Kỳ 1: Những lời mời mật ngọt

Thời gian gần đây, tín dụng đen đã trở thành một vấn để nổi cộm, gây bức xúc và bất an trong xã hội. Nhiều người, trong đó có cả công nhân lao động tại các khu công nghiệp – chế xuất đã trở thành nạn nhân của tín dụng đen, phải chịu mức lãi suất cắt cổ, nhiều công nhân đã trở thành con nợ không lối thoát, cuộc sống ngày càng bế tắc. Trước thực trạng đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và tổ chức Công đoàn để xử lý dứt điểm, ngăn chặn không để tín dụng đen gây ảnh hưởng đến công nhân lao động.

Lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân, các đối tượng hoạt động tín dụng đen đã dùng mọi chiêu trò tinh vi để biến họ trở thành con mồi không lối thoát. Không ít công nhân đã trở thành nạn nhân của tín dụng đen, phải vay với lãi suất cắt cổ, lãi mẹ đẻ lãi con, không có khả năng thanh toán, bị đe dọa, phải bỏ trốn hoặc nghỉ việc.

Các đối tượng hoạt động tín dụng đen dùng mọi chiêu trò để dụ công nhân sập bẫy.

Nhiều chiêu thức tinh vi

Đi dọc khắp các tuyến đường, ngõ ngách, đặc biệt là tại những khu vực đông công nhân thuê trọ, không khó để bắt gặp những cửa hiệu cầm đồ hay những tờ rơi quảng cáo hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp, cho vay tiền thủ tục nhanh, gọn, không mất phí dịch vụ, không cần thế chấp, bảo mật thông tin… được dán nham nhở trên các bờ tường, cột điện. Các đối tượng hoạt động tín dụng đen tìm mọi cách để tiếp cận công nhân, nhất là những người đang gặp khó khăn về kinh tế và chỉ cần công nhân liên hệ là sẽ được phục vụ tận tình.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Dũng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định mức lãi suất trần để xác định dấu hiệu của tội phạm cho vay nặng lãi. Cụ thể, Điều 201Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: Người nào cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ Luật Dân sự hưởng lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là có dấu hiệu phạm tội này.

Trong khi đó, trần lãi suất theo quy định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 là khoảng 20%/năm, tức khoảng gần 1,7%/tháng. Như vậy, cho vay với lãi suất từ 8,5%/tháng trở lên là có thể bị xử lý về hành vi cho vay nặng lãi.

Bộ Luật Hình sự 2015 đã cụ thể hơn đối với các tội cho vay nặng lãi, tuy nhiên, các chủ tín dụng đen thường chia nhỏ số tiền cho vay nên khó chứng minh họ thu lợi trên 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, chủ các đường dây tín dụng đen cũng lách luật bằng cách ghi hợp đồng cho vay dưới hình thức khác hoặc ghi giấy nợ không rõ ràng, lấy lãi theo ngày nên rất khó xác định dấu hiệu vi phạm.

Những công nhân đang có nhu cầu về tài chính có thể dễ dàng cầm cố điện thoại, xe máy, máy tính thậm chí là chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy tờ xe tại các cửa hiệu cầm đồ với lãi suất dao động từ 2.000 – 5.000 đồng/triệu/ngày. Ngoài ra, chỉ cần cầm thẻ ATM hoặc có người quen bảo lãnh, công nhân sẽ vay được khoản tiền mình đang cần.

Hiện nay, nhiều công ty trả lương cho công nhân qua thẻ ATM, nắm bắt được điều đó, các đối tượng hoạt động tín dụng đen đề nghị công nhân cắm thẻ ATM và cung cấp mã pin để được vay tiền, đến ngày công ty chuyển lương, tiền sẽ bị rút hết để tính vào tiền gốc và tiền lãi suất theo thỏa thuận.

Có những đối tượng hoạt động tín dụng đen còn sẵn sàng cho công nhân vay tiền mà không cần phải thế chấp gì, chỉ cần có người quen bảo lãnh thì vay bao nhiêu cũng được, đến kỳ nhận lương chỉ cần trả lãi còn tiền gốc có thể trả bất cứ lúc nào. Bằng hình thức này, tín dụng đen sẽ dễ dàng tiếp cận được những công nhân đang gặp hoàn cảnh khó khăn mà không có gì để cầm cố, đặt cọc.

Những tưởng, qua hình thức này, công nhân sẽ ít bị lộ thông tin cá nhân nhưng trên thực tế, bằng nhiều cách, mọi thông tin của người vay đều được kẻ cho vay nắm rõ và khi “con mồi” có biểu hiện trốn nợ sẽ lập tức bị xử lý.

Bên cạnh hình thức câu dụ những người đang có nhu cầu về tài chính bằng các tờ rơi quảng cáo hay thông qua các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ, hiện nay các đối tượng hoạt động tín dụng đen còn giăng bẫy con mồi bằng dịch vụ cho vay tiền trực tuyến với mức lãi suất cho vay lên đến hàng chục phần trăm/tháng. Đối với loại hình dịch vụ này, các đối tượng sử dụng khái niệm “phí dịch vụ”, “phí quản lí” đối với khoản vay thay vì sử dụng khái niệm lãi suất.

Thế nhưng mức phí dịch vụ lại cao ngất ngưởng, có những website cho vay trực tuyến áp dụng mức phí quản lí khoản vay lên đến 2%/ngày, như vậy, tính ra người vay phải chịu mức phí dịch vụ 60%/ tháng, 720%/năm.Về bản chất, dịch vụ cho vay tiền trực tuyến với mức lãi suất cắt cổ được xem là hoạt động tín dụng đen khoác lên mình nền tảng công nghệ có khả năng kết nối và lan tỏa mạnh, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể tiếp cận được với công nghệ.Trên thực tế, một số website cho vay tiền trực tuyến đã có số lượt đăng kí vay lên đến hàng triệu.

Nỗi ám ảnh mang tên “tín dụng đen”

Thực tế cho thấy, do thiếu kiến thức tối thiểu về tài chính cá nhân, đôi khi sẵn sàng đi vay nóng vì những công việc đột xuất như con cái ốm đau, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà hay cần tiền để quyết việc riêng… cùng với đó là kiến thức pháp luật không đầy đủ, không ít công nhân đã tìm đến tín dụng đen.

Chỉ dựa vào những lời quảng cáo và những hứa hẹn không có cơ sở mà công nhân sẵn sàng cung cấp mọi thông tin, chấp nhận mức lãi suất trên trời để vay được khoản tiền mong muốn trong chớp mắt. Lãi mẹ đẻ lãi con, người công nhân vốn khó khăn nay lại càng khốn khó bởi nợ nần chồng chất.

Tiếp xúc với nhiều công nhân, chúng tôi được nghe không ít những câu chuyện buồn của những công nhân đã sập bẫy tín dụng đen để rồi phải trả một cái giá quá đắt. Nhiều người phải bỏ việc, chuyển đi nơi khác hoặc không dám đến nơi làm việc do bị đòi nợ, có những người không trả được nợ bị khủng bố cả về thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến công việc và nguồn thu nhập, khiến cho cuộc sống ngày càng bế tắc.

Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện buồn khi trót dại đi vay tín dụng đen, anh N.V.T, công nhân đang làm việc tại KCN Phú Nghĩa cho biết: “Cuối năm 2016, tôi bị trộm lấy cắp chiếc xe máy, hồi đó nhu cầu đi lại nhiều vì vừa làm ở công ty tôi vừa nhận thêm công việc giao hàng ở bên ngoài nên rất cần xe để đi, vì vậy tôi đã quyết định sẽ mua luôn một chiếc xe máy mới.

Khi đó, tiền tiết kiệm không có nhiều mà cũng không vay mượn được ở đâu nên tôi đã liên hệ tới một số điện thoại ghi trên tờ rơi được dán ở ngay đường về khu trọ với nội dung cho vay tiền, thủ tục nhanh gọn. Tôi đã vay 15 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng. Hàng tháng, đến ngày nhận lương của công ty, tôi đều đóng lãi đều đặn. Nhưng có những tháng, công ty trả lương chậm, không có tiền đóng lãi tôi phải xin khất với chủ nợ và phải chấp nhận đóng nhiều hơn.

Mặc dù thế, số tiền nợ gốc ban đầu và tiền lãi mà anh N.V.T phải trả cho chủ nợ cứ tăng lên chóng mặt, đến chính anh cũng không hiểu chủ nợ tính lãi như thế nào. Càng ngày, chủ nợ càng đòi gắt gao hơn, đến hạn đóng lãi chỉ chậm một, hai ngày là có người gọi điện chửi bới, đe dọa, khủng bố về mặt tinh thần khiến tâm lý anh luôn trong tình trạng bất an, sức khỏe suy sụp, năng suất lao động giảm kéo theo nguồn thu nhập từ công việc chính của anh cũng giảm đáng kể.

“Nhận thấy không thể tiếp tục tình trạng này, tôi đã nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình để trả dứt điểm số nợ với mong muốn được yên thân. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại tôi luôn cảm thấy ám ảnh, rùng mình và cũng tự trách bản thân vì thiếu hiểu biết những kiến thức về mức lãi suất khi vay nợ, không lường trước được những hệ lụy khi vay nóng, vay nặng lãi nên đã sập bẫy tín dụng đen. Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng, tổ chức Công đoàn có nhiều hình thức tuyên truyền và ngăn chặn hoạt động tín dụng đen để công nhân lao động không bị sập bẫy và yên tâm lao động sản xuất.”

Mai Quý

Kỳ cuối: Ngăn chặn hoạt động tín dụng đen trong công nhân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-nhung-loi-moi-mat-ngot-84216.html