Kỳ 2: Bàn tay của ông Trần Anh Tú

Như đã đề cập ở kỳ trước, V.League 2018 ghi nhận không ít sự thay đổi trong quản lý, vận hành và cùng lúc, cả 3 'chiếc ghế' quan trọng nhất đều thuộc về ông Trần Anh Tú bao gồm: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Tổng Giám đốc VPF, Trưởng ban điều hành V.League.

Để cùng lúc nắm giữ 3 cương vị cao nhất, trong vai trò người đứng đầu VPF, ông Tú đã giải thể Ban tổ chức vốn đã tồn tại nhiều năm, thành lập Ban điều hành và “tự cơ cấu” mình vào vị trí Trưởng ban. Có thể nói, “bàn tay” của ông Trần Anh Tú đã che kín “bầu trời V.League”.

Trong mực chừng mực nào đó thì việc kiêm nhiệm của ông Tú đáng được ngợi khen bởi lịch sử sân chơi quốc nội đã chứng minh: Nhiều thời điểm, vị trí Chủ tịch VPF chỉ là thứ “quyền rơm vạ đá” chẳng ai muốn nhận. Không phải thể sao khi người tiền nhiệm là cựu Chủ tịch Võ Quốc Thắng đã nhất quyết buông bỏ cương vị này do “ảnh hưởng quá nhiều tới công việc cá nhân”? Ông Tú chắc chắn cũng ý thức được điều này, nên việc chấp nhận ngồi cùng lúc trên 3 ghế lãnh đạo là động thái rất dũng cảm.

Ở góc độ khác, khi quyền lực tập trung, ông Tú sẽ có nhiều điều thuận lợi trong công tác quản lý. Các khiếu kiện (nếu có) cũng được bỏ bớt các “cửa”. Giải chuyên nghiệp sẽ không còn tình trạng đơn thư của CLB mãi không tới được tay người lãnh đạo cao nhất do bị “ngâm” ở các phòng, ban chuyên môn.

Một thực tế không thể phủ nhận là ở V.League 2018, người ta không còn được nghe ý kiến phản biện từ VPF. Điều này hoàn toàn tương phản với mùa giải trước khi Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng đã nhiều lần gửi công văn lên liên đoàn, ban kỷ luật, đề nghị chấn chỉnh công tác trọng tài và yêu cầu “xử mạnh tay” với bạo lực sân cỏ. V.League 2017 cũng ghi nhận sự kiện Trưởng Ban tổ chức Nguyễn Minh Ngọc đệ đơn từ chức song Chủ tịch Võ Quốc Thắng không chấp nhận.

Nói cách khác, khi 3 vị trí này thuộc về 3 cá nhân khác nhau thì ít nhiều nội tình VPF sẽ khác biệt về quan điểm và có sự phản hồi qua lại. Song khi ông Trần Anh Tú “ôm” cả 3 “ghế” thì hiện tượng này đã chấm dứt hẳn. Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức là người hiểu rõ những hệ quả nhãn tiền khi quyền lực dồn cả vào “bầu Tú” nên đã phản đối một cách quyết liệt. Ông chủ của lò đào tạo bóng đá trẻ nơi phố núi Pleiku thậm chí còn mang cả suất chuyên nghiệp của CLB Hoàng Anh Gia Lai ra để gây sức ép, buộc ông Tú phải bỏ bớt quyền lực.

Thêm nữa, như chúng tôi đã phân tích ở kỳ trước, dẫu bầu Tú có được quyền lực tối cao thì V.League 2018 vẫn chưa có một cuộc cách mạng thực sự. Nói như lời một chuyên gia bóng đá nước nhà: Ai (?), nắm giữ bao nhiêu vị trí (?) không quan trọng, điều cốt tử là cải thiện hình ảnh V.League! - ở phương diện này thì rõ ràng chuyện bầu Tú “một tay che kín bầu trời” đã không đem lại nhiều đột biến.

Mà một khi sự tập trung quyền lực không đem lại kết quả như mong muốn của người hâm mộ thì nên chăng, trước thềm mùa giải 2019, VFF, VPF và những người có trách nhiệm nên nghiêm túc nhìn nhận lại mô hình này!

Kỳ 3: Phía sau “chiếc vương miện” của Hà Nội FC.

Mạnh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/i9p42t/new-article.aspx