Kỳ 2: Kiên trì vượt khó

PTĐT - Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, công tác dân vận góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sau khi hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng, đến nay sân vận động huyện Thanh Thủy đã đưa vào sử dụng, trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

>>> Kỳ 1: Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân

PTĐT - Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, công tác dân vận góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, không phải lúc nào, ở đâu công tác dân vận cũng đạt hiệu quả như mong đợi. Để tiếp tục đổi mới công tác dân vận, xây dựng thêm nhiều mô hình “Dân vận khéo” thiết thực, hiệu quả đòi hỏi sự phải có sự vào cuộc tích cực, kiên trì vượt khó của cả hệ thống chính trị nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ quần chúng nhân dân.

Những khó khăn, bất cập

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương thường nảy sinh nhiều khó khăn, nhất là khi chạm tới quyền lợi thiết thân của người dân. Năm 2018, để phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới, huyện Thanh Thủy phải nâng cấp sân vận động mở rộng 4,8ha thay thế sân cũ chỉ có 1,9ha. Để đáp ứng diện tích trên, huyện phải chuyển sân vận động đến vị trí mới nằm trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gần 100 hộ dân, chủ yếu là khu 5 và 6 của thị trấn. Với lý do giá đền bù quá thấp so với giá thị trường và nghi ngờ cán bộ sau khi thu hồi đất sẽ san ủi mặt bằng để bán đấu giá kiếm lời nên 28 hộ trong số các hộ phải thu hồi đất nhất định không chịu nhận tiền đền bù. Việc nhiều người dân không hợp tác với chính quyền để thu hồi đất, trả mặt bằng sạch cho đơn vị thi công đã khiến thời gian hoàn thiện công trình bị chậm so với kế hoạch. Ở một khía cạnh khác, bên cạnh khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công mà lúc đầu chưa có sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, công tác dân vận ở huyện thời gian qua cũng còn một số hạn chế nhất định. Bà Hoàng Thị Phương An - Trưởng Ban Dân vận, Huyện ủy, Chủ tịch UB MTTQ huyện cho hay: “Việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” chủ yếu do các đoàn thể tự đăng ký. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả mô hình hầu như không thực hiện. Vì thế, nhiều cơ sở đăng ký, chỉ đạo những mô hình đã thành phong trào thường xuyên, ít mô hình mang tính đột phá. Công tác phối hợp trong xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp còn gặp nhiều lúng túng, chưa có mô hình rõ nét, tiêu biểu”. Mặc dù Đoan Hùng là huyện đi đầu trong tỉnh thành lập được Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” và đã đạt được nhiều kết quả song cũng không tránh khỏi những khó khăn, nhất là trong giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân. Điển hình như vụ việc xảy ra cuối tháng 2-2019, người dân khu 2 xã Đông Khê thường xuyên tập trung đông người trước cổng UBND xã dựng lều bạt, đánh trống, căng băng rôn phản đối, yêu cầu Công ty CP vật tư và xây dựng Phú Thọ dừng khai thác cát sỏi và rút toàn bộ phương tiện khai thác trên sông Chảy đoạn qua khu 2; đề nghị được đền bù diện tích đất đã bị sạt lở và kiên cố lại toàn bộ bờ vở sông hiện có, tránh tình trạng sạt lở sâu, gây mất an toàn về người và tài sản. Thách thức đặt ra khi giải quyết sự việc phức tạp này là làm sao để công tác dân vận được áp dụng khéo léo, linh hoạt với sự vào cuộc của chính quyền các cấp nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa, thiết thực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.Thực tế hiện nay, cũng còn một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn cho rằng công tác dân vận cũng là việc của những người ở Ban Dân vận là chính. Rõ ràng, đây là cách hiểu chưa đầy đủ nếu không phải nói là phiếm diện, bởi để dân vận đạt kết quả như mong muốn thì cần có sự đoàn kết, thống nhất, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cũng cần phải nói thêm rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như phong trào chưa được thực hiện rộng khắp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; các điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng hệ thống chính trị còn ít; việc nhân rộng các mô hình, điển hình chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; công tác phối, kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn hình thức.Không những thế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đang mở ra những cơ hội để nâng cao, cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng những thách thức về nguồn lực cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, củng cố quốc phòng, an ninh... còn hạn hẹp; khoảng cách giàu - nghèo gia tăng; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; một số địa bàn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội, các phần tử xấu, thế lực thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, không ngừng tuyên truyền, xuyên tạc, hòng gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Nhờ được tuyên truyền về lợi ích của chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Tư ở khu 7, xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao cho thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Cách làm hợp lòng dân

Qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” cho thấy, việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu về hiệu quả mang lại từ phong trào “Dân vận khéo” là một việc quan trọng, từ đó, định hướng rõ nội dung trọng tâm trong từng giai đoạn, từng loại hình, từng địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện nhưng phải thực sự hướng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực của người dân. Trở lại câu chuyện thu hồi đất nông nghiệp để mở rộng sân vận động ở huyện Thanh Thủy, ông Chu Sỹ Hải - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Chúng tôi phải mất khoảng 5 tháng để thuyết phục, vận động gần 30 hộ chấp thuận trả lại ruộng và nhận đền bù. Bằng cách vận động kiên trì theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi đã đến từng gia đình phân tích rõ lý do không thể nâng giá đền bù vì đây là quy định của HĐNĐ tỉnh, hơn nữa, việc thu hồi đất sản xuất là để xây dựng công trình công cộng mà người hưởng lợi không ai khác chính là nhân dân. Vì thế, cuối năm 2018, các hộ còn lại cũng đã hiểu vấn đề và đồng tình nhận tiền đền bù. Hiện, sân vận động đã đi vào hoạt động phục vụ người dân chơi các môn thể thao và nhiều hoạt động khác”, góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới”.Ngoài ra, việc một số địa phương, đơn vị, cán bộ, công chức chưa thực hiện đúng các quy định, quy trình về công khai các nội dung để dân biết, dân bàn, tham gia ý kiến và quyết định các nội dung liên quan đến đất đai, chế độ, chính sách nên gây bức xúc, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong dân. Để khắc phục tồn tại này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường đối thoại trực tiếp, từ đó tạo mối quan hệ hài hòa giữa người dân với Đảng, chính quyền. Điển hình như vụ việc ở xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, để giải quyết ý kiến, kiến nghị của người dân, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì tổ chức đối thoại với khoảng 90 người dân khu 2 tại trụ sở UBND xã. Tại buổi đối thoại, sau khi lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, lãnh đạo UBND tỉnh đã giải đáp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng bày tỏ: “Từ vụ việc ở xã Đông Khê, cấp ủy và chính quyền các cấp trong huyện đã rút ra bài học kinh nghiệm, đó là bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì công tác dân vận chính quyền cần phải hướng tới mục tiêu gần dân, sát dân, thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, đồng thời thông qua việc đối thoại sẽ tranh thủ được các ý kiến đóng góp, sáng kiến của người dân vừa giúp cho công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền vừa tạo điều kiện cho người dân nhận thức được đầy đủ hơn về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình”. Để từng bước vượt qua những khó khăn thách thức, khắc phục hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận nhằm tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân. Ban Dân vận các cấp tiếp tục phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh phong trào thi “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân; nêu cao vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/201909/ky-2-kien-tri-vuot-kho-166585