Kỳ 1: Khi bút sa… thấp thỏm trăm nghìn nỗi lo

Đặt bút ký bảo hiểm nhân thọ với niềm tin sẽ là 'điểm tựa vững chắc' cho tương lai về kinh tế và sức khỏe. Thế nhưng sau lùm xùm của diễn viên Ngọc Lan 'tố' một Cty bảo hiểm nhân thọ về các điều khoản ràng buộc cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm khiến nhiều người 'tá hỏa' khi xem lại bản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký. Và một nửa sự thật đã được hé lộ…

Cảnh giác “bẫy ngầm” từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ:

Nhiều khách hàng “tiền mất tật mang” vì không đọc kỹ điều khoản trong hợp đồng khi mua bảo hiểm nhân thọ. Ảnh M.Miên

Nhiều khách hàng “tiền mất tật mang” vì không đọc kỹ điều khoản trong hợp đồng khi mua bảo hiểm nhân thọ. Ảnh M.Miên

“Hoa mắt” với hàng chục điều khoản hợp đồng

Năm 2020, chị N.T.G (SN 1989) có tham gia mua 2 gói bảo hiểm nhân thọ với tên sản phẩm “Gia đình tôi yêu” có phí đóng 15 triệu đồng/năm với thời gian đóng phí 15 năm và gói bảo hiểm có tên “Hành trình hạnh phúc – Ưu tiên tiết kiệm” có phí đóng 10 triệu đồng/năm, đóng phí trong vòng 15 năm. Ban đầu, chị N.T.G đều yên tâm về gói bảo hiểm đã mua vì lời tư vấn của người đại lý bảo hiểm đây là sản phẩm để phòng ngừa rủi ro về sức khỏe và có số tiền tiết kiệm cho tương lai. Vì tin tưởng người tư vấn viên là chị dâu trong nhà nên chị G đã không ngần ngại đặt bút ký và không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng.

Chỉ đến khi sự việc ồn ào của diễn viên Ngọc Lan gây “bão” cộng đồng có liên quan đến Cty bảo hiểm chị G đã mua hồi tháng 4 vừa qua, chị G mới lật giở lại hai bản hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. “Mở bản hợp đồng dài hàng chục trang giấy, nhiều thuật ngữ về điều khoản phức tạp, khó hiểu khiến tôi hoa mắt. Trong hợp đồng, có ghi rõ sản phẩm bảo hiểm, năm đóng phí và năm tất toán, cụ thể là ngày đáo hạn hợp đồng đến năm 2089, tức là thời gian tôi đóng bảo hiểm là 69 năm, không phải là 15 năm như lời người Đại lý bảo hiểm đã tư vấn trước đó”, chị G bức xúc.

Theo chị G, trước khi đặt bút ký thì người đại lý bảo hiểm nói rằng có thời gian đóng phí 15 năm và tổng phí đóng chính là tổng phí bảo hiểm nhân thọ mình sẽ nhận lại khi hợp đồng hết hạn. Tuy nhiên, trong hợp đồng có ghi rõ thời gian đóng 15 năm là dự kiến và thực tế phí của gói bảo hiểm nhân thọ là 10 triệu đồng/năm. Còn 5 triệu đồng là gói sản phẩm bổ trợ cho các bệnh lý cơ bản và y tế được tính theo từng năm và gói này sẽ không hoàn lại khi tất toán hợp đồng.

Thêm nữa, khoản phí rút giá trị tài khoản hợp đồng được Cty bảo hiểm khấu trừ vào số tiền yêu cầu rút với mức phí 20% cho thời hạn 2-3 năm, 18% cho thời hạn 4-5 năm, 10% cho thời hạn 6 năm,… Bên cạnh đó, khách hàng phải đóng thêm phí quản lý hợp đồng, phí bảo hiểm rủi ro, phí bảo hiểm rủi ro tăng cường, phí quản lý quỹ, phí chấm dứt hợp đồng.

Khi khách hàng chấm dứt hợp đồng trước thời hạn từ 1-3 năm đồng nghĩa với việc “mất trắng” số tiền đã đóng bảo hiểm.

Bày tỏ thắc mắc, chị G được người đại lý bảo hiểm trả lời gói bảo hiểm “Gia đình tôi yêu” có phí đóng chung 15 triệu đồng/năm, song hai phí bảo hiểm nhân thọ và phí bảo hiểm sản phẩm bổ trợ là hai gói bảo hiểm hoàn toàn khác nhau, được gộp chung. Theo đó, gói sản phẩm bổ trợ sẽ không được hoàn lại bởi vì đây là gói mua theo năm, bảo vệ theo năm. Tương tự như bảo hiểm ô tô, xe máy, hết hạn là hết hiệu lực.

Với sản phẩm bổ trợ 5 triệu/năm, đồng nghĩa với việc chị G đã “tiêu dùng” 15 triệu cho 3 năm đóng phí sản phẩm bổ trợ mà không hiểu rõ quyền lợi của mình cũng như thời hạn và giá trị hoàn lại của sản phẩm bảo trợ. Vì đã có bảo hiểm y tế, lại thêm kinh tế không dồi dào nên số tiền 5 triệu đồng là không hề nhỏ.

Trường hợp chị G không phải ngoại lệ vì sự thiếu hiểu biết và đặt niềm tin tuyệt đối vào người đại lý bảo hiểm khiến nhiều khách hàng rơi vào tình cảnh “bút sa gà chết”.

Khách hàng bị “ép” mua bảo hiểm nhân thọ “tự nguyện”

Khác với trường hợp của chị G, anh T.X.L lại gặp rắc rối khi bị “ép” mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn ngân hàng. Do điều kiện kinh tế eo hẹp, mong muốn mua xe ô tô để thuận tiện cho công việc nên anh L tìm đến ngân hàng để vay vốn. Sau khi hoàn thiện hồ sơ mua xe từ phía ngân hàng, anh được Trưởng phòng kinh doanh ngân hàng giới thiệu một đại lý bảo hiểm đã được “xếp ghế” trước đó. Người đại lý bảo hiểm này tư vấn anh mua gói bảo hiểm phòng ngừa rủi ro sức khỏe.

Mặc dù không có nhu cầu tham gia bảo hiểm nhân thọ nhưng Trưởng phòng kinh doanh và người đại lý bảo hiểm đều nhất quán cho rằng, nếu anh L không mua bảo hiểm nhân thọ thì hồ sơ vay vốn sẽ khó được duyệt. Vì nhu cầu cần xe ô tô cho công việc nên anh T.X.L đành “tự nguyện” tham gia gói bảo hiểm cơ bản với số tiền 15 triệu đồng/năm. Chưa dừng lại, phía ngân hàng còn sử dụng chiêu thức siết khách hàng mua thêm nhiều bảo hiểm khác như bảo hiểm vật chất xe (thân vỏ).

Đến nay, anh L cũng dừng việc đóng bảo hiểm nhân thọ hằng năm, đồng nghĩa với việc anh “mất trắng” 15 triệu đồng cho “điều kiện đủ” để vay vốn mua xe, trong khi phí lãi hàng tháng cho khoản vay của anh L vẫn phải đóng đầy đủ cho ngân hàng.

Đối với mỗi người dân, việc vay vốn ngân hàng là lựa chọn ưu tiên khi chưa có điều kiện tốt về kinh tế. Thế nhưng, người mua ô tô trả góp hiện đang phải chịu cái “vòng kim cô” siết chặt với lãi suất cao cùng việc bắt buộc mua bảo hiểm nhân thọ “tự nguyện”. Việc tham gia bảo hiểm nhân thọ là tự nguyện trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Tuy nhiên, việc ngân hàng áp dụng “quy tắc ngầm” về việc bắt buộc hay ép buộc khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức đang trở thành vấn nạn cần được các cơ quan quản lý siết chặt công tác quản lý và chẩn chỉnh hoạt động này.

Theo thống kê Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 730.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ chính thức (gồm cả tổ chức và cá nhân). Thời gian qua, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận phản ánh về chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ khách hàng của các DN bảo hiểm nhân thọ, hạn chế của kênh phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng. Qua công tác thanh, kiểm tra năm 2022, khoảng 3.000 trường hợp đại lý bị phát hiện vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Các lỗi phổ biến như tư vấn chưa đầy đủ cho khách hàng, tuyên truyền, quảng cáo sai về DN bảo hiểm nhân thọ…

Sau hơn 1 tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng (tính đến cuối tháng 3/2023), Bộ đã tiếp nhận 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân phản ánh tình trạng khách hàng bị nhân viên ngân hàng “ép” mua bảo hiểm nhân thọ khi đến vay tiền.

(Còn nữa)

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-khi-but-sa-thap-thom-tram-nghin-noi-lo-334700.html