Kỳ 2: Huổi Luông thay áo mới

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc năm 1979, các xã: Huổi Luông, Ma Ly Pho, Mù Sang, Sì Lở Lầu... của huyện Phong Thổ (Lai Châu) bị tàn phá nặng nề. Hơn 40 năm qua đi, địa bàn biên giới từng là vùng chiến sự trên tỉnh Lai Châu đã chuyển mình với diện mạo mới.

Huổi Luông thay da đổi thịt, xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, "về đích" nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển cây trồng, chăn nuôi... nhiều khởi sắc - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Huổi Luông thay da đổi thịt, xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, "về đích" nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển cây trồng, chăn nuôi... nhiều khởi sắc - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Rời Mường Tè, chúng tôi đến huyện Phong Thổ. Con đường vào Phong Thổ được đầu tư nâng cấp, mặt đường trải nhựa phẳng lỳ. Nhiều đèo, dốc được hạ độ cao, giảm độ dốc. Mùa này, dọc đường vào Phong Thổ, những bản làng bừng sáng bởi những cây đào nở muộn cùng hoa mận trắng tinh khôi. Những cánh đồng hoa hồng của các nhà dân hai bên đã bắt đầu trổ hoa.

Con suối Nậm Na lững lờ chảy dọc theo cung đường biên giới. Đứng bên này nhìn sang bên kia nước bạn, xã Nà Phà (huyện Kim Bình, Vân Nam, Trung Quốc) cũng có con đường trải nhựa chạy men theo sông, nhà tiếp nhà, núi đồi trùng trùng nối nhau, gần tới mức tưởng có thể nhìn rõ mặt người.

Chúng tôi dừng chân thắp nén hương tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ tại xã Ma Ly Pho và xã Huổi Luông. Những dòng tên liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc được khắc ghi trên tấm bia chính là minh chứng lịch sử để nhắc nhớ nhắc nhở về một giai đoạn lịch sử bi hùng.

Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, các xã Huổi Luông, Ma Ly Pho, hay Sì Lờ Lầu... từng là tuyến đầu trong cuộc chiến đấu xưa đã có sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Vùng khó khăn biên giới ngày nào trở thành những vùng nông thôn mới năng động.

Chúng tôi vào thăm xã Huổi Luông, cách trung tâm thị trấn Phong Thổ khoảng 30 km. Xã có 21 bản với trên 7.700 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì cùng sinh sống.

Thiếu tá Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông (cán bộ biên phòng tăng cường) cho biếthơn chục năm về trước, xã Huổi Luông có trên 70% hộ gia đình thuộc diện nghèo, nhiều thôn bản "trắng" về tổ chức cơ sở Đảng; tình hình an ninh chính trị phức tạp…

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền, nhân dân xã Huổi Luông, bộ mặt nông thôn của xã biên giới đã thay da đổi thịt, nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay,Huổi Luông đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; cuối năm 2020, xã đã "về đích" nông thôn mới. Số hộ nghèo giảm đáng kể (còn 49,9%), thu nhập bình quân đầu người đạt 37,35 triệu đồng/năm.

"Hiện nay, Huổi Luông có 90% các tuyến đường liên thôn được bê tông hóa, 100% tuyến đường liên xã cũng được nhựa hóa rồi. 2/3 trường học đã đạt chuẩn quốc gia và trạm y tế cũng đạt trạm chuẩn quốc gia. Xã cũng có 4 bản thực hiện chương trình nước sạch…", ông Lê Văn Dung phấn khởi nói.

Đã từng là nơi bị chiến tranh tàn phá, Huổi Luông bây giờ tràn đầy sức sống với những nương lúa, ngô, cây ăn quả lên xanh ngút ngàn, đàn bò, đàn dê ngày càng nhiều hơn trên những quả núi đồi… Năm vừa 2022, người dân Huổi Luông đã trồng được 36 ha quế, 29 ha xoài, 18 ha chanh leo, 18 ha rừng phòng hộ…

"Rút kinh nghiệm từ mô hình chuối thương phẩm trên địa bàn xã do không có sự liên kết, chủ yếu là tự phát khiến giá cả thất thường, lúc giá cao 18.000/kg, lúc xuống thấp chỉ có 3.000/kg, cấp ủy, chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các mô hình có sự liên kết với các doanh nghiệp, công ty để ổn định được giá trị sản phẩm cũng như đầu ra của hàng hóa, nông sản", ông Lê Văn Dung cho biết.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông "ba bám, bốn cùng" với người dân, giúp bà con phát triển các mô hình kinh tế, an sinh xã hội - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đồng hành với cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân xã Huổi Luông là các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông. Các anh thường xuyên thực hiện "ba bám, bốn cùng" với người dân, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Kiểm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết với phương châm "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", trong những năm qua, ngoài việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên địa bàn được phân công, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông còn luôn sâu sát cơ sở, ngày đêm bám nắm địa bàn để giúp đỡ chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương là chuối do không bán được sang thị trường nước bạn, khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng lớn, thu nhập của các hộ giảm mạnh. Để giải quyết khó khăn đó, đầu năm 2023, đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ triển khai mô hình trồng chanh leo thương phẩm. Đến nay, trên địa bàn xã đã trồng thí điểm được 18 ha chanh leo, dự kiến đến đầu năm 2024 sẽ thu hoạch vụ đầu và sản phẩm đầu ra sẽ được Phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu.

Chị Vàng Thị Đìm, người dân tộc Hà Nhì ở bản Pô Tô, xã Huổi Luông cho hay, trước đây gia đình chị trồng chuối cho thu nhập tốt, nhưng hiện nay giá trị cây chuối xuống thấp, gia đình chị chuyển sang trồng chanh leo.

"Huyện hỗ trợ hơn 50 cây giống và phân bón, các chú bộ đội giúp đào hố, bón phân, trồng cây, hướng dẫn kỹ thuật, bà con chỉ phải bỏ sức để trồng nên rất thuận lợi", chị Đìm cho hay.

Ngoài ra, được cán bộ xã, bộ đội hướng dẫn cách chăn nuôi, khử khuẩn, thuốc thang cho lợn gà, gia đình chị Đìm dần phát triển đàn chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ vài ba con lợn, gà, vịt đến nay lên tới hàng chục con… Hiện nay, thu nhập của gia đình chị từ chăn nuôi đạt khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm. "Lại thêm mấy chục triệu từ nương sắn, ngô… Có khi cả trăm triệu cũng có", chị Đìm vui vẻ tiết lộ.

Được sự hỗ trợ của địa phương, bộ đội biên phòng, gia đình chị Vàng Thị Đìm phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ vài ba con lợn, gà, vịt đến nay lên tới hàng chục con - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Dung cho biết tới đây, xã sẽ tiến hành rà soát, cùng với các phòng, ban của huyện thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để đưa một số cây chủ lực vào trồng như cây macca, dong riềng, mía và một số cây ăn quả khác.

Các hạng mục giao thông cho khu sản xuất cũng được tập trung đầu tư. Năm nay, xã đã tham mưu cho huyện đầu tư 4 tuyến đường tới 4 khu sản xuất tập trung ở bản Huổi Luông 1, 2, Hồ Thầu, Pô Tô, Ma Lù Thàng 1, 2… để tạo điều kiện cho người dân có cơ hội để phát triển kinh tế, đồng thời đề nghị với huyện, các cấp, thông qua hội đàm với Trung Quốc mở cửa lối mở kinh tế để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân giao thương hàng hóa nông sản địa phương.

"Gieo hạt giống đỏ" nơi biên cương

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để vùng đất biên viễn như Huổi Luông từng bước xóa đói giảm nghèo, đó là việc củng cố, nâng cao năng lực hoạt động tổ chức Đảng, chính quyền ở cơ sở.

Là cán bộ biên phòng tăng cường xã từ năm 2007, ông Lê Văn Dung nhớ lại những năm 2005-2010, tại 75 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu, tình trạng bản "trắng" đảng viên tồn tại dai dẳng, trở thành nỗi lo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây chính là những trở ngại khiến cho các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khó đến được với bà con.Cũng từ đó, cái đói, cái nghèo và những hủ tục cứ đeo bám lấy đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Đối với Huổi Luông, khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, xã gặp không ít khó khăn, trở ngại, trong đó năng lực của nhiều cán bộ, đảng viên chưa đạt yêu cầu.

"Thời điểm đó, rất nhiều lãnh đạo, cán bộ, công chức xã chưa phải đảng viên, chưa qua đào tạo, có đồng chí trình độ văn hóa mới chỉ hết cấp 1, không có chuyên môn. Nhiều thôn bản chưa có đảng viên, tổ chức Đảng. Đội ngũ đảng viên ít, năng lực hạn chế nên việc triển khai chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương đến với nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Từ đó, chúng tôi xác định phải bồi dưỡng phát triển đội ngũ đảng viên đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng", Thiếu tá Lê Văn Dung cho hay.

Do đó, Đảng ủy xã đã xây dựng, ban hành nghị quyết phát triển đảng viên, xóa bỏ tình trạng "trắng" đảng viên ở các thôn, bản. Nghị quyết như thổi luồng gió mới vào tinh thần đoàn kết, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức xã biên giới.

Ông Lê Văn Dung nhớ lại những ngày đó: "Từ thực tế bám địa bàn, tôi nhận thấy quần chúng nhân dân ở các thôn bản chưa có tổ chức đảng đều rất triển vọng. Cùng với việc bồi dưỡng quần chúng ưu tú, chúng tôi cũng đề nghị với cấp trên điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với phát triển đảng ở địa phương".

Thiếu tá Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông (bên phải) là cán bộ biên phòng tăng cường xã. Huổi Luông xác định một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để từng bước xóa đói giảm nghèo là củng cố, nâng cao năng lực hoạt động tổ chức Đảng, chính quyền ở cơ sở - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đến nay, tất cả thôn, bản trên địa bàn xã đều có tổ chức Đảng. Xã Huổi Luông có 26 chi bộ trực thuộc và có hơn 200 đảng viên. 70% Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng bản, hầu hết Trưởng bản là Đảng viên. Mỗi năm Đảng bộ xã Huổi Luông đều vượt chỉ tiêu đề ra về phát triển đảng viên mới. Các cán bộ, công chức trong chính quyền xã đều có trình độ văn hóa 12/12, 80% có trình độ chuyên môn đại học, 90% có trình độ trung cấp lý luận chính trị…

"Đảng ủy Đồn Biên phòng Huổi Luông cũng đang phân công 28 đảng viên phụ trách 138 hộ là những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách... Đồng thời, phân công 11 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 11 chi bộ bản, để tham mưu, giúp cấp ủy chi bộ các thôn, bản nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ cơ sở", Thiếu tá Nguyễn Hữu Kiểm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông cho hay.

Thực tế tại Huổi Luông cho thấy, hầu hết các đảng viên ở các chi bộ thôn bản đều chấp hành tốt các quy định, điều lệ Đảng. Được là Đảng viên, nhiều bà con ở tu chí làm ăn, chăm chỉ lao động, thoát nghèo. Phần nhiều đảng viên ở các thôn bản không còn là hộ nghèo.

Những " hạt giống đỏ" này sẽ mở lối cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng, hăng hái phát triển kinh tế để thoát nghèo. Đây sẽ là những nhân tố tích cực tạo nên sự đổi thay ở bản làng, xây dựng hệ ý thức trong giai đoạn mới, để biến những suy nghĩ, khát khao về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thành động lực và hành động cụ thể.

(còn tiếp)

Hoàng Giang

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ky-2-huoi-luong-thay-ao-moi-102230315102145421.htm