Kỳ 1: Trung tâm thương mại vắng như... 'chùa bà Đanh'

Hà Nội hiện có khoảng gần 10 công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại TTTM được xây dựng hoàn thiện. Sau khi 'lột xác' thành các TTTM khang trang, sạch đẹp, những địa điểm vàng về kinh doanh buôn bán trên địa bàn thành phố hiện lại vắng như 'chùa bà Đanh'.

Trong các mô hình chuyển đổi từ chợ thành TTTM, hiu hắt và xuống cấp nhất phải kể đến TTTM Thanh Trì. Từng được coi là "điểm nhấn" cho cảnh quan cửa ngõ phía Nam Thủ đô, xây dựng trên diện tích "khủng" nhất của các TTTM cùng thời, lên đến 7.906m2, công trình 7 tầng nổi, một tầng hầm này được đưa vào sử dụng từ năm 2004, đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp. Trái ngược với cảnh đông đúc của các nhà hàng, quán ăn trên tuyến đường Ngọc Hồi, Tứ Hiệp xung quanh, bên trong TTTM Thanh Trì buồn hiu hắt.

Tầng hầm TTTM Thanh Trì chỉ còn lác đác vài gian hàng buôn bán hàng mã (Ảnh: L.Thắm)

Tầng hầm TTTM Thanh Trì chỉ còn lác đác vài gian hàng buôn bán hàng mã (Ảnh: L.Thắm)

Khảo sát khu vực tầng hầm TTTM Thanh Trì, nơi trước đây vốn là nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất. Tuy nhiên, phía dưới tầng hầm, ngay trước cửa chỉ còn lác đác vài tiểu thương buôn bán hàng mã, không có cảnh người mua kẻ bán nhộn nhịp, chỉ còn lại những gian hàng đang trong tình trạng “đắp chiếu”. Những khoảng trống cạnh các gian hàng được người ta tận dụng làm chỗ để xe ô tô.

Theo bảo vệ ở TTTM Thanh Trì, do tình trạng vắng khách, hoạt động không hiệu quả, các tiểu thương buôn bán ở đây đều chuyển ra chợ Văn Điển kinh doanh. Tuy nhiên, khi tìm đến chợ Văn Điển, phóng viên ghi nhận chỉ còn lác đác vài tiểu thương có mặt tại khu chợ tạm này.

Hầu hết các gian hàng đều đóng cửa (Ảnh: L.Thắm)

Khung cảnh đìu hiu, vắng bóng khách hàng, các sạp hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết là các hàng rau, củ. Các tiểu thương ở đây cho biết, sau khi chợ truyền thống ở TTTM Thanh Trì hoạt động không hiệu quả, chợ này được dựng lên như một giải pháp hay thế.

Nhưng do chợ nằm sâu trong ngõ, khuất tầm nhìn và không tiện đường nên khách hàng hiếm khi rẽ vào. Theo các tiểu thương bán cá, chợ tạm Văn Điển giờ đây chỉ dùng làm nơi để chứa hàng cũng như buôn bán cho khách quen...

Nằm tọa lạc trên “đất vàng”, chợ Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm là một trong những đơn vị đầu tiên khu vực nội thành thực hiện chuyển đổi mô hình từ chợ thành TTTM và là công trình xây dựng nhằm kỷ nệm 1000 năm Thăng Long, Hà nội.

TTTM chợ Cửa Nam là công trình xây dựng nhằm kỷ nệm 1000 năm Thăng Long (Ảnh: L.Thắm)

Ban đầu chợ có 62 hộ kinh doanh, chủ yếu là ngành hàng hoa quả, vàng mã, trầu cau trên diện tích 1.300m2. Công ty TNHH Mỹ thuật Hà Nội là đơn vị được "chọn mặt gửi vàng", thực hiện xây dựng chợ thành TTTM với quy mô 7 tầng nổi, 2 tầng hầm, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, trong đó chợ dân sinh truyền thống được bố trí tại tầng hầm thứ nhất.

Công trình được khởi công năm 2007, hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2010. Đúng như quy hoạch, các hộ kinh doanh cũ được bố trí bán hàng tại tầng hầm số 1. Sau một thời gian kinh doanh vắng khách, các hộ này lần lượt bán lại chỗ cho chủ đầu tư.

Theo như lời người bảo vệ ở khu chợ Cửa Nam thì hiện tại ở đây không còn chợ nữa, khu vực chợ Cửa Nam đã được ngân hàng Viettinbank thuê lại làm văn phòng. Nếu cần mua bán gì thì có thể tìm đến chợ Ngô Sĩ Liên, cách đấy khoảng 1km.

Cũng nằm ở một vị trí đắc địa của trung tâm quận Hoàn Kiếm là chợ Hàng Da. Đây là chợ loại 1 có đến 636 hộ kinh doanh với đa dạng ngành hàng. Được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Hàng Da xây dựng đầu năm 2009, trên nền chợ cũ có diện tích hơn 3.000m2, chợ có quy mô 5 tầng nổi, 2 tầng hầm với tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng, trong đó chợ truyền thống được bố trí tại tầng trệt và tầng 1.

Vẻ hào nhoáng bên ngoài của TTTM Hàng Da (Ảnh: L.Thắm)

Tuy nhiên, trái với vẻ hào nhoáng bên ngoài, phía trong các ki ốt buồn hiu hắt, các tiểu thương ngồi tán gẫu, chơi bài, chơi điện tử trên điện thoại... Các ki ốt cửa đóng im ỉm, trên tấm cửa sắt chỉ ghi số điện thoại của chủ hàng để khách liên hệ. Một vài tiểu thương kinh doanh ngoài mặt phố sử dụng ki ốt trong chợ làm kho chứa đồ.

Các ki ốt đóng cửa im ỉm (Ảnh: L.Thắm)

Cô Phạm Thị Tình (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Tôi bán hàng rau củ quả ở chợ Hàng Da từ năm 1990, trước kia khi vẫn còn chợ dân sinh, hoạt động buôn bán ở đây diễn ra tấp nập. Tuy nhiên, từ khi chợ dân sinh chuyển đổi thành TTTM chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, dù hàng hóa chất lượng vẫn như cũ nhưng lại ế ẩm, không có người vào mua.

Thời điểm này, ở đây chỉ có hàng quần là buôn bán được, còn các mặt hàng thực phẩm rất vắng vì khách hàng có thói quen tiện đâu mua đấy chứ không mốn mất công gửi xe vào chợ để mua. Ngày trước, có tới mấy chục hàng rau ở đây, nhưng giờ trụ lại chỉ có khoảng 5 đến 6 hàng, vì nhà có cửa hàng, bán không hết thì mang về, nên mới trụ lại”.

Chỉ còn một số hàng quần áo, dày dép là tồn tại (Ảnh: L.Thắm)

Cùng chung nỗi niềm với cô Tình, một tiểu thương buôn bán hàng mã tại đây lắc đầu ngán ngẩm: “Chợ bây giờ phải chết đến 90% so với chợ dân sinh trước đây, ngày trước chợ có nhiều cửa, tiện cho người mua nên bán được nhiều, bây giờ vào đây rất mất thời gian do phải gửi xe, đi bộ xuống hầm mới mua được mớ rau nên không ai muốn vào”...

Sự “ngắc ngoải” của các các TTTM chuyển đổi từ chợ dân sinh như hiện nay đang là một vấn đề gây bức xúc cho xã hội, nó không chỉ chỉ gây thiệt hại cho nguồn ngân sách nhà nước, lãng phí kinh tế mà theo sau đó còn là vô vàn hệ lụy khác...

(Còn nữa)

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-trung-tam-thuong-mai-vang-nhu-chua-ba-danh-79292.html