Kỳ 1: 'Quên' đầu tư cho hạ tầng, sân chơi dần 'biến mất'

Chỉ xây dựng các tòa nhà cao tầng mà 'quên' đầu tư cho hạ tầng, tiện ích khiến phần lớn các khu đô thị, nhà cao tầng hiện nay ở Hà Nội thiếu đi những sân chơi, sân tập cho người già, trẻ nhỏ…

Thiếu sân chơi tại các chung cư ở Hà Nội

Những tòa chung cư san sát trên đường Hoàng Đạo Thúy. Ảnh: Duy Linh

Các khoảng không gian công cộng của Hà Nội “biến mất”

Những lời kêu, những hình ảnh trên báo chí, mạng xã hội về việc “hành xác” tại các khu du lịch trong các dịp nghỉ lễ cho thấy nhu cầu thư giãn, tìm về với thiên nhiên của người dân Thủ đô rất cao. Mong muốn được nghỉ ngơi, tạm xa phố xá và có chỗ để trẻ nhỏ vui chơi là nhu cầu hết sức chính đáng. Vì vậy thay vì ở nhà quây quần, nhiều gia đình cứ đến dịp lễ là xách hành lý đi du lịch dù biết như vậy là sẽ rơi vào cảnh đông đúc, chen chúc.

Nghịch lý ấy diễn ra cũng là điều dễ hiểu, khi mà hàng ngày người dân đang sống trong các khu đô thị “ngột ngạt”, công việc, học hành căng thẳng trong khi không gian thư giãn, vui chơi là quá ít. Những khu nhà cao tầng năm này qua năm khác cứ mọc lên, nhà nọ cao hơn nhà kia, khu dân cư này đông đúc hơn khu dân cư khác… nhưng những khoảng không gian xanh, không gian đặc thù để trẻ con vui chơi, đùa nghịch ngày càng ít. Thậm chí có những khu đô thị, tòa nhà còn không có nơi vui chơi, hoặc nếu có thì khá đắt đỏ, khó có thể đáp ứng nhu cầu thường xuyên của đa phần dân cư.

Vốn Hà Nội là một TP được xây dựng với định hướng phát triển không gian công cộng, nên ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn, từ những năm 1954 - 1990, TP vẫn luôn dành ra những không gian để làm sân chung giữa các khu nhà ở mới xây.

Theo tư liệu bản đồ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 và cuốn sách “Hà Nội: 10 thế kỷ đô thị hóa” thì tại Thủ đô, các khu nhà ở được xây dựng trong giai đoạn 1955 - 1985 luôn dành 50 - 60% diện tích cho cây xanh và sân chơi, sân chung, lối đi trong khu dân cư.

Cả nửa thế kỷ trước quy hoạch, tầm nhìn của Thủ đô đã thế. Vậy thì, tại sao đến nay, số lượng sân chơi và các khoảng không gian công cộng của Hà Nội lại ngày bị thu hẹp, “biến mất”. Trong khi đó, nhu cầu được vui chơi, được chạy nhảy của trẻ em trong thời đại bùng nổ của công nghệ hiện đang là một nhu cầu bức thiết?

Từng mét đất tại các khu tập thể, chung cư bị chiếm dụng

TP Hà Nội hiện có 200 điểm vui chơi dành cho trẻ em. Tại 4 quận nội thành trung tâm như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa có gần 30 vườn hoa, điểm vui chơi công cộng, nhưng cũng không đủ chỗ cho trẻ em đến vui chơi vào dịp lễ tết, đặc biệt là những ngày hè, khi nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em tăng mạnh.

Người ta đã từng kỳ vọng vào những chung cư, khu đô thị mới khi xây dựng lên sẽ có không gian cây xanh, sân chơi cho trẻ em, tuy nhiên đến hiện tại, những kỳ vọng này gần như đã hoàn toàn bị triệt tiêu.

Từ đầu những năm 2000, khi những khu đô thị “kiểu mẫu” thời bấy giờ như Linh Đàm hay Trung Hòa - Nhân Chính bắt đầu được xây dựng, người dân Thủ đô đã mơ đến những nơi đáng sống hiện đại, đầy đủ hạ tầng thay vì những khu tập thể, chung cư cũ đã “có tuổi”.

Khó để có thể tìm kiếm được những nhà thấp tầng ở đường Hoàng Đạo Thúy (KĐT Trung Hòa - Nhân Chính). Hai bên đường của con phố vốn không dài này san sát những tòa nhà chung cư cao, thấp lô nhô. Hàng chục tòa chung cư san sát nối đuôi nhau dọc 2 bên tuyến đường này, giữa những tòa chung cư là hàng loạt cửa hàng đồ uống, quán ăn, quán cà phê sầm uất. Cũng bởi vậy, vỉa hè, lòng đường ở con phố này bị thu hẹp lại một cách đáng kể vì các nhà hàng, quán cà phê tận dụng làm chỗ để xe.

Tương tự như các tòa cao tầng, các tòa nhà tái định cư thấp tầng hơn như N2A, N2B, N2C, N2D, N2E, N6A… khu Trung Hòa - Nhân Chính cũng không còn không gian nào để làm chỗ vui chơi, giải trí cho người dân. Toàn bộ khu vực tầng 1, thậm chí cả vỉa hè là những hàng quán ăn, cà phê, quán bia… san sát.

Không thấy sân chơi, cũng chẳng thấy bóng dáng những thảm cỏ, cây xanh đáng lẽ nên có để trẻ nhỏ có thể xuống nô đùa… Khắp nơi là hàng quán, xe cộ và tấp nập người đi.

Cũng chung cảnh ngộ, tại khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, xung quanh các tòa nhà CT12A, CT12B, CT12C phần sảnh, bậc thềm tầng 1; diện tích sân chơi chung và khu vực vỉa hè đường Nghiêm Xuân Yêm đều bị chiếm dụng bởi hàng chục hàng quán, gánh hàng rong…

Phần sân chơi nhỏ hẹp được bố trí với một vài đồ chơi sơ sài không thể đáp ứng cho hàng nghìn cư dân tại gần chục tòa nhà cao tầng tại đây. Diện tích sân chơi đã nhỏ, nay lại cắt bớt một phần điện tích để làm bãi trông xe hay một số người dân lại tận dụng khoảng sân chơi này để thu mua phế liệu, đồng nát.

Sân chơi đã thiếu, những m2 tận dụng để cho có người ta lại bắt gặp tình trạng các thiết bị xuống cấp nghiêm trọng. Chiếc cầu trượt bị hỏng nay phải chằng buộc dây sắt để tiếp tục sử dụng, hay chiếc vòng xoay đã hỏng nhưng vẫn được trẻ em tận dụng để chơi.

Khu vực bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), có 12 tòa chung cư HH cao từ 35 - 40 tầng, với mật độ dân cư tại nơi đây lên tới khoảng 3 vạn dân. Tuy nhiên, khoảng không duy nhất của 12 tòa nhà chụm vào nhau chỉ vẻn vẹn vài nghìn mét vuông. Lượng cây xanh cũng rất hiếm hoi trong khu đô thị này.

Do lượng người đông nên khoảng sân chung của những tòa cao rất chật chội. Người dân ở tổ hợp này cho biết, vào các buổi chiều, thường những ghế đá của khu vực sân chơi này thường kín mít. Trẻ con nô đùa, người già tập thể dục… khiến không gian lẫn lộn, bí bách.

Tương tự một số khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội như Thành Công, Trung Tự, Kim Liên… mặc dù hầu hết đều có sân chơi chung, song phần lớn diện tích này đã bị sử dụng sai mục đích, hoặc đã quá cũ hay hỏng hóc. Điểm dễ nhận thấy là tình trạng sử dụng sân chơi chung làm điểm trông giữ xe, bán hàng, tập kết rác thải, vật liệu xây dựng… diễn ra khá phổ biến, khiến người già mất chỗ tập thể dục, trẻ em không còn chỗ chơi.

Quanh khu tập thể Nam Đồng, khu tập thể Trung Tự, Bách Khoa, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Giảng Võ, Quỳnh Mai… có rất nhiều những quán bia, những bãi trông xe. Đơn cử, dọc các khu tập thể cũ tại Trần Huy Liệu (Giảng Võ) từ quán cà phê, quán hàng ăn, quán bia… tràn ngập tại chiếc sân tập thể vốn đã hạn chế. Đã vậy, để tiện cho khách hàng đến ăn, uống, các hàng quán tận dụng nốt không gian còn thừa lại để “thượng đế” để xe. Một vài thiết bị tập thể dục heo hắt bên ngoài sát đường phố, lác đác một số người dân xuống tập nhưng lạc lõng, không một chút ăn nhập với không khí xô bồ, ầm ĩ phía bên trong.

Một vài chị em phụ nữ, các cụ già đeo khẩu trang đi bộ trên những con đường, vừa đi vừa phải nhớn nhác tránh xe máy, ô tô. Hiếm thấy cảnh những đứa trẻ chạy chảy vui đùa ở đây.

(Còn nữa)

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//ky-1-quen-dau-tu-cho-ha-tang-san-choi-dan-bien-mat-352024.html