Kỳ 2: Khoảng trống về chính sách pháp lý

Có một thực tế, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thường là nhóm đối tượng đặc thù chịu nguy cơ 'kép' về bạo lực, bạo lực tình dục. Đáng lo ngại là, phần lớn nạn nhân không dám chia sẻ với ai, số rất ít dám đến trình báo chính quyền địa phương. Việc sớm hoàn thiện các chính sách pháp luật đặc thù dành cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong phòng, chống xâm hại trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.

Những sự thật nhức nhối

Theo báo cáo tình hình người khuyết tật năm 2018 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, hiện có 101.844 người khuyết tật, trong đó nữ chiếm 49%, trẻ em chiếm 12,3%. Kết quả khảo sát thực trạng phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực tình dục tại hai địa phương là huyện Ba Vì (Hà Nội) và Thanh Khê (Đà Nẵng) của Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người đã từng bị ít nhất 1 hình thức bạo lực tình dục.

Trong đó, nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao, trên 35%. Có những người bị lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm cả hành vi bắt ép quan hệ tình dục.

Cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người đã từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. (Ảnh minh họa)

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương – đại diện ACDC cho biết, đa số nạn nhân cảm thấy sợ hãi, khó chịu nhưng không dám làm gì hoặc im lặng trước các hành vi bạo lực tình dục. “Các hành vi từ lời nói đến hành động ép buộc quan hệ tình dục đã để lại hậu quả tương đối nghiêm trọng cho nạn nhân như nạn nhân cảm thấy bị xúc phạm, coi thường, đầu óc căng thẳng, lo sợ, xấu hổ, thậm chí là mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai…” - Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Ghi nhận thực tế, nguyên nhân khiến cho các vụ bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật bị chìm vào quên lãng là do phần lớn nạn nhân không dám chia sẻ với ai, số rất ít dám đến trình báo chính quyền địa phương.

Nhiều người khuyết tật cũng chưa được trang bị kỹ năng phòng chống bạo lực tình dục, nên khi bị tấn công, họ hầu như không thể làm gì được. Bổ sung kết quả nghiên cứu quanh vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương cho biết, 27%-40% phụ nữ khuyết tật dù sợ hãi, khó chịu nhưng không dám làm gì, thậm chí im lặng hoặc đã phản đối, chống cự nhưng không làm gì được…

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

Quanh vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ khuyết tật, hiện Việt Nam có khung pháp lý về phòng chống bạo lực tình dục nói chung đã tương đối hoàn chỉnh. Chẳng hạn, với nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em gái có Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã đề cập về việc phải bảo vệ những quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 20).

Nhiều chương trình tuyên truyền, tọa đàm về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật đã được tổ chức, góp phần nâng cao kiến thức và nhận thức về bạo lực tình dục với phụ nữ khuyết tật. Ảnh: Giang Nam

Ngoài ra, có không dưới 10 đạo luật có quy định về phòng và chống bạo lực tình dục như: Bộ luật Hình sự 2015, Bộ Luật Lao động 2012; Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007, Luật phòng chống mua bán người 2011, Luật trẻ em 2016; Luật Giáo dục 2005; Luật Khám chữa bệnh 2008…

Quấy rối tình dục có thể hiểu là khi một người có các cử chỉ/ hành vi hoặc lời nói liên quan đến tình dục với người khác làm cho người bị quấy rối cảm thấy khó chịu hoặc sợ hãi;

Lạm dụng tình dục có thể hiểu là khi một người dùng lời nói hay hành động nhằm lợi dụng người khác để thực hiện một số hành vi liên quan đến tình dục (sờ mó bộ phận sinh dục hoặc các bộ phận khác trên cơ thể, đưa ngón tay hoặc bộ phận sinh dục của họ vào hậu môn/bộ phận sinh dục của một ai đó, bắt một ai đó sờ mó bộ phận sinh dục của họ, chụp ảnh khỏa thân, khoe bộ phận sinh dục cho người khác thấy, hoặc rình/ xem trộm cơ thể, cố tình cho ai đó xem phim khiêu dâm, ảnh khỏa thân nhằm khiêu dâm);

Bạo lực tình dục có thể hiểu là khi ai đó sử dụng lời nói hay hành động đe dọa, cưỡng ép người khác để thực hiện các hành vi liên quan đến tình dục, kể cả quan hệ tình dục (giao hợp) với người đó gây tổn hại đến cơ thể hoặc tâm lý của người bị hại. Bạo lực tình dục bao gồm quấy rối tình dục; lạm dụng tình dục; cưỡng ép kết hôn hoặc chung sống cưỡng ép mang thai; cưỡng ép làm mại dâm; cưỡng ép nạo phá thai…

Dẫn như vậy để thấy rằng, hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chế tài xử lý đã có. Thậm chí, với chủ thể có hành vi bạo lực tình dục còn có chế tài xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe và phòng ngừa cao. Minh chứng dễ thấy nhất là trong các điều luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ Luật Hình sự đều quy định: Hành vi bạo lực tình dục mà nạn nhân hay người bị hại là người khuyết tật được coi là tình tiết tăng nặng để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tuy nhiên, theo luật sư Lê Hải Yến hiện vẫn còn những “khoảng trống” trong các văn bản pháp lý liên quan. Minh chứng dễ thấy nhất là hiện vẫn thiếu định nghĩa, giải thích các thuật ngữ khác nhau liên quan đến bạo lực tình dục trong các văn bản pháp luật. Nói cách khác, trong một số các văn bản pháp luật của Việt nam hiện nay mới chỉ đề cập đến các thuật ngữ về bạo lực tình dục mà thiếu định nghĩa cụ thể, thiếu mô tả chi tiết dẫn đến khó khăn nhất định trong việc nhận diện, phân định các hành vi vi phạm và áp dụng pháp luật để xử lý người có hành vi bạo lực tình dục trong thực tiễn.

Ngoài ra, các văn bản quy phạm vẫn thiếu một số chế tài tương ứng xử lý chủ thể vi phạm quy định cấm liên quan đến bạo lực tình dục. Chẳng hạn, Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động (Nghị định số 95/2013/NĐ-CP; NĐ 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung NĐ 95/2013/NĐ-CP) vẫn thiếu chế tài xử phạt chủ thể có hành vi quấy rối tình dục người lao động trong quan hệ.

Ngoài ra, một số đạo luật có liên quan như Luật Bình đẳng giới 2007; Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007; Luật Người khuyết tật 2010… vẫn thiếu quy định ở tầm chính sách đặc thù khẳng định phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật là đối tượng đặc biệt cần có chính sách đặc biệt hỗ trợ, bảo vệ khỏi hành vi bạo lực, bạo lực tình dục.

Bà Phan Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo vệ quyền trẻ em cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ khuyết tật bị xâm hại tình dục, có thể đến từ phía thủ phạm, gia đình thiếu kiến thức và nhận thức đúng đắn. Ngoài ra, khi trẻ khuyết tật bị xâm hại, bố mẹ thường che giấu, e ngại không muốn nói ra, đó cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng trẻ khuyết tật bị xâm hại tình dục có diễn biến phức tạp…

Để ngăn ngừa tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em nói chung, trẻ khuyết tật nói riêng, bà Phan Thị Lan Hương cho rằng, việc chia sẻ kiến thức phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ vô cùng cần thiết. Gia đình và nhà trường cần trang bị những kỹ năng, dạy cho trẻ những vị trí nào trên cơ thể là nhạy cảm, cho trẻ hiểu về không gian và khoảng cách an toàn để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân…

Giang Nam – Lê Thắm

Còn nữa…

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-khoang-trong-ve-chinh-sach-phap-ly-101851.html