Kỳ 2: Ngôi làng đầy 'ám khí'

Nằm giữa nơi rừng xanh núi thẳm, với những kiến trúc cổ từ đời Minh - Thanh, lại ẩn chứa biết bao điều bí ẩn nên Phong Môn đã trở thành điểm đến thu hút những người thích phiêu lưu, ưa mạo hiểm...

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, rất ít người muốn quay lại đây sau khi đã bước chân vào làng. Từ câu chuyện về địa danh ám ảnh này, đạo diễn Hình Bác đã thực hiện bộ phim Ngôi làng tử khí nổi tiếng.

Những truyền thuyết được thêu dệt

Ẩn sâu trong khu vực rừng núi thuộc vùng ngoại ô giữa hai thành phố Thẩm Dương - Tiêu Tác của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, với những ngôi nhà xây từ thời Minh - Thanh thấp thoáng bên trong là điểm nhận dạng dễ thấy của ngôi làng mang cái tên sơ khai khá ấn tượng: Phong (gió) và Môn (cửa), với hàm nghĩa "Ngôi làng có cánh cửa mở ra đón gió”. Nhưng theo thời gian, với những câu chuyện kỳ bí được thêu dệt nên dù tên làng vẫn không thay đổi nhưng đã mang nghĩa hoàn toàn mới là "Cửa đã đóng lại" (tiếng Trung Quốc có nhiều chữ đồng âm khác nghĩa).

Tò mò về địa danh gần như bị bỏ hoang phế giữa chốn rừng thiêng, năm 1963 một số du khách đã tìm đến đây và khi trở về tất cả đều "hồn xiêu phách lạc" do ảnh hưởng "âm khí nặng" ở nơi mình vừa háo hức đến để rồi phải... vội vã rời đi! Từ đó, Phong Môn trở thành "ngôi làng ma ám" đầu tiên ở Trung Quốc, thậm chí còn được xếp vào "một trong 10 sự cố siêu nhiên" tại đất nước tỉ dân này, trong khi còn nhiều điều giới khoa học chưa thể giải thích được.

Tương truyền, vài người khi đến làng từng thấy những chiếc quan tài rỗng đặt trong các căn nhà hoang, sau này được giải thích do liên quan đến tập tục mai táng người chết khá đặc biệt của những người dân ở Phong Môn xưa: Khi một người qua đời mà vợ hoặc chồng vẫn còn sống thì thi thể người quá cố sẽ được đặt trong quan tài để ở làng, chờ đến khi nào bạn đời của họ chết đi sẽ chôn cùng nhau. Từ đó, Phong Môn còn có tên "ngôi làng tử khí”, nhất là khi nơi này đúng nghĩa bị bỏ hoang. Mặc dù vậy, những người cao tuổi xa quê đã lâu vẫn thường mang theo nỗi hoài cố hương, nên sau khi mất, họ đều muốn được quay về yên nghỉ nơi làng cũ.

Các thành viên đoàn khảo sát tìm đến Phong Môn nghiên cứu

Các thành viên đoàn khảo sát tìm đến Phong Môn nghiên cứu

Một trong những nỗi ám ảnh nhất ở Phong Môn chính là chiếc ghế thái sư xuất hiện từ thời nhà Thanh, nằm trong căn trạch viện lớn ở làng. Tương truyền bất kỳ ai ngồi lên chiếc ghế đó đều sẽ gặp phải những điều không may một cách khó lý giải. Theo truyền thuyết, ngày trước có một ông lão sống ở làng ngày nào cũng ngồi trên chiếc ghế ấy đợi con trai đi phu trở về, cho đến lúc cụ qua đời cũng chính trên chiếc ghế ấy.

Một số du khách kể lại, lúc đi qua địa phận của làng, họ thường nghe thấy những âm thanh kỳ lạ văng vẳng trong tiếng gió đồng thời cảm thấy choáng váng ngay khi bước chân qua cổng làng. Đã có nhiều đoàn nghiên cứu tới khảo sát hiện trường bị mất phương hướng vì la bàn và định vị bỗng ngừng hoạt động, nhưng chỉ cần ra khỏi Phong Môn là tất cả đều quay về trạng thái bình thường như lúc ban đầu...

Những lời thêu dệt cứ thế nhiều lên khiến cái tên Phong Môn càng khiến không ít người tò mò.

Tên "Phong Môn" của ngôi làng hiện giờ đã mang ý nghĩa khác với lúc ban đầu

Đài truyền hình vào cuộc

Để giải mã những bí ẩn xung quanh ngôi làng kỳ bí này, ngày 05/01/2008 Ban giám đốc Đài truyền hình tỉnh Hà Nam đã quyết định cử đoàn phối hợp với các thành viên Câu lạc bộ thể thao ngoài trời cùng Đội cứu hộ tỉnh này và một số chuyên gia, học giả gồm 16 người, mang theo các trang thiết bị lẫn máy móc tìm đến Phong Môn làm rõ thực hư vấn đề. Và lần đầu tiên ngôi làng "ma ám" của Trung Quốc đã được nghiên cứu tổng thể từ mọi phương diện: lịch sử, địa lý, môi trường, cảnh quan, dân số cùng những hiện tượng kỳ bí xung quanh...

Theo các chuyên gia, hình thái kiến trúc trong làng đã đi ngược lại phong thủy thường thấy ở các thôn làng Trung Quốc, nhóm nghiên cứu cũng làm rõ nguyên nhân ban đầu khiến các thiết bị la bàn, định vị ngừng hoạt động là do từ trường dưới lòng đất tạo ra... Mặc dù vậy, do thời gian ngắn ngủi nên các chuyên gia khi ấy vẫn chưa thể nghiên cứu những vấn đề bí ẩn tồn tại, dù sự việc lặp đi lặp lại khá nhiều lần... Phong Môn vì thế đã phải "khép lại", chờ giới khoa học tiếp tục vào cuộc...

(Còn tiếp...)

NGUYỄN XUÂN (theo Toutiao, ST)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-2-ngoi-lang-day-am-khi_147421.html