Kỳ 2: Kịch tính 'màn kịch mua cỏ' của PV khiến 'tay buôn cáo già' sập bẫy

Kinh doanh hàng cấm nên những tay buôn hạt, cây giống 'cỏ' luôn ém mình trong bóng tối

Kinh doanh hàng cấm nên những tay buôn hạt, cây giống “cỏ” luôn ém mình trong bóng tối. Phải trở thành khách quen, trải qua vô số thử thách, khách hàng mới được giới này chấp nhận, ra mặt giao dịch trực tiếp. Sau cuộc ngả giá, công tác giao nhận hàng diễn ra chóng vánh trên những địa điểm bí mật cùng các ám hiệu bí ẩn. Thậm chí, kẻ mua người bán còn tổ chức nhiều màn giao dịch sặc mùi xã hội đen khi tổ chức đánh, cướp “hàng” đối phương.

Liên tục thay đổi địa điểm giao nhận hàng

Sau thời gian dài tham gia trao đổi, tìm hiểu dịch vụ cung ứng hạt, cây con cần sa, PV quyết định đặt “hàng” với L. “cần sa”. Mặc dù được giới thiệu từ người quen, người này vẫn không tin tưởng “bạn hàng” mới. Khi được PV cho biết sẵn sàng trở thành đại lý con, L. “cần sa” tỏ ra nghi ngờ, liên tục chất vấn PV về địa bàn hoạt động, tiềm năng trong việc tiêu thụ “hàng”.

Người này cho biết: “Mình chỉ đồng ý cung cấp, bỏ sỉ hạt thôi chứ không bỏ sỉ cây giống. Nhưng không giống như kinh doanh các mặt hàng khác, hàng này mua rồi không trả lại được. Bạn cũng phải có địa bàn bán riêng, có nhiều bạn hàng riêng, không được rao bán, giao hàng ở nơi tôi đang làm. Ok (đồng ý-PV) thì tôi tính lại”.

Khi được PV chấp nhận mọi yêu cầu, người này cho biết chỉ giao dịch khi PV đồng ý mua “hàng” có giá trị từ 1 triệu đồng trở lên. Chiều 1/4, PV được người này yêu cầu cung cấp số điện thoại, biển số xe, tài khoản mạng cá nhân để … kiểm tra. L. “cần sa” cho biết, các thao tác trên chỉ để củng cố thêm niềm tin, chứng minh khách hàng không phải là công an chìm. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, PV nhận thấy, để được tiếp cận với các tay buôn “cỏ” không chỉ đơn giản như vậy. Bằng cách nào đó, các đối tượng này kiểm tra thông tin khách hàng, họ còn liên tục thử thách người mới bằng vô số chiêu độc.

Ngày 2/4, PV liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại gọi đến với nội dung cần mua “cỏ”. Sau ít phút, các số lạ lại gọi và cho biết được người khác giới thiệu tìm PV để mua hạt giống cần sa. Chỉ khi PV liên tục trả lời không có “hàng” để bán và “đang tìm nguồn”, những người này mới không tiếp tục gọi điện. Sáng ngày 4/4, PV tiếp tục nhận được tin nhắn trên mạng cá nhân từ L. “cần sa”. Người này cho biết, đồng ý ra mặt trực tiếp cung cấp cho PV 100 hạt cần sa thuộc dòng Afghan Auto Feminized với giá 220.000 đồng/hạt và hẹn ra quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12, TP.HCM) lấy hàng.

Hạt giống cần sa nội địa PV mua được từ người bán với giá 100.000 đồng/hạt

Tuy nhiên, khi PV có mặt tại điểm hẹn, L. “cần sa” không xuất hiện mà gọi điện cho biết đang kẹt đi lấy “hàng” chưa kịp về. Người này hẹn PV vào ngày khác. Sáng ngày 5/4, PV tiếp tục nhận được điện thoại của L. “cần sa” yêu cầu đến quán cà phê trên đường Lê Văn Sỹ (quận phú Nhuận, TP.HCM) để lấy “hàng”. L. “cần sa” yêu cầu PV lên lầu trên của quán, ngồi bàn gần cửa sổ, quay lưng về phía đường chờ đợi. Tuy nhiên, được ít phút, người này tiếp tục gọi điện, yêu cầu đổi địa điểm giao hàng với lý do quán quá vắng, việc giao hàng dễ bị lộ và không tự nhiên.

L. “cần sa” cho biết, nếu PV không ngại thì đến con hẻm gần đường ray xe lửa cách quán cà phê vừa ngồi không xa để giao dịch trực tiếp. Tại đây, PV được người này yêu cầu ngồi đợi tại một quán nước trong hẻm vắng. Theo quan sát của PV, con hẻm khá rộng nhưng càng vào sâu, hẻm càng nhỏ dần và nhiều ngõ ngách sâu hút, tối đen. Có lẽ, L. “cần sa” chọn con hẻm này để giao dịch bởi nếu “có biến”, người này hoàn toàn có thể “biến mất” trong nháy mắt thông qua những khúc ngoặt tối đen.

Giao dịch sặc mùi xã hội đen

Tại đây, sau khi uống cạn ly chanh đá, quá sốt ruột, PV gọi vào số máy của L. “cần sa”. Tuy nhiên, máy người này báo bận, không liên lạc được. Khoảng 10 phút sau, PV giật mình khi được người thanh niên tướng mạo thư sinh ngồi nghế bên cạnh lên tiếng xin lỗi và cho biết mình chính là L. “cần sa”.

Gấp vội chiếc máy tính bảng, người này đẩy cặp kính cận lên, để lộ con mắt ti hí rồi nói: “Xin lỗi ông. Tôi ngồi đây từ trước khi ông đến. Phải làm vậy để đề phòng ông là công an hoặc tụi cướp hàng. Làm cái này phải cận thẩn là chuyện cần thiết. Ông thông cảm nha”. Nói xong, L. kéo ghế lại gần, móc trong chiếc cặp đựng máy tính bảng túi zipper (loại túi nilon có khóa –PV) chứa những hạt nhỏ màu nâu đưa cho PV xem.

L. “cần sa” đổ hạt cần sa được cho là loại ngoại nhập cho PV lựa chọn

Người này cho biết đây chính là hạt cần sa dòng Afghan Auto Feminized hảo hạng có giá 220.000 đồng/hạt. Sau khi chắc chắn xung quanh không ai chú ý đến câu chuyện giữa 2 người, L. mở túi zipper, đổ hạt ra lòng bàn tay cho PV chọn. Lấy cớ giá quá chát và không đủ tiền, chưa thật tin tưởng hạt nảy mầm, PV yêu cầu chỉ mua 2 hạt để thử nghiệm. L. có vẻ khó chịu nhưng vẫn đồng ý bán với giá hữu nghị 400.000 đồng/2 hạt để giữ mối. Để bảo quản hạt giống, người này nhanh chóng bốc ra 2 hạt PV đã chọn, cho vào 1 túi zipper khác, kéo khóa đậy kín rồi giao lại cho PV.

Khi được hỏi “hàng này xuất xứ từ đâu”, L. “cần sa” cho biết đây là “hàng nhập”. Tuy nhiên, dòng PV vừa đặt mua không còn thuần chủng nữa vì đã bị người này đem về trồng tại nhà để lai tạo. L. “cần sa” cho biết: “Cái này tôi lai ra rồi nên đảm bảo hợp khí hậu TP.HCM. Ông cứ đem về ngâm vào nước ấm khoảng 8 tiếng. Sau đó, đem hạt ra ủ trong khăn ẩm, đến khi hạt nảy mầm thì đem ra trồng. Nhớ khi trồng, ông phải để trong nơi râm mát vì là cây con, nắng quá nó héo mất. Cây được khoảng 3 tuần, mình có thể bón phân. Phân thì ông ra mấy chỗ bán cây kiểng mua về bón. Dòng này khoảng 75-80 ngày là có hoa, có thể thu hoạch”.

Để khách hàng yên tâm, người này cũng khẳng định sẽ bảo hành 1 đổi 1 cho PV nếu hạt không nảy mầm. Giao dịch xong, L. yêu cầu PV ra về trước rồi mới lặng lẽ luồn vào các ngõ hẻm tối đen, biến mất. Theo ghi nhận thực tế của PV, tại TP.HCM có nhiều tay buôn sẵn sàng cung ứng “cỏ”, hạt, cây giống với số lượng lớn cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, các đối tượng này đều không trực tiếp ra mặt giao dịch mà chỉ mua bán qua dịch vụ ship code (dịch vụ giao hàng rồi thu tiền-PV). L. “cần sa” được cho là một trong những tay buôn “cỏ” hiếm hoi dám ra mặt giao dịch trực tiếp.

Thông qua L. “cần sa”, PV được biết, các tay buôn “cỏ” “ngại” giao dịch trực tiếp bởi nhiều vấn đề. Ngoài việc sợ chạm mặt cơ quan chức năng, nhiều tay buôn còn rơi vào bẫy, bị cướp tiền lẫn “hàng” từ những khách hàng “có số má”. L. “cần sa” cho biết: “Chuyện đi giao hàng bị giật, cướp hàng là bình thường. Khách giờ cũng nhiều thành phần. Nếu người giao bị nắm thóp, yếu thế hơn, khách hàng là những tay anh chị thì mình dễ mất cả chì lẫn chài. Thường thì khách loại này hay nói ngại cái này, sợ cái kia, dụ bọn bán hàng đến hẻm, chỗ vắng giao “hàng”. Đến nơi, mình đưa “hàng ra”, nó gọi đồng bọn vây lại, cướp trắng cũng không dám kêu. Chuyện này thường lắm nên tụi nó cẩn thận, không dám gặp khách lạ là điều dễ hiểu”.

L. “cần sa” cho biết: “Cỏ” có mùi rất thơm nên nếu trồng ở chỗ đông người dễ bị phát hiện. Tốt nhất là anh nên trồng ở chỗ kín đáo nhưng phải thoáng khí, có đầy đủ ánh sáng. Nhiều người trồng trong nhà tắm, thắp đèn vào ban ngày, trồng trong nhà đặt trước cửa sổ, … nhưng không đủ ánh sáng, cây không phát triển tốt được. Cây này được trồng ở đất tự nhiên là tốt nhất, chất lượng nhất. Nhưng, ở TP.HCM trồng ngoài đất tự nhiên là bị phát hiện ngay. Do đó, anh nên trồng trên sân thượng. Ngụy trang tốt nhất là mua dòng có lá lạ, có màu khác với dòng thuần chủng. Khi cây lớn, nhìn vào lá, màu sắc của nó không ai biết nó là “cần” đâu chỉ tưởng là cây cảnh bình thường thôi’.

Hà Nguyễn

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ky-2-kich-tinh-man-kich-mua-co-cua-pv-khien-tay-buon-cao-gia-sap-bay-15070.html