Kỳ 1: Thốt nốt: Đặc sản nổi tiếng của An Giang

Thốt nốt (cũng gọi thốt lốt) là tên của một loại cây thân cột, như cây dừa, cao vài ba chục mét, không cành nhánh, được trồng nhiều ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Lá thì xòe rộng như lá cọ, tất cả những bẹ lá đều tập trung ở ngọn, kết tạo thành một khối tán tròn.

Cây thốt nốt

Cây thốt nốt

Để thốt nốt thực sự trưởng thành, ít nhất cũng phải ba bốn chục năm. Cây thốt nốt đơm hoa kết trái quanh năm, tập trung nhất là vào mùa nắng, từ tháng giêng đến tháng sáu âm lịch. Thốt nốt có hai loại, đực và cái. “Cây đực” không kinh tế bằng cây cái nên người ta thường dùng gỗ làm xuồng, hoặc cưa sả ra làm hai, móc bỏ ruột để làm ống bộng dẫn nước; còn lá thì ngoài công dụng lợp nhà, đan lát (nón, quạt, đệm…) người ta bó chúng lại thành từng chùm rồi gác lên một giàn cao dùng làm nơi trú cho loài dơi muỗi, gọi chuồng dơi để lấy phân làm phân bón.

Trái thốt nốt kết thành buồng như dừa, nhưng nhỏ và dẹp hơn nhiều, lúc còn non có màu xanh, khi đã già thì chuyển sang màu nâu cánh gián. Bên trong có 5 – 6 múi, phần “cơm” của trái “vừa ăn” có màu trắng trong, ăn thấy dẻo mà giòn, ngọt mà béo. Cơm trái già ngã màu vàng, thơm mùi mít chín, dùng chế biến bột để làm nhiều loại bánh (phổ biến là bánh bò) hoặc nấu chè.

Bông thốt nốt cũng là một vị thuốc khá phổ biến trong dân gian

Cây càng nhiều bông càng có nhiều nước. Muốn lấy nước thốt nốt, phải leo lên tận ngọn cây (cao hàng chục mét), nhưng do thân cây quá to, có khi đến vài ôm, người ta không thể leo trực tiếp, nên phải dùng một cây tre thật dài và thẳng bằng với chiều cao của cây thốt nốt, chặt chừa mỗi nhánh khoảng một gang tay để dùng làm bậc bước lên (không làm như kiểu cây thang thông thường vì phải tốn hai cây và nặng gấp đôi) cột cố định cặp theo thân cây thốt nốt. Còn bông thốt nốt thì vô cùng đặc biệt, bởi qua hình dáng ta chẳng thấy có gì là bông cả, mà đó là những khúc tròn bằng ngón chân cái, mọc chia ra từ một bẹ cuống thường dài từ 3 – 5cm. Những “cây cái” được dưỡng để thu hoạch trái hoặc nước. Tùy cây tơ hay già mà cây thốt nốt có nhiều hay ít bông.

Thường người ta sẽ tỉa bớt nhánh bông, chỉ để lại mỗi chùm 2 nhánh, mỗi nhánh 2 bông, rồi dùng “cây kẹp” mà bóp mạnh (kẹp) từ từ từng bông từ trong cậy ra đến mút ngoài đầu, cốt làm cho bông không còn cứng, hay nói khác đi, khi bị dập nó mới ra nước. Chùm bông nào cũng làm như thế ít nhất 3 lần, mỗi ngày một lần, rồi bỏ đó 1 ngày, tức đến ngày thứ năm anh ta mới mang lên những ống tre đựng nước lạnh, treo ngâm những bông ấy vào. Qua ngày sau, tức ngày thứ bảy, người ta lại leo lên, đổ bỏ nước và đem những ống tre xuống, đoạn dùng dao bén cắt ngang đầu từng bông sao cho thật “ngọt”; buổi sáng cắt một nhát, buổi chiều lại cắt một nhát mới (phía trong vết cắt cũ khoảng 1cm), chừng nào thấy các bẹ lá phía dưới ướt thì biết là bông bắt đầu cho nước.

Cơm trái thốt nốt già là nguyên liệu làm bánh bò thốt nốt- đặc sản của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên

Lúc này người ta mới mang những ống tre lên cột đeo theo từng bông mà hứng lấy nước – nước nhiễu từng giọt, qua một đêm được chừng 1 lít nước, những ngày sau bông cho nước nhiều hơn, do đó phải để ý đặng dùng vật hứng có dung tích lớn hơn, nếu không sẽ bị tràn ra ngoài, thất thoát. Mùa nắng, nước thốt lốt chất lượng hơn mùa mưa…

Nguyễn Hữu Hiệp

angiang.gov.vn

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/ky-1-thot-not-dac-san-noi-tieng-cua-an-giang-558444.html