Kỳ 2: Câu chuyện từ thị trường Nhật Bản

Năm 2020, gần 28 nghìn lao động Việt Nam sang tu nghiệp tại Nhật Bản. Đây là một trong những thị trường hàng đầu thu hút lao động Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản vẫn là tiềm năng nhưng đang tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Theo Trung tâm Cứu trợ thiệt hại cho người Việt Nam sang Nhật Bản (Dự án Vết xe hy vọng Việt Nhật), người lao động nghèo bị coi là công cụ kiếm tiền, để làm giàu cho các công ty xuất khẩu lao động và Nghiệp đoàn (cơ quan quản lý thực tập sinh tại Nhật) thông qua các hành vi như lừa dối, gian lận, bóc lột, giả mạo giấy tờ, thu tiền vượt và trái quy định.

Họ thường sử dụng visa ngắn hạn để đưa người Việt Nam sang Nhật Bản như một hình thức buôn bán lao động. Họ quảng cáo, phóng đại, cung cấp thông tin sai sự thật… làm cho bộ phận giới trẻ Việt Nam có suy nghĩ như thiên đường khi đi lao động, học tập tại Nhật Bản.

Thực tế khác xa những hứa hẹn

Chị Nguyễn Phương Nhung (giữa) ít có cơ hội gặp gỡ bạn bè khi làm việc tại Nhật Bản.

Chị Nguyễn Phương Nhung (giữa) ít có cơ hội gặp gỡ bạn bè khi làm việc tại Nhật Bản.

Tìm hiểu thực tế một số trường hợp đã và đang lao động tại Nhật Bản, phóng viên tìm gặp chị Nguyễn Thị Ngân (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) đã có 3 năm tu nghiệp tại thành phố Shikokuchuo thuộc tỉnh Ehime, Nhật Bản. Ngân cho biết, tại đây cô làm việc cho một nhà máy sản xuất bánh, mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, cô tiết kiệm được từ khoảng 10 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng, tùy mùa.

“Mùa đông, nhu cầu của khách tăng cao, phải làm thêm nhiều, kiếm được hơn, chứ các mùa khác cũng thấp. Bọn em ở vùng này mức lương thấp hơn các thành phố lớn cho nên để đạt được 20 triệu giai đoạn đấy, cũng vất vả lắm”, Ngân kể lại.

Ngân đã về nước được 2 năm, nói về khoảng thời gian ở Nhật Bản, cô cho biết, đó là khoảng thời gian cô phải tự vận động vượt lên bản thân rất nhiều để phù hợp với môi trường mới, không người thân. Đặc biệt, những hứa hẹn từ Công ty xuất khẩu lao động đưa cô sang Nhật không hoàn toàn đúng những gì tu nghiệp sinh biết đến. Cho nên, sang đến nơi cô cũng mất một thời gian để ổn định lại cuộc sống và chấp nhận hoàn cảnh thực tế để lao động hết 3 năm và tiết kiệm vốn làm ăn khi về quê.

Chị Nguyễn Phương Nhung (Đông Hưng, Thái Bình) sinh năm 1995, đã tốt nghiệp Cao đẳng chuyên ngành Giáo dục mầm non. Nhung đã có nhiều năm tự lập tại Hà Nội và cô tin với sự chăm chỉ, không ngại va chạm của mình, cô có thể đổi đời nếu đến các thị trường lao động lớn hơn.

Tháng 10/2019 Nhung đến Nhật Bản thông qua một trung tâm xuất khẩu lao động do người quen giới thiệu. Nhung đến tỉnh Kanagawa theo diện vừa học vừa làm. Nhung ở Nhật được khoảng 4 tháng thì dịch COVID-19 bùng phát khiến cô rất khó tìm việc.

“Số tiền khoảng 200 triệu đồng em nộp cho trung tâm là bao gồm tiền vé sang, học tiếng hơn 1 năm và nơi học tiếng họ sẽ giới thiệu việc làm thêm cho em”, Nhung kể.

Sau những tháng ngày bỡ ngỡ, Nhung đã tìm được công việc làm thêm là sơ chế đồ ăn cho một nhà hàng tại địa phương, sáng đi học may, tầm 5 giờ chiều đi làm đến nửa đêm, còn cuối tuần thì làm tăng ca…. guồng quay đó trong thời dịch cũng gần như giúp Nhung đủ tự trang trải việc sống và học tập bên Nhật, còn tiết kiệm không được là bao.

“Vất vả em có thể chịu được nhưng buồn nhất là ít bạn bè, vì dịch, đã 2 tết em không được về nhà. Ở bên này sống chung với 3 bạn khác nhưng cũng toàn lệch giờ làm, giờ học của nhau cho nên có người cả tháng không gặp nhau. Em cũng mong dịch sớm ổn định thì kinh tế mới đỡ hơn và có khả năng về thăm nhà được”, Nhung tâm sự.

Câu chuyện của Nhung và Ngân nằm trong vô vàn những câu chuyện người Việt Nam đi lao động tại Nhật – một thị trường đang thu hút lượng lao động lớn nhất hiện nay từ Việt Nam.

Nhiều lao động Việt Nam phải mất không ít thời gian mới thích nghi được môi trường làm việc tại Nhật Bản . Ảnh minh họa

Chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích của người lao động

Mới đây (ngày 3/3/2021), Thanh tra Chính phủ cũng ban hành Thông báo kết luận thanh tra số 351 về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2013-2018.

Theo Kết luận, Bộ LĐ-TB&XH chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp đàm phán với nước ngoài để giảm chi phí cho người lao động; trong thời gian dài không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp.

Từ đó, dẫn tới người lao động (hầu hết là người nghèo khó) phải chi trả số tiền lớn mà chính sách của thị trường tiếp nhận là không phải chi trả (Đài Loan-Trung Quốc, Nhật Bản). Việc quy định mức phí, phí đào tạo thị trường Nhật Bản chưa phù hợp với chính sách và Thỏa thuận đã ký của Nhật Bản và không đúng với tình hình thực tế, gây ảnh hưởng đến người lao động, là nguyên nhân cơ bản khiến người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ: Cục Quản lý lao động ngoài nước không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản, dẫn đến trong thời gian dài người lao động phải chi trả mức phí quá cao (7.000 USD đến 8.000 USD/ người). Tham mưu ban hành văn bản quy định mức thu phí và phí đào tạo thị trường Nhật Bản không đúng với thỏa thuận đã ký và chính sách của Nhật Bản. Trong thời gian dài, không có biện pháp tham mưu với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội giải quyết vấn đề tiền môi giới Đài Loan-Trung Quốc và Nhật Bản.

Ảnh minh họa

Nhu cầu vẫn tăng cao

Ông Nguyễn Huy Tùng (hiện đang sống tại Sakura) một người môi giới lao động đã sống tại Nhật 15 năm cho biết: “Trung tâm của mình không lớn, mức thu nhập mình đưa ra luôn ở mức thấp nhất nếu không có giờ làm thêm và chi phí sinh hoạt phải ở mức sống được chứ không quá kham khổ. Vì vậy, lượng lao động bọn mình đưa được qua đây không nhiều. Đa số người đi với ước vọng đổi đời nhưng bọn mình nói rõ hiện thực vậy nên không nhiều bạn thấy hấp dẫn. Bù lại là sự duy trì ổn định của trung tâm mình những năm vừa qua, hơn nữa cũng ít có trung tâm có người thường trực tại Nhật, trong khi mình là diện “vĩnh trú” rồi cho nên có thể giúp các bạn vượt qua những khó khăn về văn hóa ban đầu tại Nhật”.

Ông Tùng chia sẻ thêm: Nhiều chuyện thực tế khác với trên giấy tờ không chỉ người lao động mà cả các trung tâm xuất khẩu lao động cũng không nắm rõ được. Ví dụ có những nhà máy trụ sở ở thành phố nhưng họ có các nhà xưởng, chi nhánh ở những vùng sâu, vùng xa khó khăn, khi dự tuyển thì người lao động nghĩ được ở thành phố nhưng lại bị điều chuyển lên những vùng này, khó khăn trong giao tiếp vì không thông thạo tiếng Nhật là bất lợi lớn nhất khiến người lao động khó có thể tìm ngay việc khác khi mới sang. Theo kinh nghiệm của ông Tùng, thị trường lao động Nhật Bản ngày càng khan hiếm lao động.

Nhìn vào tốc độ già hóa dân số nhanh chóng của Nhật Bản có thể thấy đất nước này rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Để tháo gỡ vấn đề nan giải này, Chính phủ Nhật Bản đang coi nâng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp tối ưu. Ngoài ra, thu hút lao động nước ngoài cũng là một biện pháp giúp Nhật Bản giải quyết tình trạng khan hiếm lao động ở một số ngành nghề cần nhiều sức khỏe mà người cao tuổi không đáp ứng được.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có khoảng 650.000 lao động làm việc ở nước ngoài tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, những thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nhật Bản, Đài Loan-Trung Quốc, Hàn Quốc.

Nhưng để lao động Việt Nam vững chân ở thị trường nước ngoài, không bị bỏ rơi, trước hết Bộ LĐ-TB&XH cần phải có những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những vướng mắc, hạn chế về quản lý trong lĩnh vực này.

Cụ thể là giải quyết bất cập về phí, chi phí đào tạo, môi giới quá cao; ban hành cơ chế, chế tài quản lý lao động bỏ trốn; phát triển thị trường lao động ngoài nước có thu nhập cao…

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đào tạo, thu phí, tiền môi giới, “bỏ rơi” người lao động.

Các địa phương phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, nhất là hoạt động của các văn phòng tư vấn, tuyển chọn lao động trên địa bàn, kịp thời xử lý, cảnh báo sớm cho người lao động tránh bị mắc bẫy lừa đảo. Có như vậy, thị trường xuất khẩu lao động mới từng bước phát triển lành mạnh, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/ky-2-cau-chuyen-tu-thi-truong-nhat-ban/430588.vgp