Kỳ 1: 'Lệch pha' về cách nhìn

Vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc Việt Nam hiện nay đang rất nóng và thu hút được sự quan tâm, tranh cãi từ nhiều giới trong xã hội. Tình trạng ngày càng trầm trọng hơn bởi vụ việc này vừa 'hạ nhiệt' thì lập tức vụ việc khác lại 'nổi lên' theo những cách thức rất giống nhau. Việc 'hạ giải' mục đích không phải để nâng cao giá trị tiềm ẩn của di tích mà là để triệt thoái nó với mong muốn thay thế bằng việc xây mới một 'cái gì đó' to lớn hơn, trẻ trung hơn và thường có cảm nhận là kém cỏi hơn… Đó thực sự là một nghịch lý của quá trình 'phát triển nóng', phát triển bằng mọi giá mà nhiều nơi, nhiều quốc gia từng vấp phải, để rồi khi nhận biết được giá trị quý báu đó đã thật sự mất hẳn thì mọi việc đã trở thành 'chuyện đã rồi'.

Nhà thờ Bùi Chu.

Nguyên nhân sâu xa và chủ yếu của vấn đề này ở Việt Nam nằm trong sự “lệch pha” về nhận thức giữa các “chủ thể” có liên quan trong việc bảo tồn di sản kiến trúc mà ra.

Thứ nhất, cách hiểu quá xơ cứng về di sản văn hóa - lịch sử do chỉ căn cứ trên cơ sở pháp lý. Một di tích kiến trúc chỉ được thừa nhận là di sản khi nó đã được chính quyền chính thức cấp giấy chứng nhận. Cách hiểu này không sai, nhưng không đầy đủ và thường bị xơ cứng. Các cấp chính quyền thì luôn bị chi phối bởi rất nhiều công việc. Không có công việc nào lại không mang tính cấp bách. Điều này dễ dẫn đến một mức độ hành xử có tính chủ quan, hời hợt, không theo kịp hiện thực của cuộc sống vốn rất sinh động.

Những người hiểu về di sản theo cách này, khi thực thi trách nhiệm dựa trên quyền lực được Nhà nước giao phó, thường giữ thái độ ứng xử “dựa dẫm” vào các “quy trình”; Mà quy trình nào cũng đầy tính pháp lý, nhưng ít bàn đến tính nhân văn. Vậy, nếu một vấn đề phức tạp của văn hóa - xã hội như vấn đề di sản sẽ giải quyết dễ và an toàn nhất là căn cứ theo quy trình. Như vậy, liệu có gì đảm bảo là người ta sẽ không “lợi dụng” quy trình ấy cho phù hợp với lợi ích của các nhóm thiểu số. Mặt khác, quy trình dù có chặt chẽ, khách quan đến bao nhiêu mà những cá thể tham gia vào quy trình ấy không “tương xứng” với “quy trình” cả về “Tâm - Tầm - Tài”, thì “quy trình” ấy chắc chắn sẽ bị xô lệch, làm cho méo mó là điều không tránh khỏi.

Sự việc ồn ào của việc dự định phá bỏ Dinh Thượng Thơ ở TP.HCM và việc công bố “Quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị Khu Trung tâm Hòa Bình” vừa qua cho thấy rằng “quy trình” không phải là cách biện luận đủ thuyết phục. Nhưng, với cái cách trả lời báo chí của các nhà quản lý ở Đà Lạt vừa qua có vẻ cho thấy đó là cách phù hợp nhất để kiểu biện bạch này tránh được trách nhiệm của một người công dân đối với không chỉ tài sản văn hóa vật chất mà còn cả những giá trị tinh thần của đất nước gửi gắm trong đó. Không ai có thể khiển trách, hạ chức, hạ bậc lương của họ; Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người lại không vui, không phục và sau cùng là không “ý kiến” gì nữa.

Thứ hai là cách hiểu về di sản mang tính “sở hữu” là hoàn toàn thiên về tư tưởng: “Nhà của chúng tôi nên chúng tôi có quyền”. Họ không quan tâm đến lợi ích lâu dài của di sản có thể đem lại cho đất nước, cho cộng đồng, trong đó có chính họ… mà các nhóm “yêu di sản” thường nêu lên, bởi vì lợi ích đó hiện nay đang không ai và không có gì đảm bảo. Và trong ngắn hạn thì nó có mâu thuẫn thực sự với lợi ích của nhóm “sở hữu”. Lý lẽ của nhóm này có nhiều điểm gần với nhóm “quy trình”.

Thứ ba là cách hiểu quá thực dụng, coi di sản kiến trúc là trở ngại chính của phát triển, lợi ích kinh tế mới là thiết yếu. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất còn duy trì cách hiểu này. Nhiều quốc gia giàu có như Singapore, Nhật Bản… cũng đã vướng vào lối tư duy thiển cận này. Nhật Bản thì đã xóa sổ khoảng 80% các di sản kiến trúc thuộc đẳng cấp quốc tế mà KTS vĩ đại người Mỹ - F.L.Wright đã lưu lại trên đất nước mà ông hết lòng ngưỡng mộ này. Sau một thời gian không dài, khi kinh tế khá giả hơn, họ mới suy ngẫm và hiểu ra rằng những gì đã từng bị đập bỏ trước đây phải được tái thiết bằng mọi giá để cứu vãn lại một phần lịch sử của quá khứ như một phần ký ức của chính họ. Cụ thể là Singapore đã phải xây dựng lại 100% khu Shophouse ở số 9 Phố Tan Quee Lan và cho đến hôm nay cách làm này trở thành một bài học đắt giá cho các đô thị và quốc gia đang phát triển.

Hiện nay, chúng ta vẫn còn đang hồi hộp chờ đợi những gì sẽ xảy ra với một trong những kiến trúc đặc biệt nhất ở Bùi Chu - đó là ngôi nhà thờ 135 tuổi đã và đang được “hạ giải” bằng việc theo sát “quy trình” và được “quy trình” vỗ về có đến cả hơn 10 năm trời.

Thứ tư là cách hiểu mang tính “bao trùm” về di sản. Đây là cách hiểu ngược với ba cách hiểu nêu trên. Tức là, hễ có bất cứ một công trình, một di tích kiến trúc nào chuẩn bị “hạ giải” là họ lên tiếng phản đối đủ cách, đủ kiểu, với đủ mọi lập luận và từ ngữ mà không phải tất cả đều có tính chuyên môn xác đáng hoặc vô vị lợi.

Đối diện với các cơ quan chức năng, những ý kiến - kiến nghị của họ luôn bị bác bỏ vì lý do: thiếu căn cứ thực tế, chưa quan tâm đến khía cạnh có tính pháp lý, di tích kiến trúc đó chưa được chính thức công nhận là di tích kiến trúc. Mặt khác, các nhóm “yêu di sản” này lại không thuộc về một “đoàn chính thức của Nhà nước từ Trung ương, tỉnh và địa phương” (Trích thư Tòa Giám Mục Bùi Chu trả lời ý kiến góp ý của Hội KTS Việt Nam ngày 20/5/2019). Như vậy có nghĩa là những ý kiến phản biện xã hội này thường không được hưởng ứng vì bị xem là những kẻ “ngoài luồng”, “ngoài quy trình”.

Phải nói rằng hệ thống pháp lý của xã hội ta hiện đang còn lúng túng trong việc thừa nhận vai trò cũng như tính hợp pháp của các nhóm “phản biện xã hội” tự phát. Xét cho cùng thì những hoạt động phản biện của họ là hợp pháp và nhìn chung là có tính nhạy bén, tích cực, giúp các cơ quan chức năng mau chóng nắm bắt được những thông tin cần thiết cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Hạn chế của những nhóm này là tính tự phát rất cao, nhưng tính tổ chức không cao - một kiểu cách hoạt động đầy tính chất tâm lý của “văn hóa làng xã”. Ngoài ra là những hạn chế thông thường như: thời gian, tiền bạc, tính chuyên môn sâu… của những hội đoàn xã hội - có bề rộng mà thiếu chiều sâu. Có thể cũng vì vậy mà họ chưa bao giờ được các tổ chức, các cơ quan chức năng coi là đối tượng cần thiết phải đối thoại.

Thứ năm là cách hiểu về di sản mang tính “mở”. Đây là cách hiểu gần với những lý luận hiện đại của thế giới về bảo tồn giá trị văn hóa và nghệ thuật của các di sản kiến trúc - đô thị. Đó là: Tinh thần của địa điểm - Kiến tạo nơi chốn - Ký ức cộng đồng… Phải nói rằng, những khái niệm không dễ được hình dung, được thẩm thấu vào một xã hội mà cách nghĩ, cách hành xử chẳng mấy liên quan đến những khái niệm “diệu vợi” này. Vì vậy, khi đặt những khái niệm này lên bàn thảo luận, vấn đề vẫn có thể tiếp tục bế tắc.

PGS.TS.KTS Lê Thanh Sơn
Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/ky-1-lech-pha-ve-cach-nhin.html