Kỳ 1: Khi nhà thơ nhiều, in thơ quá dễ

Khát vọng trở thành 'Nhà thơ' là một trong những nhu cầu có thực và khá lớn hiện nay. Hiện tại, bất cứ ai cũng có thể in ra thơ với nhiều mục đích: Để chơi, giao lưu, đánh bóng tên tuổi, kinh doanh, quảng cáo... Vì vậy, để thơ ca về đúng nghĩa nghệ thuật và mỹ học, đã đến lúc cần phải siết chặt công tác xuất bản.

Chưa bao giờ tình trạng người làm thơ, nhà nhà in thơ lại trở nên nhiễu loạn như hiện nay. Có một đánh giá nôm na rằng, nhiều sản phẩm thơ ở ta thời gian gần đây là “thứ nộm nhạt phèo”, được đưa lên mạng xã hội để tâng bốc nhau, tạo nên những “ảo tưởng” không đáng có của người sáng tác. Mạng xã hội đã “đóng góp” một phần không nhỏ trong môi trường thơ ca hỗn độn hiện nay.

Những tên tuổi nhà thơ như trên mãi trường tồn trong nền văn học Việt Nam. (Ảnh minh họa: BT)

Những tên tuổi nhà thơ như trên mãi trường tồn trong nền văn học Việt Nam. (Ảnh minh họa: BT)

Làm thơ để được “tung hô”

Lẽ ra thơ phải được đứng ở hàng đầu trong thang bậc các thể loại hình sáng tạo nghệ thuật bởi sự đẹp đẽ về ngôn từ, cách biểu đạt cảm xúc, khả năng gắn kết cuộc sống, xã hội, thiên nhiên... giữa cái hay, cái đẹp và cả những điều xấu mà ở đó, ngay cả những vật vô tri vô giác cũng được nhà thơ làm sống động và có hồn.

Xưa kia, rất hiếm khi một người được tiếp cận với một bài thơ bởi ngoài sách giáo khoa, thơ chỉ được in trên một số tạp chí văn nghệ mà không phải ai cũng mua được. Người ta truyền tay nhau đọc một bài thơ, chép lại trên một cuốn sổ tay, lưu bút hoặc học thuộc lòng rồi đọc cho nhau nghe. Những đôi lứa yêu nhau có thể dùng ý thơ của những tác giả nổi tiếng để bày tỏ tình cảm. Đã có một thời, bài thơ chép tay tặng nhau của nhiều đôi lứa đã trở thành kỷ niệm thiêng liêng để mà người ta trân trọng, gìn giữ, chờ đợi… Thơ tác động đến cảm xúc của con người một cách tích cực, bởi thế mà có một thời, người ta trân trọng thơ hơn cả văn chương.

Ngày nay lại khác, dường như ai cũng có thể làm thơ. Chỉ cần lướt qua facebook hàng ngày cũng có thể thấy nổi lên từ một đến vài bài thơ. Ai để ý sẽ thấy bên dưới mỗi bài thơ là những “like”, “còm” rất rộn rã, với đủ các lời tâng bốc, nịnh bợ nhau về độ hay, độ sắc, độ thâm thúy của tác giả. Một số tác giả khi đăng thơ còn ngồi “đếm like” với sự háo hức, tự hào chưa từng có. Họ cho rằng tác phẩm của họ xứng đáng được “mưa lời khen”. Những giá trị ảo này khiến họ vui sướng đến nỗi quên mất rằng, những người chê sẽ không bình luận gì, những người khen thật lòng thì rất ít, những người khen “dạo”, khen để đỡ mất lòng hay chỉ với mục đích tương tác thì nhiều vô kể.

Chính những giá trị ảo này khiến cho người sáng tác bị ảo tưởng về khả năng thơ phú của bản thân, ngày càng gắng sức, nhiệt tình cho ra những tác phẩm mà tự bản thân họ gọi là “thơ”, nhưng đối với đa số thì chỉ là “vè, văn vần” hoặc một thứ văn xuôi lỉnh kỉnh với những ngôn từ “càng khó hiểu càng cao siêu”.

Nếu xưa kia, mỗi bài thơ được các nhà thơ viết lên với tất cả sự nhẹ nhàng, thanh tao, dễ hiểu, dễ thấm mà chỉ chủ yếu sáng tác về tình yêu, cảnh đẹp, tâm hồn con người, ý chí, tư tưởng đạo đức… thì ngày nay, cộng đồng “thơ mạng” có thể sáng tác về bất cứ thứ gì xảy ra trong xã hội. Cháy nhà cũng có thơ, động đất cũng làm thơ, dịch bệnh cũng làm thơ, thậm chí nhiều người còn làm thơ thương xót ca ngợi những kẻ tội phạm, chống phá đất nước hoặc dùng thơ để định hướng người đọc bằng tư tưởng cá nhân tiêu cực.

Mới đây thôi, biên tập viên mục sáng tác của báo Lao động Thủ đô nhận được tác phẩm thơ của một tác giả. Trong thơ, tác giả này mang chủ ý cá nhân bình luận việc mưa đá vào đầu xuân Canh Tý vừa qua là một “điềm báo gở” cho một năm đầy tai ương, dịch bệnh. Khi biên tập viên liên hệ báo với tác giả bài thơ không thể đăng báo vì không phù hợp thì tác giả này nằng nặc cho rằng thơ của mình rất hay, rất có ý nghĩa, phản ánh đúng thực trạng xã hội… với lý do bài thơ này đã được chính tác giả đăng lên mạng và được nhiều người khen hay. Tác giả này còn đưa ra một cái “giá” để được đăng thơ trên báo nhưng bị từ chối.

Chỉ một câu chuyện nhỏ như vậy thôi cũng có thể nhận thấy rằng, mạng xã hội đã khiến nhiều người ảo tưởng về khả năng của bản thân, cho rằng cứ sáng tác ra vài bài văn vần hay cứ tự in ra một cuốn thơ là trở thành nhà thơ.

“Khí quyển thi ca” bị ô nhiễm?

Có thể nói, chỉ khoảng trên dưới 10% những tác giả, tác phẩm có thể xứng đáng được gọi là thi sĩ, thi phẩm. Nhưng, ngay tại đó, không chỉ có hoài nghi, mà chính những tác phẩm đã được khẳng định là những thi phẩm thực sự, tác giả của nó là những thi sĩ đích thực, nhưng để trở thành nhà thơ lớn, trở thành dấu mốc không thể không nhắc đến trong lịch sử thơ ca dân tộc vẫn còn là một ẩn số.

Nhà thơ là một danh hiệu cao quý cho người làm thơ, khi mà thơ ca của người đó phục vụ cho chân, thiện, mỹ, cho ánh sáng xua tan bóng tối, cho lương tâm, trí tuệ và tiến bộ cũng như hạnh phúc của con người. Tác phẩm và tên tuổi của họ được nhiều người đọc đánh giá tốt phản hồi qua truyền miệng, bút tích, thư từ hoặc báo chí. Ngoài ra còn được lưu trữ trong thư viện, hoặc được trích dẫn lại trong sách giáo khoa, trong nhạc, trong thơ và tác phẩm của người khác về mặt tích cực như trên. Đó là một tiêu chuẩn danh xưng nhà thơ cho một người làm thơ.

Đã có một thời, những cái tên mà ai cũng nhớ như Bùi Giáng, Chế Lan Viên, Hàn Mặc tử, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thi…. đã đi vào lịch sử thơ ca của đất nước. Hơn hai mươi năm trở lại đây, những cái tên được công chúng nhớ đến dường như không còn tồn tại.

Nhà thơ Thai Sắc (Hội Nhà văn Việt Nam) đã từng có bình luận rất gay gắt nhưng vô cùng thực tế tại một cuộc Hội thảo văn học nghệ thuật: “Cần phải nói ngay mà không sợ bị chẹn họng rằng, chưa bao giờ tình trạng người người làm thơ, nhà nhà in thơ lại trở nên nhiễu loạn và lạc phương hướng như hiện nay. Bên cạnh rất ít tập thơ hay, có giá trị, được xuất bản một cách đàng hoàng (do nhà xuất bản chuyên ngành chọn in, được biên tập kỹ lưỡng) thì hàng trăm, hàng ngàn tập thơ ào ạt ra đời mỗi năm theo lối “liên kết xuất bản” (tác giả tự bỏ tiền mua giấy phép, tự in ấn và phát hành) trong đó có quá nhiều cuốn dở, tệ, phi thơ, khiến “khí quyển thi ca” nhiều phần bị ô nhiễm. Đó là chưa kể đến không khí xã hội hóa thơ trên mạng xã hội, khi mà bất cứ ai cũng có thể tung ra cái gọi là thơ của mình lên đó theo kiểu trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, không qua bất cứ một khâu kiểm định nào. Bên cạnh đó, sự tự do, thoải mái thành lập các hội, nhóm, câu lạc bộ… thơ đủ dạng, đủ kiểu, bất chấp tất cả lề lối, quy định mang tính pháp luật, khiến mặt bằng và chất lượng thi ca ngày một nhôm nhoem, hổ lốn”.

Bảo Thoa

Kỳ 2: Định hướng, chấn chỉnh hay “bó tay ngồi nhìn”?

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-khi-nha-tho-nhieu-in-tho-qua-de-103534.html