Kỳ 2: Cần nhiều giải pháp căn cơ

PTĐT - Với xuất phát điểm kinh tế còn nhiều khó khăn như Phú Thọ thì xuất khẩu lao động là giải pháp góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp không ít gia đình thoát nghèo, địa phương 'thay da đổi thịt'. Tuy nhiên, giấc mơ đổi đời ấy không phải với ai cũng trọn vẹn.

Các bị cáo trong đường dây buôn người sang Trung Quốc bị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử và phải nhận hình phạt thích đáng.

>>> Kỳ 1: Cái giá của sự đánh đổi !!!PTĐT - Với xuất phát điểm kinh tế còn nhiều khó khăn như Phú Thọ thì xuất khẩu lao động là giải pháp góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp không ít gia đình thoát nghèo, địa phương “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, giấc mơ đổi đời ấy không phải với ai cũng trọn vẹn. Những trường hợp gặp rủi ro nơi đất khách khi đi lao động “chui”, bất hợp pháp chính là hậu quả một phần từ nhận thức chưa đầy đủ của người lao động về vấn đề việc làm. Để giải quyết triệt để các vấn đề này, các cơ quan chức năng cần chung tay, triển khai những biện pháp can thiệp kịp thời, mạnh tay hơn nữa trong thực thi các chế tài xử lý để công tác xuất khẩu lao động thực sự trở thành sự lựa chọn đúng đắn trên con đường lập nghiệp.Nhu cầu lớn !Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Phương Thị Bích Ngọc - Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh cho biết: “Ở các xã vùng sâu, vùng xa, nhu cầu tìm kiếm việc làm phổ thông của người dân là rất lớn. Vì vậy, họ rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo đi lao động “chui” ở nước ngoài với chi phí rẻ, mà không cần bất cứ cam kết hợp đồng nào. Mặt khác, một số người đã xuất cảnh trót lọt thấy việc đưa người đi xuất cảnh trái phép dễ kiếm lời nên trở về quê hương lôi kéo, tổ chức đường dây đưa lao động xuất cảnh trái phép". Qua tìm hiểu thực tế và gặp gỡ trực tiếp những người từng đi làm việc “chui”, lao động bất hợp pháp, chúng tôi được biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động xuất cảnh trái phép, làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan và Trung Quốc, trong đó nguyên nhân sâu sa là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thiếu việc làm hay thu nhập thấp. Nhu cầu sử dụng lao động phổ thông của hai nước này ngày càng tăng trong thời gian gần đây; yêu cầu trình độ tay nghề không cao; mức thù lao phía Trung Quốc hay Thái Lan trả cho người lao động cao hơn so với ở Việt Nam. Hơn nữa, đi lao động tại hai nước này chi phí thấp (2-2,5 triệu đồng sang Thái Lan và khoảng 5-7 triệu đồng sang Trung Quốc); thủ tục đơn giản, không bị ràng buộc. Công tác quản lý người nhập cư ở hai nước kể trên hiện còn lỏng lẻo, sơ hở, việc kiểm soát đường biên thiếu chặt chẽ đã tạo cơ hội cho lao động nước ngoài vượt biên trái phép. Còn đối với lao động đã hết thời hạn hợp đồng mà vẫn cố tình ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có nhiều lý do khiến 335 lao động không chịu về nước, trong đó chủ yếu do nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với ở Việt Nam. Một nguyên nhân nữa khiến lao động không chịu về nước đúng hạn là do chế tài xử phạt doanh nghiệp và người lao động vi phạm của Hàn Quốc và Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe. Vì vậy, dù các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp, tích cực tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc nhưng đến nay vẫn còn nhiều người chưa chịu chấp hành quy định về nước đúng thời hạn. Bên cạnh đó, 2 năm gần đây Nhật Bản trở thành thị trường hấp dẫn đối với người lao động trong tỉnh, chiếm khoảng 41% tổng số người đi xuất khẩu lao động. Hiện có khoảng 2.000 lao động của tỉnh đang làm việc tại Nhật Bản, trong đó có hơn 40 lao động ở lại cư trú bất hợp pháp.

Cán bộ Công an tỉnh đọc lệnh bắt đối với Trần Thị Thắng ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao là đối tượng trong vụ án đưa người đi lao động trái phép tại Cộng hòa Síp.

Nói “không” với lao động “chui”Sau 13 năm lưu lạc xứ người, cuối năm 2016, chị Phùng Thị Dứa ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn đã tìm được đường về nước và tố cáo sự việc mình bị nhóm đối tượng lừa bán sang Trung Quốc. Từ nguồn tin đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra làm rõ hành vi phạm tội mua bán người của nhóm đối tượng này. Chỉ vì nhẹ dạ, tin là có công việc nhàn hạ mà lương cao, Dứa đã bị các đối tượng lừa đưa đến thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh rồi theo đường tiểu ngạch vượt biên sang Trung Quốc bán vào ổ mại dâm. Lợi dụng sơ hở, Dứa đã bỏ trốn đi lang thang nhiều nơi sau đó lấy chồng Trung Quốc. Căn cứ vào hành vi phạm tội, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt 3 bị cáo từ 27 tháng đến 3 năm tù treo, thời gian thử thách từ 54 tháng đến 5 năm. Đó là hình phạt cảnh tỉnh những đối tượng mua bán người và là bài học cho những cô gái nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác trước thủ đoạn của kẻ xấu. Trước đó, năm 2017, đối tượng Trần Thị Thắng, sinh năm 1960, ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao trong đường dây đưa 29 người xuất cảnh trái phép sang Cộng hòa Síp lao động cũng bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 15 năm, 6 tháng tù.Theo kết quả thụ lý và giải quyết các vụ án hình sự, năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử 2 vụ/3 bị cáo liên quan đến tội tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Để chấn chỉnh lại công tác xuất khẩu lao động, kể từ năm 2008-2018, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tổ chức kiểm tra, thanh tra 13 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và điểm tư vấn tiếp nhận hồ sơ lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã chấn chỉnh những vướng mắc, tồn tại của các doanh nghiệp: Chưa hoàn trả phí kịp thời khi người lao động không được xuất cảnh, phát sinh của người lao động ở nước ngoài như việc làm, tiền công… chưa được giải quyết đầy đủ, chưa chấp hành chế độ báo cáo với các cơ quan chức năng… Hiện, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã thu thập tài liệu, báo cáo UBND tỉnh chuyển cơ quan Công an điều tra, làm rõ hoạt động không minh bạch, có biểu hiện vi phạm trong đào tạo, thu tiền của Trung tâm cung ứng nguồn nhân lực quốc tế - Văn phòng đại diện tại Phú Thọ thuộc Công ty TNHH đầu tư quốc tế Mai Linh tại Phú Thọ; thu thập tài liệu các hoạt động của bà Phùng Thị Mười Linh (lấy danh nghĩa Công ty CP Vạn Xuân Vivaxan) đứng ra thu tiền của người lao động đi xuất khẩu lao động không đúng quy định…

Số vụ việc bị phát hiện, xử lý hiện nay còn quá ít so với thực trạng số lao động “chui” mà ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp. Để ngăn chặn tình trạng lao động xuất cảnh trái phép, Thượng tá Phương Thị Bích Ngọc cho biết thêm: Lực lượng công an cần tăng cường “nắm người, nắm hộ” bằng việc tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương đưa công an chính quy về cấp xã để quản lý địa bàn. Đồng thời, tăng cường điều tra, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với những trường hợp môi giới, các tổ chức đưa người đi lao động trái phép, kể cả đối với những công dân nhập cảnh, cư trú trái phép tại các nước. Cùng với đó, các ngành chức năng, nhất là chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, xuất nhập cảnh; vận động các gia đình có người thân đang lao động trái phép nhanh chóng trở về địa phương. Đối với những “khách du lịch” sang Thái Lan vì phương thức đi hợp pháp, nhưng ở lại lao động bất hợp pháp thì các địa phương rất khó quản lý, tuyên truyền. Chính người lao động phải biết cách tự bảo vệ mình trước những rủi ro nơi đất khách quê người. Về mặt Nhà nước, cần có hợp tác song phương về vấn đề lao động, việc làm; phối hợp với các công ty tuyển dụng để đưa lao động sang Thái Lan bằng con đường hợp pháp. Có như vậy quyền lợi của người lao động mới được đảm bảo và hạn chế được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.Nguyên nhân chủ yếu của lao động “chui” là do nhu cầu việc làm hiện nay ở các địa phương tăng cao, vì vậy, vấn đề then chốt hiện nay chính là phải giải quyết được việc làm ngay tại địa phương. Để làm được điều đó, một mặt, các cơ quan chức năng như: Công an, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường quản lý, điều tra, xét xử đối với các trường hợp tổ chức xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động “chui”. Mặt khác, chính quyền các cấp cần tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, mở rộng liên kết thị trường lao động, có chính sách hỗ trợ để người dân được tiếp cận với những thị trường lao động phù hợp, đồng thời rà soát lại các công ty làm công tác xuất khẩu lao động, kiên quyết thu hồi giấy phép những công ty năng lực yếu kém, có như vậy, xuất khẩu lao động mới mang tính bền vững.

Hồng Nhung - Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201911/ky-2-can-nhieu-giai-phap-can-co-167586