(Kỳ 1) Lực hút nguồn lực tỷ USD

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đặt ra những nền tảng cho khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực năng lượng, tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, cơ chế ưu đãi giá bán điện cố định của Chính phủ đã bước đầu tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào sản xuất điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời.

Trong thời gian qua, cơ chế ưu đãi giá bán điện cố định của Chính phủ đã bước đầu tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào sản xuất điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời.

Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11/2/2020. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia và là “chìa khóa” mở ra sự thuận lợi hút nguồn lực tỷ USD từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện năng...

Phát triển năng lượng bền vững

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2007-2017, năng lượng đã có sự tăng trưởng nhanh chóng. Giá trị sản xuất trong ngành năng lượng tăng 6 lần, sản lượng điện tăng hơn 3,3 lần.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đóng góp ngân sách nhà nước hơn 204.000 tỷ đồng, chiếm 17,8% thu ngân sách nhà nước. Rõ ràng ngành năng lượng và các doanh nghiệp trong ngành đã đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế.

Trên thực tế, sự phát triển của ngành năng lượng thời gian qua là nền tảng thiết yếu, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng “Đến nay đất nước chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có những thay đổi về chất, đòi hỏi ngành năng lượng Việt Nam cũng phải có những bước phát triển mới”.

Đề cập đến hai quan điểm có ý nghĩa then chốt của Nghị quyết này, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ, Thứ nhất là, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.

Cụ thể hơn, Nghị quyết 55 nêu rõ, đối với điện gió và điện mặt trời cần ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước; xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam; phát triển nhiệt điện khí theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước; chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.

Riêng nhiệt điện than sẽ phát triển ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; kiên quyết đóng cửa đối với các nhà máy không thực hiện nâng cấp công nghệ theo quy định... Khuyến khích các dự án nhiệt điện đồng bộ từ khâu cung ứng, lưu trữ nhiên liệu và xây dựng nhà máy trên cơ sở giá bán điện xác định thông qua đấu thầu.

Cơ hội lớn cho khu vực tư nhân đầu tư

Điểm đáng chú ý được đặt ra trong Nghị quyết 55 là khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

Thực tế, trong thời gian qua, cơ chế ưu đãi giá bán điện cố định của Chính phủ đã bước đầu tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào sản xuất điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Tính đến hết năm 2019, đã có khoảng gần 5.000 MW điện mặt trời và gần 500 MW điện gió được lắp đặt và đi vào vận hành.

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng huy động nguồn lực tư nhân, khi Chính phủ có chính sách thu hút đầu tư hợp lý. Trong bối cảnh các nước OECD hạn chế cho vay đầu tư xây dựng nhà máy điện than, việc thu hút được lượng vốn đầu tư vào hạ tầng ngành điện, cụ thể là nguồn điện là một thành công đang kể.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều dấu ấn rất tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ phát triển năng lượng. Đơn cử như lĩnh vực điện năng, có 28% tổng công suất phát đến từ khu vực tư nhân, dưới các hình thức đầu tư đa dạng, hiệu quả như hợp đồng BOT, IPP… Khu vực tư nhân cũng tạo được thế đứng trong lĩnh vực năng lượng, kể cả điện, dầu khí, than.

Điều dễ thấy là chỉ có một số cơ chế, chính sách mới như: cơ chế giá cho điện mặt trời hay giá cho điện gió đã chứng minh được tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân trong tham gia phát triển ngành điện.

Việc đẩy nhanh cổ phần hóa, tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng cũng là một khâu trong việc thu hút khu vực tư nhân tham gia. Trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp năng lượng lớn của Nhà nước như PVN, EVN, TKV đã chứng minh được vai trò thiết yếu và quan trọng của mình trong phát triển năng lượng. Các doanh nghiệp này đã chủ động tái cơ cấu, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ tầng quan trọng năng lượng cho đất nước.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại trong việc cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng công ty mà vướng mắc nhất liên quan đến hướng dẫn, quy định của luật pháp về giá trị doanh nghiệp và các giá trị của đất đai, khung pháp lý hướng dẫn… Điều này cũng là thực tế vì luật pháp đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện nên khó tránh khỏi bất cập.

Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn cụ thể và hy vọng Nghị quyết 55 góp phần thúc đẩy công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, xây dựng thị trường điện cạnh tranh tiếp tục có những thuận lợi, hiệu quả.

Hơn bao giờ hết, an ninh năng lượng và xã hội hóa để phát triển năng lượng rất cần những quan điểm, định hướng mới phù hợp với chuyển biến chung của toàn cầu, để từ đó có thể định hình phát triển đất nước.

Chỉ số tiếp cận điện năng sẽ thuộc top 3 nước dẫn đầu ASEAN

Mục tiêu tổng quát được Bộ Chính trị đưa ra là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030; Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045;

Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc top 3 nước dẫn đầu ASEAN.

[XÃ HỘI HÓA PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 2) Chuyên gia năng lượng nói gì?

Linh Nga

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/xa-hoi-hoa-phat-trien-nang-luong-ky-1-luc-hut-nguon-luc-ty-usd-167422.html