Kỳ 1: Khi cơm áo không đùa với 'khách thơ'

Một diễn viên sân khấu Tuồng đã phải thốt lên đầy chua xót: 'Gần 10 năm nay anh chưa từng biết đến thẻ lương là gì. Cũng bởi sau gần 20 năm gắn bó với sân khấu tuồng, mỗi đêm diễn, nghệ sĩ khóc, cười, nhảy múa nhưng cát – sê chỉ chưa đến 200 nghìn đồng. Ngoài 2 suất diễn ở Nhà hát Tuồng và mức lương cơ bản, diễn viên đều không có khoản thu nhập nào khác'.

Câu chuyện về nghề diễn ráo mồ hôi là hết tiền dường như vẫn là nỗi ám ảnh nhiều năm nay của anh em nghệ sĩ đang gắn bó với nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng. Và để giữ lửa nghề, họ phải bươn chải xoay đủ công việc mưu sinh.

Từng gặp gỡ với nhiều nghệ sĩ đang gắn bó với nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu tuồng thì trong mỗi câu chuyện, có lẽ điều khiến người viết khắc khoải nhất đó chính là cuộc sống mưu sinh đời thường của họ. Nếu trên sân khấu họ khoác lên những vai diễn thời thượng, vai đức vua uy nghi, công chúa yêu kiều, nữ tướng oai hùng… thì ở vai diễn ngoài đời là sự hối hả hòa mình vào dòng đời mưu sinh, hối hả với miếng cơm, manh áo bằng nghề tay trái.

Danh Thái hóa trang vai Cành cây trong vở Tuồng “Dưới bóng đa huyền thoại”. Ảnh NVCC

Danh Thái hóa trang vai Cành cây trong vở Tuồng “Dưới bóng đa huyền thoại”. Ảnh NVCC

Gương mặt bảnh bao và lối nói chuyện có duyên, Trần Văn Long – tài năng trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam nổi danh không chỉ các vai diễn trên sân khấu như Kim Lân trong vở tuồng kinh điển Sơn Hậu mà còn được biết đến khi đảm nhận công việc “nghề tay trái” làm MC đám cưới. Trong câu chuyện của mình, Trần Long tâm sự: 17 năm công tác, Nhà hát Tuồng Việt Nam, vừa làm diễn viên, vừa là bí thư chi đoàn khối Nhà hát nhưng mức lương của anh vẫn chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống đời thường. Vợ anh – chị Đỗ Thu Quyên (quê ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cũng là một tài năng trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Giờ đây, cộng dồn số lương của hai vợ chồng chỉ đủ sinh hoạt hàng ngày, anh và chị vẫn ở tạm bợ căn nhà tập thể tại Nhà hát. Trong khi đó, cảnh đìu hiu trên sân khấu đôi khi những người nghệ sĩ không tránh khỏi chạnh lòng nghĩ ngợi và lo toan cho tương lai với nghề. Cái khó bó cái khôn, cứ phải xoay xở đủ thứ để có tiền nuôi con. Hai vợ chồng cùng nhà hát, có những thời điểm cùng đi diễn, cùng đi tập phải để hai đứa con gái (cháu lớn 14 tuổi, bé gần 9 tuổi) ở nhà tự trông nhau.

Đối diện với cuộc sống thường nhật khó khăn, anh Long nhận công việc làm thêm MC đám cưới được vài năm nay. “Nhờ vài mối quan hệ quen, có người biết đến mình họ mời mọc, ban đầu tôi ái ngại, nhưng công việc để lo cho gia đình phải vượt qua được nỗi hổ thẹn, với lại tôi cũng chỉ làm ngoài giờ, ưu tiên hàng đầu vẫn là công việc tại Nhà hát”, anh Long chia sẻ.

Bên cạnh công việc làm MC đám cưới, anh Long còn nhận đi đóng quảng cáo, dẫn chương trình tại hội nghị, cùng bạn bè lập ra đội lân vừa biểu diễn trong các chương trình, sự kiện, vừa đào tạo cho các lò võ… Tuy nhiên, nghệ sĩ đa năng như anh Long không nhiều. Đồng nghiệp của anh có người đi biểu diễn nhạc trữ tình, hát văn, hát quan họ, thậm chí mở cửa hàng bia, buôn bán mỹ phẩm online, làm xe ôm,…

Cũng giống như hoàn cảnh của nghệ sĩ Trần Long, nghệ sĩ Danh Thái diễn viên quen mặt với khán giả truyền hình qua những vai giang hồ “cộm cán” trải lòng: Mặc dù đã có gần 30 năm gắn bó nghệ thuật tuồng nhưng Danh Thái vẫn chỉ là diễn viên phụ. Thời điểm đầu vào Nhà hát, Danh Thái từng phải làm công việc hậu đài, chuẩn bị sân khấu, kéo phông cảnh.

Đến nay, do lực lượng trẻ kế cận chưa đủ sức nên Danh Thái ngoài công việc chính là diễn viên, anh vẫn đảm nhận vai trò múa lân. Vài năm trước, nghề múa lân cũng có thu nhập khá ổn khi thường xuyên được mời diễn khai trương, sự kiện, nhưng bây giờ nhiều đoàn biểu diễn múa lân mở ra nên các anh chủ yếu diễn tại Nhà hát.

Danh Thái cho biết, mức lương tại Nhà hát không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Anh may mắn là nhận được nhiều lời mời đóng phim nên có chút thu nhập. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau những vai diễn truyền hình nổi danh ấy là những giọt nước mắt đau đớn vì chấn thương.

Nhiều năm lăn lộn với nghệ thuật, được khán giả nhớ mặt và chú ý, nhưng cuộc sống gia đình Danh Thái vẫn khá chật vật. Gia đình anh sống trong căn nhà tập thể của Nhà hát được mua theo phương thức trả góp. Ngoài công việc đóng phim, Danh Thái cũng thử sức kinh doanh. Từng gặp thất bại khi kinh doanh quán karaoke trước đó, nhưng với máu kinh doanh, Danh Thái tiếp tục cổ phần với bạn bè mở nhà hàng ăn uống. Công việc nghề diễn bận rộn nên việc kinh doanh chủ yếu do bạn bè quản lý.

Lộc Huyền cũng là ngôi sao trẻ của Nhà hát Tuồng, vinh dự giành giải thưởng Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc năm 2003, đến nay Lộc Huyền giành nhiều giải thưởng, huy chương trong các kỳ liên hoan. Tài năng trẻ sinh ra vùng xứ Đoài tâm sự rằng, với mức thu nhập bấp bênh, đôi khi cô cũng phải đi biểu diễn nhạc trữ tình, hát văn, hát quan họ để kiếm thêm thu nhập. Ông xã Lộc Huyền là nghệ sĩ Mạnh Linh cùng công tác trong Nhà hát và cùng nổi tiếng qua trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”. Hai nghệ sĩ vẫn đang ở căn nhà khu tập thể Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được như Trần Long, Danh Thái hay Lộc Huyền, những diễn viên trẻ mới vào nghề chưa có tên tuổi ở các nhà hát truyền thống đều phải chấp nhận đồng lương đạm bạc của Nhà nước từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Một trăn trở nữa của các nghệ sĩ Tuồng hiện nay, theo quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại Quyết định 14/2015/QĐ-TTg thì mức phụ cấp được thay đổi, tăng phụ cấp tập luyện, biểu diễn. Cụ thể, các diễn viên chính được 200 nghìn đồng/buổi diễn, vai chính thứ được 160.000 đồng/ buổi diễn và vai phụ là 120.000 đồng/buổi diễn. Đối với chế độ tập luyện là 80.000 đồng/buổi tập cho vai chính, 60 nghìn đồng/buổi tập cho vai chính thứ và 50 nghìn đồng/buổi tập cho vai phụ. Với mức thay đổi trên, những tưởng là tín hiệu khởi sắc cho đời sống anh em nghệ sĩ, thực tế, việc thực hiện như thế nào và lấy kinh phí nguồn nào tại các Nhà hát thì lại chưa quy định rõ ràng.

“Bởi tăng phụ cấp nhưng xét về tiêu chí thì khiến nhiều nghệ sĩ thấp thỏm lo âu. Vì mức phụ cấp này chỉ áp dụng khi các diễn viên tập diễn vở diễn mới, riêng các vở diễn cũ thì không có tiền tập luyện. Trong khi đó, một năm Nhà hát Tuồng dàn dựng khoảng 2-3 vở diễn mới. Nếu làm phép tính đơn giản, thì nhiều diễn viên mong mỏi về mức phí cũ là 15 – 20 nghìn đồng/buổi tập thì thu nhập của mọi người cũng có một khoản nho nhỏ. Gần 3 năm nay, với Quyết định ban hành của Chính phủ, Nhà hát Tuồng luôn là một trong những đơn vị thực hiện đúng quy định. Nhưng, với những tiêu chí khắt khe thì đời sống nghệ sĩ không bằng ngày xưa”, một diễn viên bày tỏ.

Thế nhưng khi được hỏi có bỏ nghề thì các diễn viên đều có chung câu trả lời: Nghề như là nghiệp đã ngấm vào máu nên dù có nghèo cũng không chuyển nghề. Dù phải xoay xở nhiều công việc “nghề tay trái” để “lấy ngắn nuôi dài”, nhưng họ vẫn giữ trọn tình yêu với môn nghệ thuật truyền thống và để giữ nghề cho thế hệ trẻ.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ky-1-khi-com-ao-khong-dua-voi-khach-tho-111810.html