Kỳ 1: Nhức nhối nạn đổ trộm

LTS: Vài năm trở lại đây, Hà Nội luôn trong tình trạng đô thị hóa nhanh, hoạt động xây dựng rầm rộ khắp nơi. Các công trình, dự án lớn mọc lên san sát như tô thắm thêm vẻ đẹp hiện đại của thành phố nghìn năm tuổi, thế nhưng song song với sự sôi động đó là lượng rác thải xây dựng đang 'nóng' từng ngày.

Trong khi lượng rác thải ngày càng tăng, “đầu ra” ngày càng khó khăn sẽ tạo áp lực rất lớn đối với công tác xử lý. Hệ lụy là, không thiếu cung đường trở thành “điểm nóng” của tình trạng đổ trộm rác, phế thải vật liệu xây dựng. Hơn lúc nào hết, cần có những giải pháp mang tính bền vững, lâu dài để giải quyết bài toán này…

Lượng lớn phân bùn bể phốt chưa qua xử lý được đổ trộm tại Km12 tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long.

Lượng lớn phân bùn bể phốt chưa qua xử lý được đổ trộm tại Km12 tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long.

“Đại dịch” đổ trộm đất thải

Là một trong những tuyến đường đẹp và hiện đại nhất hiện nay của Thủ đô, Ðại lộ Thăng Long bao gồm hai dải cao tốc với sáu làn xe và hai nhánh đường gom, qua địa phận các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hoài Ðức, Quốc Oai, Thạch Thất. Tuy nhiên, tuyến đường này từ lâu vẫn luôn là điểm nóng của tình trạng đổ trộm rác thải, phế thải vật liệu xây dựng.

Mới đây nhất vào ngày 10/2, tại khu vực Km12 tuyến đường đường gom Đại lộ Thăng Long hướng đi Hòa Lạc thuộc địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức, xuất hiện một lượng lớn phân bùn bể phốt chưa qua xử lý tiếp tục bị đổ trộm trực tiếp ra môi trường. Chưa hết, theo phản ánh của người dân, cách đây khoảng một tháng, tình trạng trên cũng xảy ra tại khu vực cầu T6, hướng đi Hòa Lạc thuộc địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức. “Đơn vị chức năng cứ dọn được vài hôm thì vi phạm mới lại phát sinh” – một người dân thường xuyên di chuyển trên tuyến Đại lộ Thăng Long chia sẻ.

Thực tế, theo dọc hai bên nhánh đường gom Ðại lộ Thăng Long có thể dễ dàng chứng kiến một lượng lớn phế thải gồm bùn đất, gạch đá xây dựng, kể cả vật liệu xây dựng là bê-tông tươi cũng chất thành đống, nằm ngổn ngang trên vỉa hè. Ðáng chú ý, ở các khu vực thuộc quận Nam Từ Liêm, huyện Hoài Ðức và Ðông Anh…, nhiều đất thải, phế liệu đổ tràn xuống lòng đường.

Có thể kể đến một số điểm có lượng phế thải xây dựng dày đặc như: Khu vực cầu chui đê hữu sông Nhuệ, hướng đi Hòa Lạc; Km 19, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai; Km16+ 500 xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai; khu vực cầu vượt Lê Quang Ðạo, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm… Ngoài ra, trên Ðại lộ Thăng Long hướng đi về trung tâm thành phố còn xuất hiện tình trạng đá sỏi rơi vãi, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ðáng chú ý, tình trạng đổ trộm phế thải còn hoành hành ngay trên một số nhánh đường vào khu dân cư ven đường gom Ðại lộ. Nhiều đường nhánh thuộc khu vực Hoài Ðức, Tây Mỗ còn bị bịt kín, chồng thêm một lớp dày bằng đất thải. Anh Nguyễn Thế Hùng, xã Cát Quế, Hoài Đức, bức xúc: "Hiện tượng đổ trộm rác, phế thải, vật liệu xây dựng dọc tuyến đường gom của Ðại lộ Thăng Long không phải là hiếm gặp. Việc đổ thải trộm diễn ra trong một thời gian dài, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và an toàn giao thông".

Hệ lụy khôn lường

Theo ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Cầu Diễn (Urenco 7) đơn vị thực hiện công tác duy trì vệ sinh trên tuyến Ðại lộ Thăng Long và đường Võ Nguyên Giáp cho biết, hiện nay công nhân thu dọn luôn gặp nhiều khó khăn do tình trạng đổ trộm chất thải, phế thải xây dựng diễn ra ở mức báo động.

Các đối tượng chuyên chở phế thải, vật liệu xây dựng từ các công trình xây dựng trong thành phố, các khu chung cư, khu đô thị ven Ðại lộ Thăng Long… thường lợi dụng điều kiện thời tiết mưa gió, hoặc đêm tối, để đổ toàn bộ lượng phế thải, đất đá ra khu vực ven đường gom, thậm chí là ngay giữa đường gom Ðại lộ Thăng Long. Bên cạnh đó, các loại xe tải chở đất đá, phế thải, vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải, chuyên chở vào ban đêm, nhưng không che chắn cẩn thận dẫn đến tình trạng xe tải tụt ben làm rơi vãi đá, cát ra đường cũng ngày một nhiều.

“Trước đó, chi nhánh Cầu Diễn đã kiến nghị và gửi nhiều báo cáo đến các cơ quan chức năng nhưng tình trạng trên vẫn không chuyển biến và có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây” – ông Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Có thể nói, nạn đổ trộm chất thải đã và đang tiếp tục hoành hành trên nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội. Những bãi rác vô chủ mọc lên ngày càng nhiều ở bất cứ khoảng đất trống nào ven đường. Tại nhiều vị trí còn bị các đối tượng đổ trộm các loại rác thải sinh hoạt, rác thải rắn, các chất thải dạng lỏng… Ðây thật sự đang là vấn đề nhức nhối, đe dọa môi trường sống của người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là công tác quản lý, xử lý rác thải xây dựng vẫn gặp không ít khó khăn, theo quy định muốn xử lý được thì cần phục kích bắt quả tang.

Có thể nói, nạn đổ trộm chất thải đã và đang tiếp tục hoành hành trên nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội. Những bãi rác vô chủ mọc lên ngày càng nhiều ở bất cứ khoảng đất trống nào ven đường. Tại nhiều vị trí còn bị các đối tượng đổ trộm các loại rác thải sinh hoạt, rác thải rắn, các chất thải dạng lỏng… Ðây thật sự đang là vấn đề nhức nhối, đe dọa môi trường sống của người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là công tác quản lý, xử lý rác thải xây dựng vẫn gặp không ít khó khăn, theo quy định muốn xử lý được thì cần phục kích bắt quả tang.

Trong khi đó, việc quản lý, xử phạt đối với vấn nạn đổ trộm rác thải xây dựng thuộc rất nhiều ngành, bao gồm Thanh tra Giao thông vận tải, Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Môi trường, Thanh tra Xây dựng... Đặc biệt, việc xử lý vấn nạn đổ trộm chất thải xây dựng không thể thực hiện ở việc bắt các xe đổ trộm rác thải, bởi đó chỉ là hình thức xử lý phần ngọn, còn phần gốc vấn đề là các công trình xây dựng có được kiểm tra kỹ lưỡng về điểm đổ thải hay không và nếu phát hiện công trình đó đổ thải sai quy định sẽ xử lý như thế nào, đó là bài toán cần giải quyết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, cùng với việc hoàn thiện cơ chế, hệ thống pháp luật, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, để cùng vào cuộc ngăn chặn các hành vi xả, đổ thải trái phép. Bài học từ vụ dầu thải ở đầu nguồn nước nhà máy nước sạch Sông Đà gây ảnh hưởng đến hàng triệu người chính là lời cảnh tỉnh cho các hoạt động xả thải bừa bãi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

(Còn nữa…)

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-nhuc-nhoi-nan-do-trom-103344.html