu Hải quân 637 cứ thế vững chãi lướt sóng tiến ra biển. Đêm đầu tiên của “những người đầu tiên” lênh đênh trên biển, tôi cũng như rất nhiều người khác không ngủ được. Đứng trên boong tàu, giữa không gian bao la của biển trời, khẽ nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, một cảm giác nhẹ tênh chạy sẹt qua đầu như thể xua tan mọi lo toan, bộn bề của cuộc sống. Đâu đó, chỉ còn lại một tâm hồn thoáng đãng, nhẹ nhàng cùng cảm giác chông chênh, dập dềnh của sóng nước, của gió biển, của tình quân dân. Trong tiếng gió rít, tiếng gầm gào của sóng, của lấp lánh ánh trăng bàng bạc hắt lên đầu các con sóng nhấp nhô… vùng biển Tây Nam về đêm hiện lên đẹp một cách lạ kỳ.

Một góc đảo Hòn Đốc (ảnh Đỗ Đạt)

(Còn nữa...)

Vùng biển Tây Nam do Vùng 5 quản lý được tính từ cửa sông Gềnh Hào (Bạc Liêu) đến thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), có chiều dài hơn 450 km, diện tích khoảng 150.000 km2; ranh giới biển tiếp giáp với các nước: Campuchia - Thái Lan - Malaixia – Inđônêxia; có trên 130 đảo lớn nhỏ thuộc 5 quần đảo: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu cùng một số đảo độc lập; trong đó, đảo Phú Quốc có diện tích khoảng 567 km2; là đảo lớn nhất Việt Nam. Vùng biển Tây Nam có vị trí địa kinh tế, địa chính trị rất thuận lợi cho dân cư sinh sống, xây dựng các cơ sở dịch vụ nghề cá; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-hau-phuong-tien-tuyen-tham-duom-nghia-tinh-87204.html