Kỳ 1: Vẫn 'đau đáu' với câu chuyện thuê trọ

Với công nhân lao động làm tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô, mơ ước có được căn nhà gần nơi làm việc vẫn quá xa vời khi đồng lương còn hạn hẹp. Trong số đó, còn quá nhiều công nhân vì kinh tế eo hẹp, họ chấp nhận thuê trọ những căn phòng nhỏ, chấp nhận xa con, gửi con ở quê nhờ ông bà chăm giúp.

Cuối buổi chiều, sau giờ tan ca của các công nhân, chúng tôi tìm đến thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ nơi có rất nhiều phòng trọ cho công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Phú Nghĩa thuê.

Vì đồng lương ít ỏi, nhiều công nhận phải sống ở những căn phòng thuê nhỏ, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo

Vì đồng lương ít ỏi, nhiều công nhận phải sống ở những căn phòng thuê nhỏ, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo

Dọc con đường dẫn vào thôn hai bên hàng quán mọc lên san sát, không khí mua bán sôi động, tấp nập. Đi sâu vào một ngõ nhỏ, không gian như trầm lắng, bớt nhộn nhịp hơn, thay vào đó là sự yên tĩnh đến bởi phía trong là các dãy phòng trọ san sát nhau, đó là nơi các công nhân thuê. Nhiều phòng vẫn "cửa đóng then cài" do các công nhân làm tăng ca nên vẫn chưa về nhà trọ.

Nhà trọ tại đây được xây dựng khá nhiều với mức giá từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh Nguyễn Trọng Đài rời quê từ Yên Bái xuống khu công nghiệp làm việc được hơn 4 năm nay, cũng là từng đó năm anh, chị thuê căn phòng rộng hơn 10m2 làm nơi sinh hoạt của gia đình.

Đã có hai con nhỏ đang theo học tiểu học nhưng anh chị đành gửi con ở quê nhờ ông bà chăm giúp để giảm bớt chi phí chi tiêu dưới Thủ đô. Với thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng sau khi chi trả mọi chi phí sinh hoạt từ tiền nhà, điện, nước, tiền ăn… vợ chồng anh luôn tiết kiệm để có thể gửi tiền về quê cho ông bà chăm con.

Đó cũng là thực trạng chung của nhiều công nhân đang thuê trọ tại khu vực này. Kể về hoàn cảnh của các công nhân đang sống tại xóm trọ, anh Phùng Văn Thực (quê Ba Vì) cho hay: “Hầu hết công nhân sống ở đây đều là người tỉnh lẻ, có hoàn cảnh khó khăn, ở quê không có khu công nghiệp nên ra Hà Nội lập nghiệp.

Với đồng lương ít ỏi, chi phí sinh hoạt cao nên chúng tôi phải ở trong các phòng trọ nhỏ chứ chẳng dám ở những phòng rộng rãi, lịch sự. Để tiết kiệm chi phí, những công nhân chưa lập gia đình thường ở chung 2-3 người trong căn phòng khoảng 10m2”.

Ở những khu trọ rộng rãi, sạch đẹp hơn thì giá phòng thuê lại không hề rẻ

Theo anh Thực trên địa bàn vẫn có nhiều khu nhà trọ luôn trong tình trạng mất nước, bụi bẩn từ các công trình xung quanh, đặc biệt là vào hè, phòng trọ nóng nắng như một lò nung, ngoài ra, ở một số khu vực còn có tình trạng trộm cắp, an ninh trật tự không đảm bảo.

Do đó so với nhiều khu trọ trong khu vực thì dãy trọ mà anh đang ở vẫn khá thoải mái, có sân chơi rộng, chủ trọ nhiệt tình, cởi mở, người thuê trọ trong dãy thân thiện, xem nhau như anh em, họ hàng, ai gặp khó khăn là cả dãy cùng chung tay san sẻ, giúp đỡ.

Cùng chung những nỗi niềm đó, chị Nguyễn Thị Hồng (quê Thanh Hóa) ra Thủ đô lập nghiệp hơn 4 năm nay cho biết, chồng chị đi làm xa cùng với người em họ ở trên tỉnh Bắc Kạn tuy nhiên lương rất bấp bênh, chị và con gái thuê trọ ở gần công ty của chị.

“Cuộc sống của những người công nhân để ngồi kể thì lâu hết chuyện lắm, tiền lương thì ít thấy tăng nhưng tiền phòng, điện, nước thì tăng suốt. Bà chủ dãy trọ của tôi đang rục rịch tăng thêm giá phòng, cô con gái học lớp 4, ngoài tiền học ở trường tôi vẫn cố cho cháu học thêm ngoài giờ nên tháng nào cũng tiêu dè chừng mới tạm ổn. Mùa nắng nóng, muốn lắp thêm chiếc điều hòa cho con gái đỡ phải chịu nóng nhưng mấy tháng nay rồi mà vẫn chưa có tiền để mua”, chị Hồng chia sẻ.

Tuy làm việc vất vả, kinh tế hạn hẹp nhưng ở xóm trọ công nhân luôn đầy ắp tình cảm, họ gắn bó với nhau như người thân

Tới tận nơi trò chuyện, trực tiếp cảm nhận cuộc sống của những người công nhân lao động xa quê mới thấy mỗi người một câu chuyện. Khi được hỏi về dự định tiếp theo trong tương lai, về những kế hoạch dự định mua nhà ở, đa phần những người công nhân đang thuê trọ họ chỉ cười hoặc thở dài.

Với họ điều mong muốn đơn giản là có được đồng lương thật tương xứng với sức lao động để đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, họ mong muốn được tạo điều kiện, có thể thuê và ở trong khu nhà xã hội dành cho công nhân lao động để cuộc sống vơi bớt phần nào những nhọc nhằn, khó khăn.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-1-van-dau-dau-voi-cau-chuyen-thue-tro-93214.html