Kỳ 1: Lãng phí từ những công trình 'ngủ quên'

Những năm qua, trên địa bàn TP Hà Nội, hàng loạt công trình dân sinh đã được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết của nguời dân. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình phát huy được hiệu quả, vẫn còn nhiều hạng mục được quy hoạch, đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng nhưng rồi vẫn bị bỏ hoang hoặc hiệu quả mang lại hạn chế. Thực trạng này đòi hỏi các cấp chính quyền cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập và sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều công trình phục vụ dân sinh nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ và Phúc Thọ đang “đắp chiếu” nằm hoang hóa hoặc hoạt động ì ạch, cầm chừng. Trong khi người dân bức xúc, “sốt ruột” vì sự xuống cấp của những dự án này thì chính quyền địa phương vẫn loay hoay, chưa có giải pháp tháo gỡ.

Lãng phí vì đâu?

Trạm cấp nước sạch thôn Bảo Lộc (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) được đầu tư theo Quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 2/12/2009 của UBND huyện Phúc Thọ với tổng vốn gần 9 tỷ đồng nhằm cung cấp nước sạch cho hơn một nghìn hộ dân trong thôn.Tháng 8/2011, công trình hoàn thành và giao cho HTX Nông nghiệp Võng Xuyên quản lý, vận hành, khai thác.

Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng được khoảng 6 tháng thì công trình gần như “bỏ hoang”. Một số thiết bị máy móc hoen gỉ, đường ống dẫn nước bị bục vỡ, nhiều đồng hồ đo lưu lượng nước của các hộ dân cũng bị hư hỏng, khó có thể khôi phục.

Trước thực trạng này, ngày 16/1/2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ nước sạch Tuấn Minh tiếp nhận, đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng hệ thống mạng đường ống và quản lý khai thác hệ thống cấp nước sạch xã Võng Xuyên.

Trạm y tế cơ sở 1 tại thôn Võng Ngoại (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: P. Thảo

Điều đáng nói, khi công trình bị bỏ hoang, người dân không có nước để sử dụng đã đành. Hiện nay, mặc dù đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoạt động trở lại thì người dân lại thờ ơ, công trình đã hoạt động trở lại nhưng vẫn trong tình trạng “chờ” người sử dụng, quy mô chưa đạt theo công suất thiết kế ban đầu.

Theo ông Nguyễn Văn Việt (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ nước sạch Tuấn Minh); ngay sau khi tiếp nhận trạm cấp nước sạch xã Võng Xuyên, công ty đã đầu tư gần 2 tỷ đồng thay 2.400m đường ống từ đường ống chính vào nhà các hộ dân; lắp đặt lại hơn 700 đồng hồ đo nước, 1 tủ biến tần để bảo đảm áp suất nước ổn định; chất lượng nước cũng đã được kiểm duyệt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

“Về lâu dài, trạm sẽ được mở rộng, cung cấp cho toàn bộ nhân dân trong xã (4.670 hộ)... Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới có khoảng 35% trong tổng số 1.200 hộ dân thôn Bảo Lộc sử dụng nước của trạm” – ông Việt cho hay

Cũng tại xã Võng Xuyên, gần 6 năm nay, trạm y tế cơ sở 1 tại thôn Võng Ngoại (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) bị bỏ hoang trong khi người dân đang mong mỏi sớm khôi phục lại hoạt động của cơ sở này để có nơi khám chữa bệnh thuận tiện nhất.

Được biết, tại xã Võng Xuyên hiện có hai trạm y tế được đầu tư khang trang, đầy đủ các hạng mục phục vụ khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện chỉ có trạm y tế cơ sở 2 tại thôn Bảo Lộc đang hoạt động, trong khi trạm còn lại đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Trạm gồm 2 dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp và 1 tòa nhà chính 2 tầng với 12 phòng chức năng được xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2007 và đến năm 2012 thì ngừng hoạt động. Do lâu ngày không được sử dụng, đến nay một số hạng mục đã xuống cấp; chân tường bong tróc; toàn bộ cơ sở vật chất bị bỏ hoang, ngổn ngang, bụi bẩn. Xung quanh các dãy nhà, cỏ dại mọc um tùm…

Người dân vẫn mòn mỏi chờ

Dưới chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến hai trạm cung cấp nước tưới tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội). Theo người dân địa phương, công trình này từng một thời là “điểm nhấn” hạ tầng, phục vụ quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Thụy Hương.

Theo quy hoạch thời điểm đó, hạ tầng cơ sở được đồng bộ sẽ tạo tiền đề phục vụ tốt cho quá trình quy hoạch vùng rau an toàn diện tích 79.5ha được thành phố phê duyệt. “Khi trạm bơm được hoàn thành, người dân trong vùng rất đỗi vui mừng vì rau màu sẽ không còn tình trạng thiếu nước tưới tiêu. Công tác tưới tiêu, phục vụ sản xuất sẽ thuận lợi hơn…” – một người dân chia sẻ

Được biết, hai trạm cung cấp nước tưới ở xã Thụy Hương có tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng từ nguồn kinh phí TP Hà Nội và UBND huyện Chương Mỹ. Hệ thống tưới tiêu này được đầu tư hiện đại và đồng bộ nhất thời điểm đó với hệ thống ống dẫn, bể chứa trải rộng khắp vùng trồng rau an toàn. Tuy nhiên, do đầu ra không thuận lợi nên người dân chưa thực sự mặn mà với việc trồng rau an toàn.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến công trình cấp nước từ khi hoàn thành và được đưa vào sử dụng năm 2012 vẫn không mang lại hiệu quả như kế hoạch.Hệ lụy nhãn tiền là hệ thống công trình này vận hành cầm chừng, thậm chí trạm cấp nước giáp làng Phúc Cầu còn để hoang hóa, ít vận hành suốt gần 5 năm nay.

Theo tìm hiểu, vì bỏ hoang lâu ngày nên nhiều hạng mục của công trình cấp nước đã xuống cấp trầm trọng. Hầu hết các bộ phận trong hệ thống trạm đã bị xuống cấp. Chẳng hạn, máy bơm nước đã xuất hiện hiện tượng gỉ sét. Tại trạm cấp nước tưới tiêu số 1, hệ thống nhà cao tầng lọc nước khá quy mô nhưng giờ cáu bẩn, phần bể chứa rộng rãi nhưng nước đã lắng cặn bởi máy bơm công suất lớn ít khi được vận hành.

Cách đó không xa, trạm cấp nước tưới tiêu số 2 cũng trong tình trạng tương tự. Xung quanh khu trạm cấp nước cỏ mọc um tùm, đường ống nước hoen gỉ. Hệ thống đường ống dẫn đến các khu ruộng phần nhiều đã bị hư hại, cắt phá.Mảnh ruộng chỉ cách trạm nước khoảng 200 mét nhưng theo bà Nguyễn Thị H. (xã Thụy Hương) cho biết, trạm chưa bao giờ cung cấp nước tưới cho rau màu trên diện tích ruộng của bà.

“Chỉ có đường ống để cho đẹp thôi chứ chả có lần nào bơm cả. Một lần tôi thấy bơm nhưng nước mới chảy đến nhà cạnh trạm thì lại thấy họ tắt đi, xuống đến nhà tôi là không có” – Bà H. chia sẻ.

“Chúng tôi ở ngay sát trạm phải tự bỏ tiền khoan giếng để tưới tiêu. Hàng nghìn mét đường ống dẫn nước giờ bị chặt bỏ, vất lăn lóc trên mặt đất. Trộm cắp nhiều, giờ trộm đã cắt ống dẫn để lấy lõi đồng bên trong cả rồi” - Đặng Đình Vườn (60 tuổi, xã Thụy Hương) cũng lắc đầu ngao ngán.

P.Thảo – Đ.Luyện (Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-lang-phi-tu-nhung-cong-trinh-ngu-quen-72103.html